top of page

Tam Bộ Nhất Bái mùa Vu Lan Đinh Dậu 2017

CHƯƠNG TRÌNH LỄ TAM BỘ NHẤT BÁI

Sơ Lược ý nghiã Tam Bộ Nhất Bái

Chủ nhật, ngày 20.8.2017

Nhân mùa Vu Lan báo hiếu , noi gương hiếu hạnh của Đức Mục Kiền Liên và học theo hạnh Tam bộ nhất bái báo hiếu cao đẹp của Đại lão Hoà Thượng Hư Vân , Chùa Đức Viên đã tổ chức lễ Tam Bộ Nhất Bái để nguyện cầu Tam Bảo từ bi tiếp độ cha mẹ hiền tiền được tăng phước thọ , thâm tín Tam Bảo , siêu độ cho cha mẹ qúa vãng cùng cửu huyền thất tổ và oan gia trái chủ được siêu sanh lạc quốc , đồng thời cầu nguyện cho thế giới hòa bình chúng sinh an lạc

Vào sang sớm ngày chủ Nhật 20-8-2017, lúc 7;00 sáng toàn thể Chư Ni ở chùa Đức Viên và Chư Ni đến từ các tự Viện ở nhiều tiểu bang từ Đông sang Tây của Hoa Kỳ và toàn thể Phật Tử huân tập trước chánh điện , nghe theo chỉ dẫn của qúy sư trong ban tổ chức .

Sau khi ổn định và chỉ dẫn cách thức lễ tam bộ nhất bái

Sư Thầy Giám Trực sơ lược ý nghĩa lễ “Tam Bộ Nhất Bái”.

Nam Mô A Di Đà Phật,

Kính bạch chư Tôn Đức Ni,

Kính thưa toàn thể đại chúng,

Nghi thức lễ “ngũ bộ nhất bái”, “tam bộ nhất bái” hay “nhất bộ nhất bái” không phải là một nghi thức xa lạ trong lễ nghi phương Đông. Nếu trong cung đình, nghi thức này, thông dụng nhất là Tam Bộ Nhất Bái, biểu lộ sự quy kính, hàng phục thì trong tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo, thể hiện sự cung kính, quy ngưỡng, nguyện cầu, xuất phát từ sự rung cảm sâu xa của người lễ lạy, và trở thành một trải nghiệm tâm linh, một pháp môn tu.

Thiết tưởng trước hết khi nói đến lễ Tam Bộ Nhất Bái, chúng ta cũng nên nhắc đến người dân Tây Tạng với quốc giáo là Phật giáo. Có thể nói hầu hết phần lớn dân Tây Tạng đều luôn mong muốn được hành hương đến ngôi đền linh thiêng nhất Tây Tạng Jokhang tại thủ đô Lhasa, tuy nhiên hành hương và lễ tam bộ nhất bái vòng quanh núi thiêng Kailash mới là mục tiêu tối hậu để giải thoát tâm linh và sinh tử luân hồi của người dân xứ tuyết này.

Trên núi cao có dấu chân Phật, có lưỡi rìu nghiệp lực, có tảng đá nghiệp lực, có mặt gương cong thời gian, có những đoạn đường đi qua người như không có trọng lượng… Rất nhiều người gồm đủ sắc dân, Tăng sĩ và Phật tử, đã chọn hình thức tam bộ nhất bái để thể hiện tâm thành kính đối với những vị Phật sống của họ, và cũng không ít người đã phải bỏ thân, chết dọc đường trên cuộc hành trình khắc nghiệt ấy vì quá kiệt sức. Nhưng với họ, đó là một sự ra đi thanh thản và đầy ý nghĩa, trở về với bản thể, chân như Phật tính.

Việt Nam ta từ rất sớm cũng đã có rất nhiều vị Thánh Tăng đi về Thiên Trúc hành lễ thánh tích. Theo sách Đại Đường Tây Vực Cầu Pháp Cao Tăng Truyện của ngài Nghĩa Tịnh đời nhà Đường có chép: "... Ở Giao Châu (tên gọi Việt Nam ngày xưa) cũng có các vị Pháp sư qua Tây Vực, như ngài Vận Kỳ Pháp sư, ngài Khuy Xung Pháp Sư, ngài Huệ Diễm Pháp sư... là những vị sư người Giao Châu đi đến Tây Vực cầu Pháp..." Và thời hiện đại Hòa Thượng Thích Minh Châu, Hòa Thượng Thích Thiện Châu v.v... là những bậc danh Tăng của Việt Nam đi cầu Pháp cũng như lễ bái thánh tích nổi tiếng của Phật Giáo tại Ấn Độ.

Câu chuyện hành hương lễ bái được người đời truyền tụng và ngưỡng mộ nhất có lẽ là câu chuyện tam bộ nhất bái của một Thiền sư Trung Hoa - Đại Lão Hòa thượng Hư Vân (1840 -1959) - chuyến hành hương tam bộ nhất bái được xem là dài nhất, gian khổ nhất, Ngài đã đi suốt ba năm trời trong tuyết trắng và vượt qua chặng đường dài đến 2.500 km từ Phổ Đà Sơn đến Ngũ Đài Sơn với tâm nguyện báo đáp phần nào công ơn sinh thành của cha mẹ!

HT.Tuyên Hóa từng nói: “Con đường tốt nhất để am tường các pháp là chịu đựng được những hạnh khó hành, làm những việc mà người khác không chịu làm, nhẫn những chuyện mà không ai nhẫn nổi.'

Hôm nay nhân mùa Vu Lan, mùa hiếu hạnh của người con Phật, sau ba tháng an cư vun bồi đạo hạnh, trưởng dưỡng giới pháp, nâng cao nguồn sống tâm linh, chư Tôn Đức Ni chùa Đức Viên hòa với lòng thành kính của hàng Phật Tử cùng nhau dâng hết lòng thành kính vào mỗi niệm, mỗi niệm thanh tịnh trong câu Phật hiệu theo nghi thức ba bước lễ một lễ.

Chúng con xin cúi đầu đảnh lễ, năm vóc sát đất, quên hết mọi duyên, xả bỏ ngã mạn, rèn luyện lòng khiêm cung nhẫn nại, nguyện cầu Phật lực gia ân tiếp độ cho Tôn Sư quá vãng cao đăng Phật quốc, chứng vô sanh nhẫn, Tôn Sư hiện tại tứ đại điều hòa, Phật sự viên thành, lại nguyện cho phụ mẫu hiện tại chánh tín Tam Bảo, cha mẹ quá cố thác sanh tịnh cảnh, oan gia nhiều đời xả bỏ oán thù kết thành thiện hữu. Chúng con cũng nguyện xin đem công đức này hồi hướng về cho tất cả chúng sanh trong pháp giới đều thấm nhuần Phật pháp, muôn tội tiêu tan, giải thoát luân hồi sanh tử, sanh về cõi Tịnh độ an vui.

Nam mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát.

Nam Mô A Di Đà Phật.

Bắt đầu buổi lể;

  • Thỉnh ba hồi chuông trống Bát Nhã.

  • Sư Thầy Giám Viện dâng lời phát nguyện và toàn thể đại chúng cùng lập lại theo để dâng trọn lòng thành và tâm nguyện thiết tha của mình lên Tam Bảo.

  • Sư Thầy Giám Trực xướng lễ niêm hương bạch Phật ………..

  • Lễ Tam Bảo theo nghi thức tụng niệm.

  • Lễ Sư trưởng và Phụ Mẫu.

  • Sư Thầy Giám Trực …xướng bài tán Phật A Di Đà và bắt đầu lễ “Tam Bộ Nhất Bái”. .

  • Tụng sám và hồi hướng.

  • Phục nguyện. ( sư Thầy Như Bảo Huê Lâm)

  • Tam quy.

  • Dâng lời cảm tạ - Cung thỉnh quý Sư Thầy giáo huấn.

  • Hoàn mãn.

Buổi lễ hoàn mãn lúc 11:30 sáng,

Dưới sự điều hành quy củ nhịp nhàng khít khao của ban tổ chức Buổi Lễ Tam Bộ Nhất Bái Báo Ân Phụ Mẫu Sư trưởng đã viên mãn tốt đẹp, mọi người cùng vui mừng hoan hỉ ở lại thọ trai cùng chư Ni

Recent Posts
Archive
Search By Tags
No tags yet.
Follow Us
  • Facebook Basic Square
  • Twitter Basic Square
  • Google+ Basic Square
bottom of page