top of page

Lá thơ Gửi Thầy.

Lá thơ gởi Thầy nơi Cực Lạc

Nam Mô Từ Phụ A Di Đà Phật

Kính gửi Liên Hoa Tháp Ma Ha Bồ Tát Giới Tỳ Kheo Ni thượng Đàm hạ Lựu, hiệu Thích Diệu Thanh

Kính Bạch Thầy,

Lần đầu tiên con viết thư đến Thầy, bởi Thầy giờ đây ở rất xa, cõi Cực Lạc, mà theo như Đức Phật Bổn Sư dạy, nơi đấy cách Ta Bà hơn 10 vạn ức Phật độ, và con giờ chưa thể đến thăm Thầy được. Con nhớ hơn 19 năm qua, con đã thường đến gặp Thầy đều đặn, đã thường được ngồi hầu chuyện với Thầy rất gần gũi, rất dễ dàng, đã đi với Thầy trong những chuyến hành hương cả tháng trời, vậy mà con không hề biết đấy là những phút quý báu. Người ta nói: “Những gì mất rồi thì mới thấy quý.”, và thưa Thầy, lúc này con mới thấy thấm thía câu này. Chắc Thầy nghe con kể thế, thể nào Thầy cũng “mắng yêu” là “con chỉ vẽ chuyện”.

Thầy dặn, ngày Thầy đi không được khóc, nhưng con vẫn không cầm được nước mắt dàn dụa vì mủi lòng thương nhớ, dù là trong đầu con đang quán tưởng xem nhân duyên nào kết hợp để mối thương cảm tràn đầy đến độ như thế trong con. Vâng, con tự nhủ, trong cái Không, cái Thường Hằng, Tịch Tĩnh của vạn pháp, tất cả chỉ là thị hiện do duyên hợp. Con nhớ năm cuối của Thầy, con để ý thấy Thầy tụng kinh thường ngừng quãng như yếu hơi, khi con quan tâm hỏi, Thầy bảo chỉ cảm xoàng thôi. Hôm con thấy tay Thầy run run, con hơi lo ngại, Thầy bảo già rồi nên thế. Từ đấy con yên lặng để ý đến Thầy, và thường xuyên thăm hỏi mỗi lần con gặp Thầy. Con hỏi nhiều quá đến độ Thầy phải bảo át đi là: “Con chỉ lo hão, có thân là phải yếu chứ. Đừng có bông đào quá.” Con cười, kể cho Thầy nghe câu chuyện, khi con hay tỏ vẻ quan tâm nhiều đến nhà con, nhà con thường nói: “Sự quan tâm của quý vị là sự phiền lòng của chúng tôi.” Thầy nghe thế, cười lớn và bảo con: “Về nói với anh ấy đấy là câu nói chí lý.” Rồi từ đấy, nếu con có hỏi thăm Thầy, Thầy chỉ mỉm cười trả lời bằng câu nói đấy.

Kính Bạch Thầy, con xin chí tâm đê đầu đảnh lễ Thầy để tỏ lòng kính trọng tri ân công đức Thầy, một vị Đại Thiện Tri Thức trên con đường tu Tịnh Độ với con, một bậc Thầy giản dị, khiêm cung, nhu hòa, nhẫn nhục, nhưng cương quyết thực hành những chí nguyện độ sinh, luôn lấy câu niệm Phật cầu sinh Tây Phương nằm lòng. Biết bao lần con vui mừng vì cảm nhận: con được Thầy xem như người bạn sen đặc biệt. Năm ngoái, khi Thầy Phước Nhơn ở Úc sang, Thầy đã ân cần giới thiệu con với Thượng Tọa, con là một người con của Đức Phật A Di Đà. Thầy thường cởi mở, chân thành, tha thiết, tán thán Pháp môn Niệm Phật; và thân thiết tâm sự với con về pháp môn tu của Thầy: dốc lòng tu trì câu hồng danh A Di Đà và nguyện vãng sinh Cực Lạc. Mỗi lần nói đến điều này với con, mỗi lần kể những hương tiện giúp người niệm Phật, Thầy đều hoan hỷ, khuôn mặt rạng rỡ vì niềm tin nơi Từ Phụ.

Con nhớ, thủa còn Chùa cũ đường Ocala, Thầy đã cho in sổ Niệm Phật Công Cứ và tấm danh thiếp A Di Đà Phật. Một mặt in hình Từ Phụ Di Đà và ý nghĩa danh hiệu ngài - là sống lâu, sáng suốt, nhiều phước - và hàng chữ nhỏ địa chỉ chùa Đức Viên. Mặt kia của danh thiếp là lời nguyện thực hành hằng ngày:

  • Thường siêng năng giữ tâm an lành

  • Thường tu sửa lợi mình lợi người

  • Thường bố thí

  • Thường nhẫn nhục

và có hàng trống để Phật Tử tự điền tên và pháp danh. Thầy cười rất tươi bảo: “Như thế các vị phát tâm tu niệm Phật sẽ bỏ túi, đem theo thẻ này mà nhắc nhở mình.” Bạch Thầy, con vẫn còn quyển sổ Công Cứ và tấm danh thiếp A Di Đà bên con, con ghi nhớ làm như lời nhắc nhở của Thầy.

Dạo Thầy mới xuống San Jose, kinh sách tiếng Việt còn hiếm, Thầy thường chia xẻ kinh sách Tịnh Độ với con, và nhắc con nên đọc những quyển như: Niệm Phật Thập Yếu, Lá Thư Tịnh Độ, Long Thư Tịnh Độ, Đường Về Cực Lạc, Quê Hương Cực Lạc… Một lần, Thầy gọi riêng con và cho con xem những bức tranh về thế giới Cực Lạc in trong quyển Kinh Quán Vô Lượng Thọ do Phật Học Viện Quốc Tế xuất bản. Hai thầy trò đều rất thích thú khen ngợi mà không chán. Sau đó, con phát tâm xin Thầy thỉnh hộ một số kinh đấy để Chùa và biếu những thư viện chung quanh. Thầy xướng, con tùy, rất tâm đầu ý hợp. Ở ngôi chùa cũ đó đã thường có thời khóa biểu niệm Phật mỗi buổi chiều đều đặn dù là đôi khi chỉ có Thầy và một ít người chúng con. Cũng nơi đấy con thường được may mắn, gần gũi trực tiếp học pháp môn Tịnh Độ nơi Thầy, và tu học Phật Pháp nơi một vị Thầy khả kính khác: Thầy Minh Đức.

Một hôm Thầy bảo con là có khu đất mới, gần chỗ ngã tư đường Tully và McLaughlin. Vị trí rất đẹp. Thầy dẫn con đến xem. Con đưa Thầy đi trên chiếc xe cọc cạch của con, gặp ông bà chủ đất trong căn nhà cũ nhỏ. Con vừa đóng vai thông dịch, vừa nghe Thầy bàn đến dự định xây chùa lập đạo tràng tu tập cho Phật Tử. Thầy mơ ước sau này đạo tràng đây sẽ vang rền tiếng niệm Phật không dứt như chỗ chư Tổ Tịnh Độ tu ngày xưa. Ngày Thầy dọn sang chỗ mới này, Chính Điện thu nhỏ trong căn phòng chính của căn nhà cũ kỹ, và thời khóa niệm Phật vẫn tiếp tục. Thời gian này con được nghe Thầy Minh Đức giảng về quyển Niệm Phật Thập Yếu của ngài Liên Du Thích Thiền Tâm. Thời gian sau Thầy mua được miếng đất bên cạnh, Thầy đã tổ chức những lớp dạy Việt Ngữ, những buổi Quán Niệm hàng tháng do quý Thầy Minh Đức, Thầy Từ Lực hướng dẫn. Dù nhân lực, tài lực thiếu thốn, Thầy vẫn kiên trì âm thầm thực hiện chí nguyện độ sinh, hoằng dương Chính pháp, và tu trì niệm Phật của mình. Dần dần Phật Tử bắt đầu biết đến và phát tâm sinh hoạt, hộ trì, cũng như tu học. Ngày Thầy phát động phong trào nhặt lon nhôm, ve chai và báo cũ mà thiên hạ bỏ, bán để xây chùa, đa số người ngoài đều cười cho là chuyện không tưởng, mơ mộng. Nhưng, chúng con tin nơi Thầy, nơi hạnh nguyện lớn lao, theo Thầy nhẫn nhục, kiên trì, ủng hộ. Thầy thường bảo: “Kiến tha lâu cũng đầy tổ”, và lấy câu châm ngôn “Đường đi khó hay dễ là do tâm ý của mình”.

Khi Chính Điện hoàn thành, Thầy tổ chức lễ an vị Tam Thánh Tây Phương, thân kim sắc cao lớn, tướng hảo thật trang nghiêm. Có lần chỉ có hai thầy trò đứng ngắm Tam Thánh và thấy vô cùng hoan hỷ, niềm hoan hỷ đặc biệt của những người mơ ước khi bỏ thân này được sinh trong nụ hoa sen nơi miền Cực Lạc. Bức tranh vẽ sau lưng Tam Thánh Tây Phương là ý muốn đẹp nữa của Thầy cho mình và cho đại chúng. Thầy hỏi con nghĩ thế nào về bức tranh đấy, con thắc mắc sao lại có ảnh vẽ một vị khất sĩ sinh trong hoa sen, Thầy cười bảo: “Ai cũng về Cực Lạc được nếu tin và phát nguyện.”

Con nhớ hôm Thầy gọi con vào phòng cho con bộ băng giảng Vãng Sinh Luận của Thế Thân Bồ Tát do Thầy Nhất Chân thuyết giảng. Thầy trịnh trọng, ân cần, hoan hỷ, tha thiết khuyên con nên nghe. Thầy bảo: “Con nghe bộ này để thấy pháp môn Tịnh Độ thù thắng lắm. Thầy rất quý bộ này vì Thầy Nhất Chân giảng rõ ràng, sắc bén, rất hay. Nghe bộ này tín tâm chưa phát khởi thì phát khởi, đã phát khởi thì càng thêm vững chắc. Nghe bộ này những tâm ý nghi ngờ, xem thường đều tiêu tán. Niệm Phật cầu sinh Tây Phương không phải chỉ cho các cụ già, đấy là pháp môn Đại Thừa Bồ Tát Đạo mà chư Phật, Bồ Tát, chư Tổ đều khen ngợi”. Con trân quý thích thú nhận lãnh, và từ đấy con được Thầy trao truyền những cuộn băng Pháp tương tự. Con thưa với Thầy, cứ tiếp tục như thế, sau này khi Chùa xong, con có thể làm chân giữ Tàng kinh các, và Thầy cười bảo được.

Vẫn ý định tiếp tục ý nguyện độ sinh và hoằng dương Tịnh Độ, Thầy cho thu băng chuyên niệm A Di Đà Phật, và con gửi đi các nơi, có vị nghe xong khen là “rất du dương truyền cảm”. Vâng, âm thanh truyền cảm đến nỗi một bà bạn Mỹ của con tên là Elaine xin băng để nghe, rồi đến Chùa, ngắm Tam Thánh Tây Phương hảo tướng, và giờ đây bà đã quy y Tam Bảo, lấy câu niệm A Di Đà Phật làm đầu cầu sinh Tịnh Độ. Thầy còn tổ chức những khóa tu học, và trong đó có khóa tu lạy Sám Tịnh Độ 9 ngày, có chùa nghe thấy phải thán phục. Con hỏi Thầy sao làm 9 ngày, Thầy bảo đấy là con số tượng trưng cho Cửu Phẩm Hoa Sen nơi Cực Lạc. Nơi Thầy, tín tâm vào chư Phật, ý nguyện vãng sinh Cực Lạc, gần bên Từ Phụ A Di Đà, thật luôn luôn có mặt, chỉ tăng chứ không có giảm. Có lúc con nghĩ con là người được Thầy truyền thừa niềm tin Tịnh Độ, được Thầy hướng dẫn để gặp các bậc Đại Thiện Tri Thức đáng kính trọng, và các vị đã khai ngộ đưa con vào con đường Đại Thừa Bồ Tát. Công ơn đấy của quý Thầy cao cả to lớn không lường. Thầy thường tâm sự là sở dĩ Thầy theo Tịnh Độ vì lòng tin sâu xa phát khởi khi chứng kiến Sư Phụ của Thầy chuyên trì câu A Di Đà và khi đi Sư Cụ biết trước ngày giờ, an nhiên tự tại…, và cách đây mấy năm một bà cụ già người Việt gốc Hoa ở Texas cũng chỉ nhất tâm niệm hồng danh A Di Đà, khi ra đi có những hương thơm và để lại hoa xá lợi… Vâng, pháp môn Tịnh Độ vào thời mạt pháp là pháp môn thù thắng, thích hợp cho chúng sinh. Một vị Bồ Tát, một vị cao tăng, một bà cụ chỉ biết niệm Phật cầu sinh Tây Phương, đều có, và cần có, một tâm niệm giống nhau ở chỗ, tâm tin thuần khiết tuyệt đối vào chư Phật, vào năng lực Bất Khả Tư Nghì của Từ Phụ A Di Đà, vào cảnh giới Cực Lạc thù thắng, và vì lợi ích chúng sinh, nguyện sâu tha thiết về đấy để tu học. Bởi thế, Thầy có lần chỉ bảo con phương cách của Thầy, lạy từng chữ trong Kinh A Di Đà để tín tâm, nguyện tâm không thối chuyển và tăng trưởng.

Ngày Thầy phát bịnh nặng, thường ra vào nhà thương, con rất khó được gặp và tâm sự. Lần cuối con gặp Thầy riêng, con có cái may được đảnh lễ Thầy ba lạy tri ân. Thầy ngồi yên nhận lễ và dạy: “Ai cũng có một lần phải đi, con không nên buồn, ở lại ráng niệm Phật.” Con rưng rưng nước mắt, nhưng ráng cầm lại và hứa hẹn sẽ gặp Thầy lại ở Cực Lạc bên cạnh Từ Phụ A Di Đà và chư Bồ Tát Thánh chúng.

Kính bạch Thầy, Thầy đã biết trước lúc đi, và đã an nhiên tự tại trong tiếng niệm Phật A Di Đà tiễn đưa của Tứ chúng. Từ lúc Thầy thị hiện bịnh nặng đến cuối buổi trà tỳ, đạo tràng Đức Viên đã vang rền câu “Nam Mô A Di Đà Phật” không dứt hơn 3 tháng trời. Câu Nam Mô A Di Đà Phật đã vang lên, tỏa rộng khắp nơi, vượt cả mấy từng trời, đúng như ước nguyện của Thầy đã từng kể cho con: Nơi đây có đạo tràng Đức Viên, giống như của chư Tổ Tịnh Độ, mà tiếng Niệm Phật vang rền không ngưng nghỉ. Tín tâm của tứ chúng phát khởi và tăng trưởng, nhất là sau buổi trà tỳ, Thầy còn để lại vô số Xá Lợi cho người sau. Một cụ ông thường niệm Phật bảo con: “Bây giờ không tin, cũng phải tin, đấy là chứng cớ hiển nhiên nhất.” Vâng, Thầy từ bi thương xót hàng hậu học, nên vì lợi ích chúng sinh Thầy đã để lại Xá Lợi. Đối với riêng con, ở lịch sử Tịnh Độ Tông Việt Nam, Thầy làvị Nhị Tổ Tịnh Độ, sau Sơ Tổ Liên Du Thích Thiền Tâm. Trong con, quý Ngài là những vị Bồ Tát ở Cực Lạc hóa thân, dạy cho chúng con phát tâm Bồ Đề, tâm niệm Phật cầu vãng sinh Tây Phương, để gần gũi Đức Phật, chư Bồ Tát Thánh Chúng, để có những thuận duyên thù thắng mà tu học cho đến ngày thâm nhập vào biển Đại Trí Huệ, Đại Bi của chư Phật.

Đại Ân và Công Đức to lớn sâu xa đấy của chư Phật Bồ Tát thể hiện qua Thầy và quý Thầy Đại Thiện Tri Thức mà con được gặp gỡ, được khai ngộ, được chỉ dạy, con chỉ biết đền đáp là khấn nguyện trước Tam Bảo. Con nguyện cùng với chư Phật mười phương ba đời, vì tất cả pháp giới chúng sinh, con xin chí tâm tinh tiến niệm Phật cầu sinh Tây Phương. Nguyện khi con đạt đến quả vị Thập Địa Bồ Tát, con sẽ đời đời kiếp kiếp hành Bồ Tát Đạo, từ Đại Trí Huệ, Đại Bi Tâm, con dùng mọi phương tiện để khai mở, khuyến khích Bồ Đề Tâm của chúng sinh, hoằng bá Đại Thừa, tiếp dẫn chúng sinh về Tịnh Độ. Nếu có chúng sinh nào phát tâm Bồ Đề muốn thành bậc Đại Giác, con nguyện hỗ trợ cho đến ngày vị ấy thành quả Vô Thượng chính Đẳng Chính Giác. Ngày nào còn một chúng sinh lăn lóc trong sinh tử vô minh, con nguyện không bỏ những hạnh nguyện này. Kính xin chư Phật Bồ Tát, chư Tổ, và các Bậc Đại Thiện Tri Thức đã và đang khai ngộ dạy dỗ con chứng minh cho. Một lần nữa, con xin hứa và nguyện gặp Thầy ở Cực Lạc, và sau này con sẽ cùng Thầy nhập vào Đại Mộng để độ những chúng sinh hữu duyên khắp pháp giới.

Nam Mô Từ Phụ A Di Đà Phật

Kính thư,

Con,

Nguyệt Chiếu Đoàn Thúy Nga

Kỷ niệm Thất tuần của Thầy

Ta Bà Thế Giới, Mỹ quốc, ngày 15 tháng 5 năm 1999

Recent Posts
Archive
Search By Tags
No tags yet.
Follow Us
  • Facebook Basic Square
  • Twitter Basic Square
  • Google+ Basic Square
bottom of page