top of page

Cảm Niệm Sư Bà Đức Viên, Thày Thích Từ Lực

Sáng hôm qua, trên đường thiền hành quanh chùa, nhìn bên cạnh, tôi thấy cây hoa đào vừa trổ mấy cụm bông màu đỏ thắm thật tươi. Đây là cây hoa, Sư bà Đức Viên đã biếu cho chùa Hayward vào dịp đạo tràng thiết lập cơ sở mới, cách đây khoảng 7 năm. Mỗi khi nhìn, cũng có lúc tưới nước cho nó, tôi đều nghĩ đến thân tình và sự thương mến Sư Bà đã dành cho chúng tôi, những người hậu học. Tấm lòng của Sư Bà rộng rãi, bao la như tấm lòng của một người mẹ. Dường như ở Tây, Tàu, hay Ấn độ, Singapore, nơi nào cũng có bước chân của Sư Bà cả, và Sư Bà đến đó để cầu nguyện, chiêm bái hay tham dự Phật sự chung. Cuộc đời của Sư Bà là cuộc đời của một người phụng sự cho Phật pháp và chúng sanh.

Gần đây, Sư Bà nhuốm bệnh. Đó cũng là lẽ thường, vì ai có thân mà không có bệnh, không bị chi phối bởi định luật sinh lão của cuộc đời. Nhân được tham dự các buổi cầu nguyện của chư Tăng Ni và Phật tử quanh vùng được tổ chức tại chùa Đức Viên tôi mới thấm thía hơn về hai chữ đạo tình. Đành rằng, ai cũng có thể bị bệnh, bất cứ lúc nào và ở đâu, nhưng khi bị bệnh mà có chừng ấy người, chừng ấy tấm lòng chiếu cố, lưu tâm, thì quả thật sống như vậy mới thật là đáng sống, xứng danh là đấng trưởng tử Như Lai.

Rồi nhìn quý Sư Cô quây quần bên nhau để chăm sóc cho Sư Bà, tôi thật đôi khi không ngăn được dòng nước mắt. Tình sư đệ, nghĩa thầy trò, giờ đây, bên giường bệnh của Sư Bà đã là những gì có thật, vượt qua ngôn ngữ tầm thường của thế gian. Không quản ngại cực nhọc, quý Sư Cô ngày đêm túc trực bên giường bệnh để lo từng miếng cháo, từng thang thuốc cho Sư Bà. Quý Sư Cô đang chung vai góp sức mình, môït mặt lo cho Sư Bà, một mặt duy trì sự sinh hoạt cho chùa, và điều khác cũng khá quan trọng, thâm sâu hơn, là quý Sư Cô thật sự đoàn kết chặt chẽ với nhau để cùng chia xẻ nỗi khó khăn, sự cực nhọc đang đè nặng trên vai. Bây giờ, trong tình trạng này, ai nấy đều bỏ qua những chuyện nhỏ nhặt hay buồn phiền riêng tư để ngày đêm cầu nguyện cho Sư Bà. Tôi thấy quý Sư Cô, và một số Phật tử thân tín của chùa, cùng phân chia công tác và làm việc trong hoan hỷ, trước là đền ơn Sư Bà đã dạy dỗ, sau là vì Phật sự chung. Đây quả thật là tấm chân tình và tấm gương quý thể hiện trong cuộc sống tu hành.

Thưa Sư Bà, chắc mai này khi mãn duyên với cuộc đời này, Phật sẽ rước Sư Bà về lại quê hương cũ. Chúng tôi, những người hậu học ở lại chốn này, xin thành kính cầu nguyện Sư Bà nhẹ bước Tây quy. Và xin hứa nguyện siêng năng tu tập để báo đền phần nào sự thương mến, công ơn giáo dưỡng của Sư Bà, và nguyện muôn đời ngàn kiếp noi gương phụng sự chúng sanh không mỏi mệt của Sư Bà.

Sang năm, vào khoảng thời gian này, chắc cây đào lại trổ bông. Ở đó, tôi lại sẽ thấy hình ảnh an hòa, tấm lòng rộng rãi của Sư bà Tọa chủ chùa Đức Viên. Thì ra, dù vạn vật có đổi thay theo năm tháng, tấm chân tình đó vẫn còn mãi trong lòng người, giữa cuộc đời.

***

Bây giờ Sư Bà đi rồi!

Bên ngoài, nơi quàn kim quan củøa Sư Bà, tiếng niệm Phật đang vang lên đều đặn, âm thanh nghe tha thiết làm sao, như thử tiếng đàn con dại gọi Mẹ giữa đêm trường thanh vắngï. Và tôi ngồi đây, vài lúc muốn ngăn dòng nước mắt, ngăn tiếng thổn thức đang dâng lên từng hồi, từng chặp. Nhưng mà đành chịu thôi dù đã cố gắng rất nhiều, thật nhiều. Tâm trạng của tôi và những người khác, hàng huynh đệ đồng tu, cũng như tâm trạng của nhà thơ ngày trước đã có lần thổn thức:

Tôi thấy tôi mất mẹ Mất cả một bầu trời.

Hôm đó, tôi lặng người khi nhận được tin Sư Bà yếu dần. Cũng may tôi cũng xuống kịp trong giờ chư Tôn Đức và Phật tử hộ niệm cho Sư Bà. Thành tâm niệm Phật, tôi hướng về hình ảnh ao sen Cực lạc, với rất nhiều thanh thản, để xin cầu nguyện đức Phật Di Đà từ bi tiếp độ Sư Bà cao đăng Phật quốc. Cuối cùng, duyên Ta bà đã hết, Sư Bà nhẹ nhàng trút bỏ nhục thân về với Phật. Thế là hạnh nguyện độ sanh của Sư Bà ở cõi đời này đã hoàn thành. Bên cạnh, công đức tạo lập ngôi chùa Đức Viên cùng với sự thương mến đồ chúng, khuyên nhủ Phật tử siêng năng tụng kinh, niệm Phật để cầu nguyện vãng sanh như là một dấu ấn lưu dấu cho hậu thế noi theo.

Tâm hạnh của Sư Bà rộng lớn, nhìn đâu cũng thấy, từ một bụi cây ở ven bờ tường cho đến ở bàn ăn vào giờ ngọ. Lúc thì Sư Bà cầm kéo tỉa cây, khi thì cười giỡn, trách yêu quý Sư Cô, đồ chúng. Cũng có lúc, trong chiếc y vàng, Sư Bà nghiêm nghị, ung dung nhưng không thiếu vẻ thành kính trọng Tăng, khiêm nhường đúng mức. Và hơn cả, có lẽ, là công phu tu tập với pháp môn Tịnh độ, một lòng cầu nguyện vãng sanh cảnh giới Tây phương, khiến ai nấy đều cảm được chí nguyện bền vững, tấm lòng tha thiết của Sư Bà. Câu đối thô thiển dưới đây, xin đặt ra, để nói lên phần nào con người của Sư Bà khi sinh tiền:

Mỗi bữa ăn dùng ba món, bậc Tôn sư để lại cho chúng đệ tử xuất gia tấm gương an bần lạc đạo. Một ngày sáu buổi công phu, Người hóa độ thường nhắc nhở hàng cư sĩ tại gia niệm Phật cầu sanh Tịnh độ.

Được nuôi dưỡng trong khuôn khổ, đời sống đạm bạc của chốn thiền môn quy củ, Sư Bà đã dõng mãnh tự mình nuôi dưỡng đạo tâm và bồi đắp sự kham nhẫn cao quý của bậc xuất gia chân chánh.

Xin ghi lại đây một kỷ niệm nhỏ, khi có dịp tham dự một chuyến hành hương Ấn Độ do Sư Bà chủ trì. Cũng xin bày tỏ lòng biết ơn sâu xa của người hậu học đối với lòng thương mến bao la của Sư Bà. Vé máy bay và lời khuyến khích đã trợ duyên cho tôi được tìm về xứ Phật. Trong chuyến đi đó, tôi đã được mở rộng tầm mắt với một chân trời xa lạ đầy sức sống tâm linh của xứ Ấn đất rộng người đông; bên cạnh đó, còn ghi lại trong lòng tôi mộït cảm xúc khó quên khi chiêm lễ Kim Cang tòa ở Bồ đề đạo tràng, nơi đức Từ phụ chứng được Pháp thân thường trú. Tuy vậy, tấm lòng cang cường và thái độ kiên nhẫn của Sư Bà làm tôi kính phục và ghi nhớ mãi như một bài học quý giá.

Hôm đó, tôi còn nhớ, cả phái đoàn được Thầy Huyền Diệu đón tại phi trường quốc tế Tân Đề Ly. Sau đó, Thầy đưa mọi người về nghỉ ngơi ở một cư xá. Và ngày mai lên đường đi về hướng vườn Lộc Uyển. Đoạn đường khá xa. Đường lộ ở Ấn Độ hơi xấu, chỗ lồi chỗ lõm dù là quốc lộ, nên xe chạy cũng chậm. Xe lại nhỏ nên sau một ngày một đêm chạy liên tục, chỉ dừng để ăn trưa, nghỉ ngơi chút đỉnh, mọi người đều cảm thấy mỏi mệt. Sức chịu đựng của vài người, dù là thanh niên, cũng mòn dần theo với đoạn đường trước mặt, nhất là khi qua những miền núi, đường khó đi, nhồi lên nhồi xuống như một trái banh trong tay một chú bé tinh nghịch. Người bạn ngồi bên cạnh tôi đã thấm mệt. Tôi cũng mệt nhoài nhưng nhờ có mấy năm trong quân ngũ nên chưa đến nỗi phải quạu quọ, buồn bực. Trong khi đó, Sư Bà, có lúc lên tiếng động viên tinh thần các cụï, có khi hỏi thăm Thầy Huyền Diệu, đoạn đường còn bao xa nữa, và lúc nào cũng tỉnh táo, nêu gương kiên trì, kham nhẫn cho mọi người.

Có một lúc, xe chạy qua một làng có lính gác, cầm gậy, hỏi han mọi người dăm ba câu,có ý xin chút đỉnh uống nước. Rồi xe chạy vào một truông núi, thăm thẳm một màu đen. Đa số đều dựa vào nhau, cố tìm lại một chút sức lực để theo hết đoạn đường gian truân. Trong khi đó, tôi nghe tiếng Sư Bà tụng chú "Án ma ni bát di hồng" đều đều trong đêm tối, như vỗ về con thơ, như cầu sự bảo vệ của Bồ Tát Quán Âm cho cả đoàn người. Không than thở, không trách móc ai cả, mà chỉ âm thầm đặt niềm tin vào Phật, hành xử với tấm lòng của một người tu.

Tôi mường tượng như giữa đêm đen, Sư Bà vừa mới thắp lên một ngọn đèn để soi đường cho những người hậu học, cho những bạn đồng hành.

Bây giờ Sư Bà đã về với Phật, với ao sen báu có hoa nở quanh năm. Xin Giác linh Sư Bà từ bi phù hộ, độ trì cho người ở lại giữ được niềm tin vào đạo Bồ đề, trăm kiếp ngàn đời nguyền không thối chuyển. Riêng tôi, vẫn tin chắc rằng, công hạnh sáng chói của Sư bà sẽ còn lưu lại sâu đậm trong lòng các môn đồ và tiếng niệm Phật cầu nguyện vãng sanh sẽ còn tiếp tục vang vọng sân chùa.

Sau hết, trong tấm lòng chân thành của người hậu học, tôi xin chép lên đây lời dạy của Đại sư Hám Sơn về pháp môn niệm Phật, để xin đem chút công đức nhỏ bé thành tâm cầu nguyện Giác linh Sư Bà diện kiến Di Đà, đắc Vô sanh nhẫn:

"Kinh nói: Nếu muốn tịnh cõi Phật thì phải thanh tịnh tự tâm. Ngày nay tu hành tịnh nghiệp, thì phải lấy việc thanh tịnh thân tâm làm gốc. Muốn tịnh tự tâm, trước nhất là phải thanh tịnh giới căn. Vì mười việc ác của thân miệng ý vốn là nhân khổ của ba đường ác, nên nay phải cần trì giới, khiến cho ba nghiệp được thanh tịnh, tức tâm tự tịnh. Nếu thân không giết hại, ăn cắp, tà dâm, nói láo thì thân nghiệp thanh tịnh. Nếu miệng không nói láo, nói lưỡi hai chiều, nói lời ác độc, nói lời thêu dệt thì khẩu nghiệp thanh tịnh. Nếu ý không tham lam, sân hận, si mê, thì ý nghiệp thanh tịnh. Mười việc ác này mãi đoạn dứt, ba nghiệp trong sạch, đó là điều thiết yếu của sự tịnh tâm. Trong lúc thanh tịnh thân tâm, phải dấy khởi tâm chán khổ nơi cõi Ta bà, mà phát nguyện vãng sanh về miền An dưỡng; lập chánh hạnh niệm Phật, tâm niệm Phật phải thiết tha vì sanh tử. Đầu tiên, ngoài đoạn ngoại duyên. Kế đến, bên trong đơn độc đề khởi nhất niệm. Dùng mộät câu A Di Đà Phật làm mạng căn. Niệm niệm không quên, tâm tâm chẳng đoạn. Trong mười hai thời, đi đứng nằm ngồi, cử động gân cốt, xoay mình cúi ngửa, động tịnh đều quên. Trong mọi thời, không u mê, không ngu muội, lại chẳng làm duyên khác. Dụng tâm như thế, lâu ngày thuần thục, cho đến trong mộng, cũng không quên mất; thức ngủ như nhau, tức là công phu liên tục; dệt thành một phiến, tức là lúc công phu được đắc lực. Nếu niệm đến nhất tâm bất loạn, thì lúc lâm chung, cảnh giới Tịnh độ hiện ra trước mắt; tự nhiên không bị sanh tử trói giữ, bèn cảm Phật A Di Đà phóng quang tiếp dẫn."

Có lẽ giờ này, trong ao thất bảo chín phẩm hoa sen vừa nở rộ để đón bước chân người vừa mới Tây quy.

Nam mô Liên Hoa tháp, Ma ha Tỷ kheo ni Bồ tát giới, húy thượng Đàm hạ Lựu, hiệu Thích Diệu Thanh, khai nguyên Đức Viên tự, thăng hóa Tây phương ư Kỷ Mão niên, Nhị nguyệt, sơ Cửu nhật, Hợi thời, trụ thế 67 niên kỷ, 48 hạ lạp, nhục thân Bồ tát thiền tọa hạ lai lâm chứng giám.

*********

Sau lễ Trà tỳ, một trận mưa rơi xuống, có từng hạt mưa đá nhỏ li ti. Chuyện lạ ở chỗ, chỉ mưa ở vùng San Jose mà thôi, chứ khi về lại Hayward, trên đường 880 tôi thấy xa lộ khô ráo mà! Với lại, có mây đen, có gió lớn, vậy mà trận mưa lại "hiền khô" như thể trút nước xuống để rửa sạch những buồn tủi, thương nhớ của môn đồ, hiếu quyến. Rồi thôi, trời lại nắng. Tôi lại nghĩ thêm, không chừng Sư Bà hiển linh, bày trò để phù hộ cho quý Sư cô yên lòng tu tập, nhắc nhở bà con Phật tử cố gắng làm việc Đạo cho giỏi, còn ở trên cao lúc nào Sư Bà cũng "ở đó" nhìn xuống trần gian. Trong kinh cũng đã có thí dụ, mưa xuống một trận thấm nhuần tất cả cỏ cây. Phải chăng ứng vào điều này?

Ba hôm sau, tôi trở lại Chùa. Trong lòng thấy trống vắng, như thử thiếu mất Sư bà là không còn lý do nào để tôi bước chân vào Chùa nữa. Nghĩ như vậy thì thật là không phải. Còn lớp học hàng tuần, còn thân tình đạo bạn, còn nhiều chứ! Nhưng quả thật tôi có tâm trạng đó, và cứ thấy buồn buồn ở trong lòng.

Mỗi khi nhìn hàng cây ở phía nhà hàng xóm ngã bóng qua bãi đậu xe là tôi lại thấy hình ảnh của Sư Bà ngày nào còn cầm kéo, tỉa những ngọn cây vươn qua phía Chùa. Thường mặc chiếc áo len, màu sậm, mang bao tay, cầm kéo, Sư Bà ung dung làm việc. Có Phật tử đến Chùa lễ Phật, sau khi xuống xe, dừng lại chào thì Sư Bà hỏi han việc gia đình, khuyên họ cố gắng tu trì cho thêm phước đức, rồi cúi xuống, tiếp tục làm việc. Không nhiều lời mà lúc nào cũng có sự ân cần, tha thiết. Đa số cứ tưởng Sư Bà nghiêm nghị, xa cách nhưng có sống gần mới biết Sư Bà cũng có tâm hồn văn nghệ. Có dạo Sư Bà cùng quý Sư cô và chúng xuất gia ra bãi biển đổi gió, cắm trại. Sư cô N. kể lại: "Thầy biết không, Sư Bà con cũng cười vui, hòa đồng với tụi con đó. Những lúc ăn cơm chung, Sư Bà thường kể chuyện lúc nhỏ mới vào Chùa, có vẻ thích thú lắm." Con người của Sư Bà là như vậy, bề ngoài thì nghiêm túc, khắc kỷ còn bên trong là cả một biển tình thương, sẵn sàng bao dung, tha thứ.

Đọc lại cuốn Kỷ Yếu của buổi đại lễ Phật Đản chung trong vùng vào năm 1991, tôi tìm thấy lời phát biểu của Sư Bà như sau:

-Tôi vốn ít viết văn làm thơ nhưng đặc biệt mùa Phật Đản năm nay tôi có cảm tác mấy vần thơ cúng dường Tam Bảo, xin hân hạnh tặng ban Báo chí:

Tăng Ni Phật tử năm nay

Hân hoan thiết lễ vui ngày Đản sanh

Cờ năm sắc bay an lành

Tuyên dương chánh pháp rộng hoằng tình thương

Việt Nam con Phật tha hương

Nổ lực tu học soi đường nhân gian

Đuốc từ bi dựng Niết Bàn

Oán thù rửa sạch sầu than không còn.

Bài thơ này diễn tả được và đúng tấm lòng của Sư Bà

đối với Phật sự chung cũng như ước nguyện cho sự hòa hợp của Tăng đoàn.

*********

Năm sau, vào khoảng thời gian này, tôi sẽ trở lại chùa Đức Viên, cũng sẽ vào bên trong lễ Phật, cũng sẽ ra bên ngoài đếm từng bước chân trên con đường nhỏ quanh Chùa mà Sư Bà đã ra công tô đắp, làm nên, và nhớ lại lòng thương mến của Sư Bà đối với hàng hậu học chúng tôi. Ở đó, từ hàng hiên cho đến cổng Chùa, chắc chắn có hình bóng Sư Bà hiển hiện nhắc nhở chúng tôi cố gắng tu hành.

Rồiø về lại Hayward, tôi lại thấy cây đào trước sân nở rộ, tươi thắm như ngày nào Sư Bà còn sống ở trên đời. Những người hậu học ở đây, dù Sư Bà vắng bóng, cũng xin khắc ghi lời dặn dò của Sư Bà trước lúc lâm chung vào tận tâm khảm của mình: giữ vững tâm chí bồ đề, lòng không thối chuyển, khuyên nhau vững dạ tu hành, nguyện kết thiện duyên, nguyện hành Phật sự để báo đáp bốn ân, cứu vớt ba cõi.

Thích Từ-Lực

Recent Posts
Archive