top of page

Cảm Niệm Sư Bà Đức Viên, Thày Thích Minh Đạt

CẢM NIỆM SƯ BÀ ĐỨC VIÊN

  • NHÂN DUYÊN GẶP GỠ :

Lần đầu tiên tôi gặp Sư Bà Đức Viên trên đất Mỹ vào khoảng đầu năm 1980, tại Chùa Giác Minh, Palo Alto, California, Hoa Kỳ. Trực tiếp chào hỏi và được Sư Bà cho biết là mới qua Mỹ được một tuần. Trên xe về San Jose, Pháp hữu tôi, Thầy Tịnh Từ, cho biết thêm là Sư Bà có du học tại Tây Đức và khi về nước chuyên lo về Cô Nhi Viện. Đó là những gì tôi biết về Sư Bà trong lần gặp gỡ đầu tiên.

Bẵng đi một thời gian, một hôm Sư Bà đến thăm anh em chúng tôi tại Chùa Từ Quang, San Francisco. Cùng đi, có một Thầy vừa từ đảo mới qua. Thầy này không ai khác hơn là Thầy Minh Đức. Lần này được thăm viếng lâu và được nói chuyện rất nhiều. Nói chuyện nhiều, nhưng không phải “nhiều chuyện”. Nhờ vậy mà mối đạo tình của những người tha hương có cùng chí hướng hoằng truyền Chánh Pháp trở nên thắm thiết. Sau lần này, cứ mỗi lần có dịp về San Jose là tôi không quên ghé thăm Sư Bà. Hình như lần nào ghé thăm cũng vậy, tôi chưa được thấy Sư Bà ăn mặc “tươm tất” từ trong nhà hay trong phòng bước ra chào hỏi, mà từ ngoài vườn bước vào. Trông người rất lam lũ, nhưng trên mặt luôn đượm một nụ cười tươi. Có lẽ Bà đã học thuộc và thực tập Kinh Quán Niệm Hơi Thở đâu hồi còn là “bạch xỉ” ? Nếu không thế, thì khó có được một nụ cười hiền hậu và tươi mát như vậy!

  • PHƯỚC DUYÊN TRÙNG PHÙNG :

Sau khi mua được hai lô đất, nơi tọa lạc Chùa Đức Viên hiện tại, tôi lại được phước duyên trùng phùng cùng Chư Tôn Đức Tăng, Ni dự lễ đặt Viên Đá Đầu Tiên xây dựng ngôi chùa lịch sử, gói ghém vóc hình Văn Hóa Việt ngàn đời. Tôi sung sướng, cộng thêm một chút “phân bì” : “Sao cô Ni này giỏi thế” ?

Một hôm ghé thăm gặp lúc nhà thầu đang đổ móng và tầng dưới của Chánh Điện. Trông thật kiên cố. Lần đầu tiên tôi thấy trên đất Mỹ. Khi mời nước, tôi đùa, hỏi Sư Bà :

  • Trên đất Mỹ này, ngoài bê tông, cốt sắt đổ móng cho chắc, Sư Bà biết còn loại gì đổ móng chắc chắn hơn nữa không ?

  • Thứ gì nữa, Thầy nhỉ ?

  • Thùng cát tông, giấy báo, lon nhôm !

  • Những thứ ấy là vật liệu của Thầy chế đấy, chứ đâu phải của Mỹ, Sư Bà cười đáp.

Thật vậy, có lần tôi vừa ghé vào, thì Sư Bà cũng vừa lái chiếc xe Van chở đầy những thùng cát tông và giấy báo từ các tiệm tạp hóa về. Chiếc xe Van mà một Phật tử công quả hằng ngày tại chùa đặt cho một cái tên Mỹ rất lịch sự : Recycle Van ! Chữ Recycle Van trong trường hợp này có hai nghĩa: nghĩa thứ nhất là xe Van chuyên dùng để chở “đồ recycle”; nghĩa thứ hai là một chiếc xe Van cũ “vớ” được đâu đó , đem về nhờ ai đó, sửa chữa sao đó, rồi dùng để chở “đồ recycle”. Nghĩa nào cũng dễ thương, và nghĩa nào cũng chuyên chở được hạnh nguyện lợi tha cả. Tôi không lấy gì làm ngạc nhiên, sau khi Sư Bà tịch, người ta ví von “vị Ni Sư dính liền với chuyện nhặt giấy vụn, vỏ lon xây được chùa lớn”. Thêm vào đó, như để đóng góp vào kho tàng Văn Chương Bình Dân của thế hệ hải ngoại, Chùa đã bắt đầu có “Nick name” : “Chùa Bà Lon” !

  • MỘT LẦN THĂM BỆNH :

Tôi được tin (từ một Pháp Hữu) Sư Bà bệnh thật trễ. Mặc dù tuần nào tôi cũng được gặp quý Sư Cô từ Đức Viên về Quang Nghiêm để cùng tôi đọc lại Kinh Phật. Tôi nhớ là không tuần nào tôi không mở đầu bằng một câu hỏi có liên quan đến sức khỏe của chư vị Tôn Đức có đại chúng cho về cùng đọc Kinh với tôi; thế mà khi hay tin thì Sư Bà đang ở hồi nguy kịch! Tôi đoán, một là, Sư Bà coi sự sống chết bình thường. Chết cách nào cũng là chết, chỉ cần sống cho “hợp Đạo” mới là điều đáng quan tâm. Thứ hai, Sư Bà sợ các học trò của mình chưa đạt được trình độ cao như mình, nên khi nghe đến Thầy bệnh nan y là hoảng hốt, là lo sợ, sẽ ảnh hưởng đến cách sống “hợp Đạo” hằng ngày, nên không nói cho ai biết. Có lần tôi ghé thăm vào lúc xế chiều, quý Sư Cô cho biết là Sư Bà vừa từ bệnh viện mới về sáng nay. Nhưng lạ thay, Sư Bà đang tụng kinh, lạy Phật trên Chánh Điện gần hai giờ đồng hồ rồi ! Tôi thấy Sư Bà tinh tấn tu tập như vậy mà tự thương cho chính mình. Tôi rơm rớm nước mắt. Những giọt nước mắt rơm rớm này đã thực sự chảy ra mà tôi không thể nào ngăn được, khi tôi đối diện trước Di Ảnh của Người, hôm tôi hướng dẫn đại chúng về phúng viếng nhục thân Sư Bà lần cuối cùng.

  • ÂN NGHĨA NGHÌN TRÙNG :

Khoảng 10 ngày trước khi Sư Bà tịch, Sư Huynh tôi, Thầy Tâm Thọ, từ Washington D.C. gọi về bảo :

  • Nghe nói Sư Bà Đức Viên bệnh nặng, Minh Đạt đi thăm chưa ? Dạ rồi !

  • Trực tiếp đến thăm chứ không phải gọi điện thoại đâu nghe ! Dạ.

  • Huynh đệ mình mang ơn Sư Bà lớn lắm đó nghe ! Dạ.

  • Ở gần đó có ba huynh đệ, nhưng Tịnh Từ, Thiện Tường, tôi nghĩ chưa biết chuyện ơn nghĩa lớn lao này đâu…..

Sự thật thì tôi cũng không hơn gì hai Pháp hữu của tôi vừa kể.

Huynh tôi còn dặn dò nhiều chuyện nữa, nhưng tuyệt nhiên Ông không nói cho tôi biết đại loại ơn nghĩa như thế nào. Tôi biết đây không phải là chuyện mang tính triết lý, mà là chuyện “thiệt”. Ông ngang nhiên gác điện thoại. Hôm sau tôi gọi lại để biết rõ hơn câu chuyện ơn nghĩa. Vào đề, Huynh tôi tỉnh bơ như ngày nào còn trong Học Viện Huệ Nghiêm :

  • Sao ông cù lần quá vậy, Minh Đạt !

  • Bộ Thầy tưởng hễ ai ở Huệ Nghiêm là phải biết hết mọi chuyện à ?

  • Từ năm 70 đến năm 75, hằng tháng, tháng nào Sư Bà cũng chở đầy một xe “Lam” nào gạo, muối, đường, bột ngọt, nước tương và rau cải tươi vào tiếp tế cho tụi mình. Ông cứ vùi đầu lo học, ba chuyện đó không biết !…(Thật vậy, những thứ đó toàn là loại nhu yếu phẩm của anh em tụi tôi trên dưới 100 người vào thời điểm ấy. Lúc bấy giờ mà có được bó rau muống “tươi” luộc, lấy nước cho vào chút bột ngọt để ăn với cơm là anh em tụi tôi có cảm giác như đã dọn về ở gần biên giới Cực Lạc!) Sao, hôm qua nay đi thăm Sư Bà chưa ?

  • Dạ có gọi điện thoại.

  • Gần xịt đó, lái xe tới mà thăm, ngồi đó mà gọi điện thoại. Dạ!….

Thì ra là vậy. Cám ơn Sư Bà đã Thị Bệnh. Nếu Sư Bà không bệnh, thì tôi cũng còn lâu lắm mới biết được câu chuyện “ân nghĩa nghìn trùng” này. Tới giờ này, tôi cũng không biết Sư Bà có biết tôi xuất thân từ Huệ Nghiêm không nữa ? Nhưng tôi chắc là phải biết. Thế mà, gần 20 năm gặp Sư Bà, cùng sinh hoạt Phật sự trong một vùng, được nhiều lần nói chuyện với Sư Bà, Người chưa một lần hỏi tôi, “Thầy ở Huệ Nghiêm năm nào nhỉ?” Thật đúng là “nhạn bay giữa lừng; hạc rời đầm nội”!!!

  • NHÂN DUYÊN THÙ THẮNG :

Chưa hết, còn một nhân duyên thù thắng nữa mà tôi phải tạc dạ khắc ghi. Đầu năm 1989, Sư Bà gọi chúc Tết tôi. Sau câu chuyện Tết, Sư Bà mời tôi tham gia phái đoàn Hành Hương Đất Phật. Tôi từ chối, vì nhiều lý do; trong đó có lý do: không ai coi ngó chùa chiền.

“Thầy phải buông nó đi, ở đó đợi cho có người coi ngó thì biết tới chừng nào”! Tôi chưa kịp trả lời, Sư Bà tiếp : “Nếu có thêm lý do tài chánh nữa, thì con xin mách để Phật tử hỗ trợ Thầy”.

Xin mở một dấu ngoặc nơi đây để nói về chữ “con”. Bất kỳ lớn nhỏ, cao hạ hay thấp hạ, hễ Chư Tăng đã thụ Đại Giới rồi là Sư Bà một mực kêu Thầy, xưng con ngọt. Đó là chưa kể việc thủ lễ đúng như Luật Phật chế. Tôi chứng kiến một vài thầy còn trẻ, khi nói chuyện tự xưng con với Sư Bà, thì Sư Bà bảo : “Ấy, Thầy xưng hô như vậy không “hợp Đạo”, Hộ Pháp quở cho!” Tôi thật sự kính trọng Sư Bà và chưa bao giờ dám nhận đủ lễ mà Sư Bà dành cho tôi, ngoại trừ khi ngồi giữa một Đại Tăng đông đảo.

Trở lại chuyện Hành Hương Đất Phật. Chuyện này hơi dài dòng, nhưng liên quan đến Kinh Điển nên phải kể. Kinh kể rằng, Đức Phật bảo : “Sau khi Ta diệt độ, những ai đầy đủ nhân duyên, phước đức mới được chiêm bái Tứ Động Tâm”. Tức là bốn Thánh Địa quan trọng. Không một ai nhiệt tâm cầu đạo mà đến một trong bốn nơi ấy mà lòng mình không bồi hồi, xúc động. Do vậy gọi là “động tâm”. Bốn nơi đó là : nơi Phật Đản Sanh, nơi Phật Thành Đạo, nơi Phật Chuyển Pháp Luân, và nơi Phật Nhập Niết Bàn. Hồi thế kỷ Thứ Bảy, ngài Huyền Trang, một trong những Cao Tăng Trung Hoa, lần đầu tiên đến Song Lâm, nơi Phật Nhập Niết Bàn, Ngài đã sướt mướt đôi dòng lệ mà than rằng : “Phật tại thế thời ngã trầm luân, kim đắc nhơn thân Phật diệt độ. Áo não thử thân đa nghiệp chướng, bất kiến Như Lai Kim Sắc thân”(Lúc Phật tại thế thì con trầm luân; nay được thân người thì Phật Diệt Độ. Tội cho thân này nhiều nghiệp chướng, nên không thấy được Kim Thân Phật).

Tôi thuộc bài thơ này hồi còn là một Tăng sinh trẻ, nhân khi học kinh có nhắc đến Tứ Động Tâm. Tôi ước ao và lập nguyện : “Trong đời tu tập của mình làm sao được đủ duyên lành để chiêm bái Tứ Động Tâm một lần”. Chính vì vậy, khi nghe Sư Bà nhắc : “Thầy phải buông nó đi, ở đó đợi có người coi ngó thì biết đến chừng nào”, tôi như sực nhớ một điều gì xa xăm, rồi đồng ý. Lẽ ra thì tôi phải nói lời cảm ơn đến Sư Bà mới phải, nhưng Sư Bà lại “ngược dòng đời” bằng câu : “Cám ơn Thầy đã giúp duyên cho con!”

Câu chuyện viếng thăm Đất Phật lợi lạc đối với tôi ra sao, tôi đã có dịp trình bày đâu đó đôi ba lần, nay không đề cập đây nữa. Tôi muốn nhân cơ hội này hình dung lại con người của Sư Bà trong chuyến hành hương đó. Trong chuyến hành hương đó, tôi có đến ba phước duyên. Phước duyên thứ nhất và cũng là lớn nhất, quý báu nhất trong cuộc đời tu tập của tôi, vì đã đáp ứng trọn vẹn tâm nguyện của tôi hơn 30 năm trước, khi còn là một Tăng sinh; đó là được chiêm bái hầu hết các Thánh Địa mà kinh còn ghi lại. Phước duyên thứ hai là được đi xe buýt có máy lạnh đàng hoàng, trong suốt thời gian lưu trú trên Đất Phật; lý do là chuyến đi này trong phái đoàn có một vị Hòa Thượng trên 83 tuổi đời. Phước duyên thứ ba là được ăn uống đầy đủ. Chính điều “ăn uống” này là điều tôi muốn nhấn mạnh. Sư Bà cũng có mặt mọi nơi như chúng tôi. Tôi không nghĩ là Sư Bà không mệt. Ấy thế mà đến nơi nghỉ ngơi để ăn uống là Sư Bà tự tay bày biện mọi thức ăn cho Chư Tăng. Thôi thì bày biện, chúng ta cứ cho là dễ đi, nhưng nếu không nghĩ đến người khác, không chuẩn bị, không nấu nướng từ đêm trước thì lấy đâu mà bày biện ?!!! Nghĩ đến người khác là một trong những hạnh nguyện lợi tha của người thực tập Bồ Tát Hạnh.

Thì ra, khi mọi người mệt nhoài, vùi đầu nghỉ ngơi, thì Sư Bà âm thầm lo những thức ăn cho cả đoàn trên 20 người, bất kể Tăng, Tục cho ngày hôm sau. Bây giờ tôi thật thấm thía câu : “Người thực tập hạnh Bồ Tát là lấy cái vui của người làm cái vui của mình”.

  • CHÀO NGƯỜI LẦN CUỐI :

Trưa ngày Thứ Sáu, 26 tháng 03 năm 1999, lúc 12 giờ, tôi được điện thoại quý Sư Cô cho hay là Sư Bà “Yếu”. Lúc này Tăng chúng tại Chùa đang chỉ tịnh; tôi không muốn làm động niệm quý Chư Tăng, nên tự lái xe đi một mình. Đến nơi, tôi xin được vào tận nơi Sư Bà đang tịnh dưỡng với hy vọng chào Người lần cuối. Tôi thấy Sư Bà đang khó thở. Trông Người vẫn tỉnh táo. Mắt mở nho nhỏ, nhưng rất trong suốt và có thần. Tôi chắp tay vái chào; đứng lặng yên, chăm chú, nhìn những “sinh hoạt” cuối cùng của Sư Bà. Thỉnh thoảng Sư Bà ngậm miệng lại, rồi mở ra như để mong cho mớ hơi tàn còn sót lại trong buồng phổi trút sạch hầu dễ dàng bước vào thế giới Vô Sanh.

  • THÊM MỘT PHƯỚC DUYÊN :

Tiếng niệm Phật của quý Sư Cô vẫn đều đều vang vọng đầy cả căn phòng. Một lần nữa, tôi lại thêm một phước duyên được tắm mình trong tiếng niệm Phật thật thanh tịnh, toát ra từ những tâm hồn thanh tịnh. Thì ra, tôi cũng đã hòa hài niệm Phật cùng với quý Sư Cô từ lúc nào tôi không để ý. Có điều tôi biết rõ là, không phải tôi niệm Phật “cho Sư Bà”, mà là niệm Phật “với Sư Bà”. Vì tôi tin chắc rằng trong khi Sư Bà nằm yên bất động, nhưng tâm Người vẫn hằng tỉnh giác và chưa từng rời câu Niệm Phật.

  • ĐẾN ĐI VÔ NGẠI :

Khi làn hơi cuối cùng từ giã buồng phổi của Sư Bà lúc 9 giờ 27 phút tối, tôi nghe tiếng Niệm Phật lớn hơn. Tất cả khuôn mặt của những người hiện diện, không ai hẹn ai, nhưng đều đượm một vẻ buồn. “Buồn” vì nhiều lẽ; quý Sư Cô đệ tử buồn vì biết bực Minh Sư giáo dưỡng đã thực sự ra đi. Các hàng Phật tử buồn vì lẽ biết từ đây mình không còn được phước duyên thân cận, học hỏi với một bậc chân tu đạo hạnh tại đạo tràng Đức Viên này nữa. Các bậc đồng môn buồn vì lẽ vắng đi một Pháp lữ đồng hành, một người đắc lực trong chí nguyện hoằng truyền Chánh Pháp nơi cõi “Ngũ trược ác thế” này. Các bậc bề trên buồn vì lẽ mất đi một cánh tay thừa hành Phật sự… Đó là đứng trên phương diện Tục Đế. Ở bình diện Chân Đế thì, tất cả mọi người thực tập và thâm nhập lời Phật dạy, chưa từng thấy Sư Bà sanh ra chứ đừng nói đến Sư Bà tịch diệt. Nhưng, Chân Tục nếu không giao thoa thì khó mà gọi là Đạo Phật.

Tôi tin rằng, tâm nguyện của Sư Bà là tâm nguyện đứng trên hai lãnh vực Chân, Tục giao thoa đó để đạt đến hạnh nguyện :

ĐẾN ĐI VÔ NGẠI ĐỘ QUẦN SANH

Cảm niệm nhân ngày “Chung Thất” (và được nhìn Xá Lợi) của “Người Đi”.

Thíchminhđạt

Recent Posts
Archive
Search By Tags
No tags yet.
Follow Us
  • Facebook Basic Square
  • Twitter Basic Square
  • Google+ Basic Square
bottom of page