top of page

Những tháng ngày cuối của Sư Bà(dựa theo nhật ký thị giả )

·Tháng 9/1998

Mấy hôm rồi Thầy sinh hoạt rất thất thường, giờ thụ trai Thầy chỉ dùng đôi chút, duy chỉ có khóa lễ là giữ đều đặn. Đại chúng thỉnh ý Thầy, Thầy bảo không có chi, đừng bận tâm. Thầy vốn không thích than vãn chi cả về bệnh tình của Thầy, cho nên chúng tôi cũng chỉ lặng yên theo Thầy hành lễ thôi.

Chiều nay, Thầy không ra dự thời tụng kinh Bảo Tích lúc 3 giờ chiều, chúng tôi bỗng thấy lo trong lòng, nhưng không ai dám vào phòng thưa thỉnh chi cả. Sư già Nghiêm đi học về, lấy cớ là vào vái chào Thầy, mới biết là Thầy vẫn còn nằm yên trên giường. Sư già đến thật gần thưa Thầy, lúc đó Thầy chỉ bảo là Thầy mệt. Vẫn vậy, Thầy chẳng muốn giải thích thêm, và chúng tôi chỉ biết âm thầm bên Thầy để Thầy được tĩnh tâm.

·Ngày 30/9/1998

Bất từ sự bì quyện nơi thân, Thầy vẫn liên tục dạy Luật mỗi ngày cho chúng. Chiều nay là lớp Luật Tỳ-kheo-ni. Thầy dạy gọi sư bác Viên Diệu (thư ký của Chùa) vào, và đổi lớp học thành phiên họp “Bất thường”. Thầy dạy rằng vô thường có thể đến với bất kỳ ai và bất cứ lúc nào, Thầy muốn chúng tôi tập điều hành công việc của Chùa. Linh cảm có chuyện không hay, rồi nước mắt lặng lẽ rơi, chúng tôi ngồi yên và thật yên để nghe Thầy dạy những việc cần làm khi vắng Thầy nơi đây, Thầy chỉ định và chúng tôi tán thành Ban Điều Hành mới của Chùa.

Chúng tôi như cơ hồ cảm nhận được vài cụm mây đen đã đâu đó hội tụ nơi chân trời vốn xanh vốn trong này, chỉ chẳng biết khi nào chúng kéo đến nơi đây. Nhưng chúng tôi tin và vẫn không tin. … Chúng tôi tin vào ‘Pháp Phật sở hô niệm’ cho Thầy; chúng tôi tin vào sự gia trì của chư Bồ Tát, chư thiện Thần, chư Hộ Pháp; chúng tôi tin vào sức chú nguyện của chư Tôn Túc và sự nguyện cầu của chúng tôi, … và chúng tôi chẳng bao giờ dám tin rằng rồi Thầy sẽ bỏ chúng tôi mà đi sớm như vậy.

·Tháng 10/1998

Hôm nay là ngày kết Đàn Dược Sư. Khi hay tin Thầy bệnh, chị Nga đã xin thầy Minh Đức cầu thỉnh quý Ngài trong vùng Bắc-Cali về làm lễ Cầu An cho Thầy. Nét lo lắng hiện trên gương mặt chư Tôn Túc. Nhưng vẫn không vị nào biết rõ Thầy bệnh gì; còn chúng tôi thì chỉ biết lờ mờ rằng Thầy đang trong giai đoạn làm chemotherapy. Nơi phòng khách, quý Ngài nhìn nhau đợi chờ, không gian thật yên và thật đọng. Nhưng rồi đến giờ hành lễ, Thầy trang nghiêm và trịnh trọng dẫn chúng tôi vào đảnh lễ tác bạch thỉnh Đại Tăng. Vẫn không một nét hằn trên trán, không một lần thay đổi thế ngồi, Thầy tham dự khóa lễ với nét mặt bình an của muôn thuở. Thượng tọa thượng Nguyên hạ Lai đã không thể nào phục nguyện tên Thầy trong khóa lễ, và Ngài chờ mãi cho đến giờ Quá đường, khi mà Thầy không tham dự, mới đọc được tên Thầy. Từ lúc theo Thầy đến giờ, chúng tôi chỉ nghe Thầy phục nguyện cầu an cho Phật tử, bây giờ lại nghe tên Thầy được đọc, chúng tôi vô tư cười khúc khích. Cúng xong, chúng tôi lại chạy lên phòng ríu rít kể cho Thầy nghe rằng Thượng Tọa đã đọc cầu an tên Thầy. Thầy mỉm cười thật tươi. Khi Sư già Nguyên gọi điện thoại về thăm Thầy, Thầy vui vẻ kể: "Con biết không, sáng này quý Thầy có đọc tên cầu an cho thầy nữa đấy!"

·Ngày 14/11/1998

Hôm nay Thầy lại vào bệnh viện. Chúng tôi không ai được phép theo Thầy, nên ngồi ở nhà tụng Kinh và chờ Thầy về.

·Ngày 17/11/1998

Hôm nay Thầy về, không như lệ thường, khi Thầy về chúng tôi lại túa ra đón, rồi đi qua đi lại nơi Thầy ngồi mà không dám hỏi một lời. Biết chúng tôi lo, Thầy vào thay áo rồi lên Chính Điện tụng Kinh, tụng Giới kéo dài gần năm giờ đồng hồ. Chúng tôi thì thầm với nhau: "Thầy mình super quá!" Và chúng tôi dại khờ tin rằng Thầy "hết bệnh rồi!" Rồi lại y áo theo Thầy dự không thiếu khóa lễ nào.

·Đêm 25/12/1998

Từ chiều đến giờ Thầy thở không được, tay chân và bụng Thầy sưng khắp. Chúng tôi sợ quá nên đưa Thầy đi emergency. Ngồi trong phòng đợi lâu quá, Thầy bảo: "Thôi các con về ngủ đi, chỉ cần một đứa ở lại với Thầy là được rồi." Không đứa nào động đậy, Thầy gọi tên từng đứa một bảo đi về. Sáng hôm sau, bác sĩ Kuo và một nhóm bác sĩ cho biết họ không thể nào tap nước được bởi Thầy đang uống thuốc Coumadin. Càng nghe bác sĩ giải thích bệnh trạng của Thầy, chúng tôi như thấy đất trời tối lại. Nhưng Thầy vẫn vậy, nét mặt không một nét đổi thay. Nhìn Sư già Nguyên run cả giọng để thông dịch cho Thầy trong khi sắc mặt Thầy vẫn bình thản và còn hỏi thêm nhiều chi tiết khác, bác sĩ Kuo đến nắm tay Thầy thật cảm động, và xoay qua an ủi hai đứa con tội nghiệp của Thầy. Họ để Thầy xuất viện vì không thể làm gì hơn được, Sư già Nguyên cố nài họ tìm cách, Thầy an nhiên bảo: "Con vẫn chưa thành người lớn được." Chị em chúng tôi đành câm lặng dọn dẹp đồ đạc đưa Thầy ra xe về Chùa.

·Ngày 26/12/1998

Không còn hy vọng nhiều với Tây Y, chúng tôi lại bàn nhau thỉnh Thầy trị bệnh theo Đông Y với thầy thuốc Mạc Đạm. Mỗi ngày chúng tôi đều đưa Thầy đi từ trưa, và đến tối mịt mới trở về Chùa. Có lẽ đây là những tháng ngày mà chúng tôi hạnh

phúc nhất. Căn phòng thật bé, chỉ có một chiếc giường để Thầy ngồi nghỉ và đợi thầy thuốc, còn chúng tôi thì ngồi quanh xoa tay bóp chân cho Thầy. Thời gian khá dài, nhưng chúng tôi lại không phải tụng Kinh, nên được phép thưa hỏi bất kỳ việc gì mà chúng tôi muốn. Những lúc Thầy không mệt nhiều, chúng tôi xin Thầy kể chuyện ngày xưa tu học của Thầy. Giọng Thầy luôn êm đều như quá khứ thánh thiện và yên bình của Thầy vậy. Lâu lâu, Thầy dừng lại cho chúng tôi làm việc so sánh giữa tuổi thơ của mình với Thầy, rồi Thầy trò lại cười thật vui. Những lúc Thầy mệt, chúng tôi lại yên lặng thầm niệm Phật với Thầy. Thầy thuốc Mạc Đạm là một người rất vui tính và có lối đối thoại rất nhanh và hay bắt bí người đối diện. Thầy thường cười bảo chúng tôi: "Thầy cũng phải học cách nói chuyện của ông ấy để mà nói mới lại cách lý sự ngang của các con."

·Ngày 28/12/1998

Hôm nay, nhịp thở của Thầy lại gấp quá, bụng Thầy căng lên đến 104 cm. Chúng tôi lại gọi xe ambulance đưa Thầy vào phòng cấp cứu. Thầy ở lại đó một đêm, qua thứ ba thì bác sĩ Brophy "tap" nước ra, và nhịp tim của Thầy cũng theo đó mà giảm xuống. Thầy lại thở bình thường được. Bác sĩ đề nghị Thầy tiếp tục làm chemotherapy. Thấy sức khỏe yếu nhiều để chịu những side-effects của chemotherapy, Thầy lại khất lần với bác sĩ. Thầy thuốc Mạc Đạm hứa rằng sẽ trị khỏi bệnh ung thư nếu được bác sĩ giúp "tap" nước. Cuối cùng Thầy đi đến giải pháp mới là chỉ đi bệnh viện "tap" nước, còn việc điều trị sẽ theo phương pháp Đông Y.

·Mồng 3/1/1999

Sức khỏe Thầy vẫn không khả quan lắm, chúng tôi lại cầu thỉnh chư Tôn Túc về làm lễ Cầu An cho Thầy nhân Vía Phật A Di Đà.

·Mồng 7-8/1/1999

Suốt hai ngày đêm liền Thầy không ngủ được, và cũng không nằm yên được. Thầy thay đổi chỗ ngồi, chỗ nằm, chỗ đứng một cách liên tục. Vừa đỡ Thầy ngồi xuống, hai phút sau Thầy lại ra dấu cho chúng tôi đỡ Thầy đứng dậy, rồi đỡ Thầy sang giường nằm, rồi lại ngồi dậy đi qua ghế, rồi trở lại sang giường. Mắt Thầy vẫn sáng, nhưng như chừng não bộ không chịu làm việc, Thầy không tự chủ trong động tác của mình, làm và chỉ làm với quán tính thôi. Nhưng mỗi khi thấy chúng tôi còn ở lại phòng là lại bảo: "Con đi ngủ đi"

-- Bạch Thầy con không buồn ngủ ạ.

"Ừ, vậy thì con đọc sách đi,"

Trời bên ngoài đã về khuya, đèn trong phòng thì lờ mờ, chúng tôi lại quỳ yên bên giường, Thầy lại bảo: "Con đọc quyển sách nào mà con thích đó." Chúng tôi lại "Dạ, vâng" rồi đứng dậy cho kịp lúc Thầy đưa tay ra dấu bảo đỡ Thầy ngồi hay đứng dậy.

·Mồng 9/1/1999

Cứ ngỡ là trong phòng thiếu oxygen nên Thầy không ngủ được, chúng tôi thỉnh Thầy lên một phòng trong Chính Điện nghỉ ngơi. Thầy đồng ý. Thầy lại đứng, ngồi, và nằm không lần nào quá hai phút. Châm cứu vẫn không đem lại một sự dừng nghỉ nào trong Thầy. Chúng tôi chỉ còn biết lặng yên mà niệm Phật cho Thầy. Hơn 2 giờ khuya, Thầy thấy chúng tôi không đi ngủ nên đuổi hết ra khỏi phòng với lý do: "Các con ra đi cho thầy niệm Phật. Các con ngồi trong đây làm thầy hồi hộp quá, không niệm Phật được." Chúng tôi không hiểu gì cả, nhưng vẫn phải nghe lời Thầy. Không cách chi yên tâm mà ngủ, Sư già Phước ngồi núp xuống thật yên trong phòng với Thầy; Sư già Nguyên ngồi trong restroom bên cạnh phòng khi có việc cần; Sư già Nghiêm xuống đánh thức cả Chúng dậy lên Chính Điện niệm Phật cho Thầy, và đồng thời gọi thầy Vĩnh Nghiêm, thầy Minh Đức và quý thầy bên Duyên Giác. Mặc dù đang trong trạng thái mê man, nhưng khi nghe tiếng niệm Phật của đại chúng, Thầy lại tỉnh hẳn và kêu chúng tôi vào dặn rằng: "Sau này thầy đi rồi, chị em các con phải thương yêu lẫn nhau, phải tu học và sống theo Chánh pháp." Rồi lại thở thật yếu và thiếp đi. Quý Thầy sang đến nơi, vào thăm Thầy. Quý Thầy cao thanh niệm Phật trong phòng, Thầy đang trăn trở bỗng nằm yên, chấp hai tay lên ngực và niệm Phật theo. Được khoảng nửa giờ, Thầy dạy chúng tôi mời quý Thầy ra ngoài và pha trà thỉnh quý Thầy dùng, Thầy còn nhắc chúng tôi mời quý Thầy ngồi ghế nữa! Quý Thầy ra ngoài rồi, Thầy lại nằm yên niệm Phật tiếng được tiếng mất trong khi mắt chỉ còn tròng trắng. Hồi lâu, Thầy dạy chúng tôi ra đỉnh lễ quý Thầy, thưa rằng: "Sau khi Sư chúng con về Phật, xin quý Thầy từ bi lo cho ngôi Tam Bảo." Khoảng 5 giờ sáng, khi đại chúng đang còn ngồi niệm Phật ngoài Chính Điện, Thầy ngồi dậy và dạy đi lấy áo lễ và y cho Thầy. Chúng tôi chẳng hiểu, nhưng vẫn chạy đi lấy áo cho Thầy. Khi mặc xong, Thầy cũng không biết là đang có chiếc ghế dài ngay cửa phòng, Thầy đi thẳng về hướng cửa; Sư già Phước vội đỡ một bên Thầy, Sư già Nguyên thì leo lên đơn để kéo chiếc ghế lên mở đường cho Thầy. Rồi hai Sư già đưa Thầy ra Chính Điện. Thầy đến thẳng giữa Chính Điện lễ Phật ba lễ rất thành kính và mỉm một nụ cười thật hoan hỷ. Chúng tôi thật không hiểu vì sao. (Sau này, khi Thầy khỏe lại, chúng tôi có kể Thầy nghe về những sự việc xảy ra trong 3 hôm nay, Thầy bảo Thầy không nhớ gì cả. Khi nhắc lại từng chuyện, Thầy chỉ có khái niệm mơ hồ. Thầy bảo khi nghe tiếng niệm Phật ngoài Chính Điện, Thầy thấy vui quá nên mới ra lễ Phật!) Sau đó, chúng tôi đưa Thầy trở lại phòng. Thầy ngủ được khoảng một tiếng rưỡi. Khi thức dậy, Thầy đi thẳng ra khỏi phòng, không mang giày dép chi cả, hướng về phía nhà chúng. Sư già Phước chạy theo mang dép vào và quàng áo ấm lên người Thầy.

·Mồng 10/1/1999

Thầy trở về căn phòng đơn sơ của Thầy dưới nhà chúng. Thầy lại bảo tất cả chúng tôi ra ngoài để yên cho Thầy niệm Phật. Chúng tôi vẫn lấp ló ngay ngạch cửa thì Thầy quở: "Thương thầy thì phải để cho thầy niệm Phật chứ!" Chúng tôi đành khép cửa lại ngồi hầu ngoài cửa. Thầy trăn trở nhiều nhưng vẫn nghe tiếng rầm rì niệm Phật của Thầy. Thầy Vĩnh Nghiêm đáp máy bay lên thăm. Thầy lại nằm yên, chắp tay lên ngực nghe thầy Vĩnh Nghiêm nói chuyện. Khoảng một giờ sau, thầy Quang Nghiêm, thầy An Tường, quý thầy bên Duyên Giác, thầy Minh Đức, thầy Từ Lực và nhiều vị nữa đã vân tập trong phòng. Thầy Vĩnh Nghiêm cho gọi tất cả chúng tôi vào và dặn không được khóc. Quý Thầy bắt đầu niệm Phật vang rền trong phòng, chúng tôi niệm Phật nhưng vẫn khóc. Ba hôm nay Thầy trăn trở là vậy, vậy mà giờ này Thầy nằm thật yên, tay chấp ngang ngực, miệng nhẩm theo tiếng niệm Phật của quý Thầy và đại chúng. Khoảng một giờ sau, Thầy ra dấu đỡ Thầy ngồi dậy. Thầy dường như tỉnh hẳn lại, nói lời cảm ơn quý thầy. Sau khi quý Thầy ra rồi, Thầy dạy đại chúng ra lo cơm nước cúng dàng quý Ngài. Lúc đó, Sư cụ chùa Giác Minh cũng xuống thăm Thầy, Thầy dạy đắp y cho Thầy, rồi Thầy hướng dẫn đại chúng đảnh lễ Sư cụ.

·Ngày 11/1/1999

Chúng tôi lại đưa Thầy vào bệnh viện để "tap" nước. Mắt Thầy lúc này cứ hướng về một cõi xa xăm nào đó, Thầy nhìn mà như không nhìn vậy. Chúng tôi sợ quá nắm lấy bàn tay Thầy, Thầy lại nhìn chúng tôi mỉm cười. Có một em bé đợi mẹ em khám bệnh gần đó, chúng tôi chơi trò bắt cá bằng tay với em. Em bé đến vòi chơi với Thầy, Thầy đưa hai tay lên cho em bắt cá, rồi bỗng buông xuôi, và mắt nhắm nghiền. Chúng tôi sợ quá gọi bác sĩ Brophy đến. Sau khi thử máu, bác sĩ cho biết Thầy bị thiếu Sodium trầm trọng và phải nhập viện ngay hôm đó. Nhiều thứ thuốc được truyền vào người Thầy. Nhiều bác sĩ đến khám bệnh cho Thầy trong kinh ngạc. Bác sĩ Đỗ cho rằng tất cả những bệnh nhân ở mức Sodium của Thầy thì đều đã bị coma mãn tính hết rồi, họ không hiểu vì sao Thầy vẫn còn tỉnh táo, và chỉ bị mê trong đôi phút như vậy. Thầy mỉm cười bảo Sư già Nguyên thông dịch: "Con nói với họ là nhờ thầy niệm Phật hằng ngày đó!"

Lần này Thầy nhập viện khá lâu. Trên một tuần lễ ở bệnh viện chỉ để truyền Sodium và Calcium mà vein trên cánh tay Thầy lại chìm quá. Y tá lại phải lấy máu để thử mỗi nửa ngày, họ đâm kim nhiều đến mức độ họ phải xót xa xin lỗi vì hai cánh tay Thầy giống như là neddle spin vậy đó. Vậy mà, mỗi lần họ rút kim ra chỗ này để đâm vào tay tìm vein khác thì Thầy lại: "Thank you, you have a good hand." Chúng tôi đau lòng nên càm ràm đôi câu với họ thì Thầy lại quở: "Gớm, con xem thân thầy như là bong bóng vậy. Có sao đâu, cứ để họ làm công việc họ cần làm. Tại tay thầy khó chớ đâu phải họ dở mà con cứ nhăn." Rồi Thầy lại cười và "thank you" họ. Lần sau y tá đến, thì họ lại xin cúng dàng Thầy một vein để Thầy bớt đau. Thầy mỉm cười, "for you use." Họ ngỡ ngàng, khi đoán được ý Thầy, họ ôm tay Thầy cảm động vì họ biết Thầy không đành để họ khổ, và chỉ chịu khổ một mình. Từ đó, mỗi lần Thầy vào bệnh viện, họ lại gọi Thầy là "Mama."

·Ngày 16/1/1999

Hôm nay có quý Thầy từ bên Pháp và từ miền Nam California lên thăm Thầy. Sức khỏe vẫn chưa bình phục, lượng Sodium trong người vẫn chưa lên đến mức bình thường mặc dù bệnh viện đã truyền nước biển vào người Thầy với một vận tốc khá nhanh (270ml/h). Thầy thật vui khi tiếp chuyện với quý Thầy, và vẫn vậy, suốt mấy thời nói chuyện Thầy vẫn không một câu than vãn về bệnh tình của mình, Thầy chỉ hỏi thăm sức khỏe và chuyện chùa của quý Thầy thôi. Thầy Thiện Huệ nhắc lại bài hát mà Thầy thích, Thầy cười rồi cất giọng, "Việt Nam, Việt Nam nghe tự vào đời, Việt Nam hai câu nói bên vành nôi, Việt Nam nước tôi ..."

·Ngày 17/1/1999

Thầy xuất viện, tình trạng sức khỏe Thầy khá hẳn lên. Thầy bắt đầu ăn uống và sinh hoạt thường lại, chỉ có đôi chân là yếu nên hơi bất tiện trong việc đi lại. Thầy không còn lên khóa lễ với đại chúng được nữa, nhưng ngồi trong phòng niệm Phật. Thấy Thầy cứ ngồi dưới đất niệm Phật, Sư bác Viên Tâm xin Thầy cho mang bồ-đoàn vào. Thầy nghiêm mặt dạy rằng: "Con ngồi bồ-đoàn thì sẽ bị phụ thuộc vào nó, đến lúc không có nó con sẽ cảm thấy thiếu, lúc ấy con sẽ không tự tại được. Thương thân mình quá thì 'đốn thân hư đời' đấy!"

Vì nhiều nhân duyên khác nhau, Thầy quyết định không chữa bệnh theo phương pháp Đông Y nữa. Thời gian này Thầy rất nghiêm khắc, và đôi lúc rất khắt khe với chúng tôi. Có lẽ chúng tôi vụng về quá, tay chân cứ thừa thãi cả ra mỗi khi thị giả Thầy, và chẳng hiểu ý Thầy chi cả. Có lần ngồi hầu chuyện với Thầy, đang lúc vui, Sư bác Viên Tâm lại thưa: "Bạch Thầy, chúng con không biết cách thị giả là tại Thầy thôi, hồi đó đến giờ Thầy đâu có cho chúng con hầu Thầy đâu." Thầy mỉm cười trả lời: "Thầy không có thị giả thì mới sống tới bây giờ, nếu có thì chắc đã chết sớm rồi!" Thầy trò cùng cười xòa.

Rồi từng li từng tí, mỗi cách bê mâm cơm, cách đặt ly nước xuống bàn, cách trình bày một đĩa thức ăn, luộc rau thì phải như thế nào, nấu canh thì nước soup phải ra sao, mỗi mỗi Thầy đều để ý mà sửa đổi cho chúng tôi. Thầy gọi hết đứa này đến đứa khác mà dạy bảo và dặn dò riêng. Có lần trên đường đưa Thầy vào bệnh viện, Thầy hỏi chúng tôi:

“Các con có thấy dạo này Thầy khó khăn với các con lắm không?”

-- Bạch Thầy, có 'một chút' ạ. Nhưng ... bạch Thầy, Thầy bận bịu với chúng con như vậy có ảnh hưởng nhiều đến sự nhất tâm của Thầy trong thời gian này không, thưa Thầy?

Mắt nhìn về xa xăm, Thầy ôn tồn trả lời: "Thầy chỉ sợ sau này các con không biết cách thị giả chư Tôn Túc khác thôi. Nếu các con cố gắng được thì thầy sẽ thôi không phải bận lòng nữa."

Không biết vì chúng tôi cố gắng nhiều, hay vì Thầy không còn nhiều thời gian, từ đó về sau, Thầy không dạy nhiều về chi tiết nữa. Chúng tôi cảm thấy thiếu thốn ghê lắm, nhưng biết làm sao hơn. Chúng tôi biết Thầy muốn dành đoạn đường còn lại tất cả cho chúng tôi, nhưng chúng tôi lại không đành lòng thấy Thầy vừa phải chịu thân đau, tâm lại lo lắng nữa.

Hay tin Thượng tọa Kim Quang đang dưỡng bệnh tại chùa An Lạc, Thầy dạy đưa Thầy sang thăm viếng Thượng tọa. Hai Ngài trò chuyện rất vui vẻ, chẳng vị nào than phiền về bệnh trạng của mình cả. Thượng tọa tự chuyển động một mình cho Thầy xem, và tin rằng Ngài sẽ trụ thế lâu hơn Thầy. Thầy cười thật tươi và cho rằng Thầy tin vào lời tiên đoán ấy. Thể theo sự thỉnh cầu của Ni sư trụ trì, Thầy tìm mọi phương tiện thỉnh Thượng tọa ra ngoài chiêm bái Đức Quan Âm lộ thiên, và cũng để cho Thượng tọa hong nắng đôi chút. Thượng tọa nhất định không ra khỏi phòng. Thầy lễ Thượng tọa và xin lui về. Ra ngoài xe, Thầy cười bảo hai Sư già thị giả “nắng đẹp như vậy mà không tận hưởng thì thật phí.” Trên đường về Thầy còn chỉ cho Sư già Phước đi đoạn đường mới nữa.

·Ngày 24/1/1999

Hôm nay vía Phật Thành Đạo. Từ ngày Thầy bệnh nặng đến giờ, chúng tôi dường như chểnh mảng rất nhiều trong công việc chùa. Chúng tôi chỉ lên tụng Kinh và làm lễ thường thôi, không thỉnh Sư thuyết pháp, và cũng không nấu bún và chiên chả giò cho Phật tử dùng như những lần lễ lớn. Đến trưa, Thầy biết được việc này, Thầy giận lắm và kêu hết chúng tôi vào phòng quở rằng: "Hôm nay mà các con cho là lễ thường thôi à? Nếu ngày này thuở xưa mà Đức Từ Phụ không thành Đạo thì làm gì có Đạo Phật cho chúng ta tu theo. Một ngày trọng đại như vậy mà các con cũng không khởi tâm bố thí giảng pháp và nấu thức ăn cho người đến Chùa lễ Phật ư? Thầy không muốn các con thị giả cho thầy nữa. Các con để tâm lo việc Chùa đi. Thật thầy không biết nói sao bây giờ, ngày trọng đại này mà các con có thể quên được." Thầy buồn lắm, chúng tôi sám hối Thầy và phát nguyện rằng đời này hay kiếp khác chúng tôi sẽ nguyện không bao giờ dám quên ngày Đại Lễ này.

·Ngày 11/2/1999

Vạn pháp lại trở thành tăm tối! Thầy lại không thở được và đau thật nhiều nơi lưng và hai cạnh sườn. Chúng tôi lại đưa Thầy đi emergency. Trong phòng emergency, chúng tôi dùng hết sức mình để đấm lưng và xoa bụng cho Thầy, nhưng Thầy vẫn không cảm thấy khá hơn và mồ hôi rịn ướt cả trán. Bác sĩ vào thăm, khi họ xem bụng Thầy thì Thầy cười bảo: "It's like a sea!" Bác sĩ cấp tốc order thuốc giảm đau cho Thầy rồi quay qua hỏi chúng tôi làm sao mà Thầy còn make a joke được trong nỗi đau kinh hoàng đó. Chúng tôi lại một lần lặp lại lời Thầy, "nhờ Thầy niệm Phật hằng ngày thôi!" Thầy xuất viện ba ngày sau đó, nhưng tình trạng sức khỏe vẫn không khả quan là mấy.

Ngày 15-16/2/1999

Tết Kỷ Mão lại về. Mấy ngày hôm nay có rất nhiều khách thập phương đến lễ, nên rất ồn ào. Thêm vào đó, căn phòng của Thầy lại quá cũ kỹ, cửa và cửa sổ đều đơn sơ nên không kín. Vì vậy tất cả âm thanh dẫu thô dẫu tế đều vọng vào phòng. Theo lời dạy của Thượng Tọa Viện Trưởng Tu Viện Kim Sơn, chúng tôi xin Thầy cho phép thuê nhà ngoài để Thầy ở tạm một tuần, vừa thay đổi không khí, vừa tránh được sự ồn náo trong những ngày này. Nhưng Thầy không chấp thuận, Thầy dạy không nên phí tiền Tam Bảo cho riêng cá nhân Thầy. Chúng tôi cứ dai dẳng năn nỉ Thầy, cuối cùng Thầy quở: "Con mê vào ý đó như người đời mê ngũ dục vậy!" Chẳng những vậy, những ngày đó Thầy chỉ cho một thị giả vào phòng, nếu vào thêm là bị Thầy rầy. Chỉ có mỗi tối, khi Phật tử thưa dần, chúng tôi lại kéo hết vào phòng Thầy, kể Thầy nghe những chuyện trong ngày, Thầy hoan hỷ nghe, rồi nhắc chúng tôi giữ gìn sức khỏe.

·Ngày 27/2/1999

Bóng tối vẫn giăng vây nơi đây, không chịu buông tha cho Thầy và cho cả chúng tôi. Suốt cả ngày nay Thầy không ăn uống chi được cả, chỉ ngồi lên nằm xuống mà thở thôi. Chiều đến, nhắm rằng Thầy chịu không nổi nữa, chúng tôi đành gọi ambulance đến đưa Thầy vào bệnh viện. Nhưng thay vì vào Valley Medical Center như lệ thường, họ lại đưa Thầy qua San Jose Hospital vì Thầy trong tình trạng thật nguy ngập. Nhịp tim Thầy đập rất nhanh, từ 130-140 nhịp một phút. Máy đo cứ réo liên hồi báo hiệu high rate. Mỗi lúc Thầy trở người thì nhịp tim lại lên thật cao, có lúc lên đến 156 nhịp trong một phút. Vậy mà Thầy vẫn điềm nhiên bảo chúng tôi uống sữa kẻo đói. Bác sĩ làm tap nước từ phổi, và cho rằng bụng Thầy bây giờ không còn nước nữa, các tế bào hoại đã hợp thành những mass lớn rồi. Tap nước xong, họ để Thầy xuất viện trong hôm đó vì không giúp được gì hơn.

·Ngày 28/2/1999

Thầy bắt đầu bỏ ăn, chỉ uống sữa và các loại nước rau quả xay mà thôi. Sư già Hạnh mua nước cỏ lúa mạch về, khó uống quá nên Thầy nôn ra hết. Thầy không muốn uống nữa, nhưng khi thấy Sư già Hạnh buồn, Thầy lại cố gắng, rồi lại nôn hết ra. Mỗi lần như vậy, Thầy không một niệm trách rằng chúng tôi ép Thầy quá sức, chỉ nhẹ nhàng bảo: "Thầy làm hết bổn phận thầy rồi đó nha, chỉ tại nó không chịu ở lại bên trong thôi." Mỗi lần Thầy uống nước rau quả, chúng tôi phải vuốt lưng Thầy cho nước xuống, rồi phải vỗ nhẹ vào lưng nữa. Thầy thường cười bảo: "Người già thì giống trẻ nít." Suốt ngày Thầy chỉ nằm yên, hay ngồi yên thôi, không nói chi nhiều, và hay nhìn thật xa xăm. Khi chúng tôi hỏi Thầy đang nghĩ gì, Thầy thẳng thắn đáp: "Thường thì thầy niệm Phật, nhưng cũng có lúc suy nghĩ vớ vẩn đâu đâu." E rằng Thầy vì thân đau mà không tập trung được tư tưởng, chúng tôi thỉnh Thầy uống thêm thuốc giảm đau, nhưng Thầy vẫn chỉ uống liều lượng mà bác sĩ Brophy cho rằng đó là liều ít nhất. Thầy dạy chúng tôi đi mua máy cassette nho nhỏ về để băng niệm Phật 24/24 trên đầu giường Thầy.

·Mồng 9/3/1999

Thầy gầy hẳn đi và trong người thiếu thật nhiều chất. Bác sĩ Brophy đề nghị truyền máu cho Thầy để Thầy có thêm tí sức. Thầy hỏi bà ấy một cách mơ hồ: "Có cần thiết không?" Chúng tôi đồng thưa: "Bạch Thầy, cần lắm chứ." Thầy yên lặng để bác sĩ và chúng tôi cố gắng theo kiểu chúng tôi mong. Vì chỉ truyền máu thôi nên Thầy không phải nhập viện, chỉ khi nào xong thì về. Số lượng máu và thuốc khá nhiều, mà Thầy lại yếu quá, nên chỉ truyền với vận tốc thật chậm, và ước tính đến 12:20 khuya mới xong. Hơn 11 giờ đêm, thấy chúng tôi vì ngồi cả ngày nên trông có vẻ mệt nhọc, Thầy thì thầm: "Nếu mà bây giờ thầy đi sớm thì các con sẽ đỡ vất vả hơn." Chúng tôi khóc và thưa Thầy rằng chúng tôi không sợ nhọc, chỉ mong Thầy ở lại với chúng tôi thôi. Thầy "ừ" nhẹ rồi mỉm một nụ cười thật bình an, và mang nụ cười ấy mà chìm vào giấc ngủ vừa kéo đến.

·Ngày 13/3/1999

Hôm nay chùa tổ chức lễ Khánh thọ cho quý Cụ. Chúng tôi xin Thầy lên với quý Cụ, và có lẽ lên cho chúng tôi một chút nữa. Thầy hứa khả và chúng tôi lại đẩy xe đưa Thầy lên Chính Điện. Vì sợ Thầy lạnh nên thị giả chỉ đắp mền ngoài áo hậu. Đến khi xe đẩy vào trong Đại Điện rồi Thầy mới để ý thấy chiếc mền mà không phải là y. Thầy quay sang chúng tôi nghiêm giọng: "Thầy là người tu mà các con đắp mền lên người thầy, thật là hết biết!" Chúng tôi sám hối Thầy, Thầy không được vui và dạy chúng tôi rằng một người tu thì chỉ được đắp những chiếc y mình thọ khi hành lễ mà thôi, cho dù bất kỳ nạn sự gì xảy ra.

Buổi lễ thật xúc động, ai ai cũng rơi nước mắt. Thầy từ bi dạy chúng lần cuối: “Chúng ta đừng có lấy cái tâm thương, ghét, hiềm thù, giận hờn, ganh tỵ để mà đối xử với nhau, hay là cố chấp để mà không đợi trời chung với nhau, đó là những cái tâm rất xấu xa. Quý vị nên hằng ngày bài trừ những cái tâm đó. Mong quý vị cố gắng bài trừ những cái tâm thương tiếc, ganh ghét, thù hằn và đối lập với nhau. Không có những cái tâm hiềm thù như vậy thì chúng ta mới sống an lành được, thì thế giới này mới hòa bình được, gia đình chúng ta mới hạnh phúc được. .…………...”

·Ngày 15/3/1999

Sức khỏe của Thầy suy sụp nhiều, Thầy dạy chúng tôi thỉnh chư Tôn Túc về làm lễ Cầu Siêu cho Thầy. Chúng tôi khóc xin Thầy đừng đi, nhưng Thầy bảo Thầy không trì hoãn được nữa. Quý Ngài đến tụng Kinh cầu nguyện, chúng tôi đẩy xe đưa Thầy lên bạch Đại Tăng. Vẫn vậy, Thầy rất tự tại và thành kính cần cầu quý Ngài tụng chú Vãng Sinh để cầu siêu cho Thầy. Thể theo lời thỉnh cầu của Thầy, quý Ngài đã tụng chú Vãng Sinh và niệm Phật trên một giờ đồng hồ. Thấy chúng tôi buồn so, Thầy dạy chúng tôi nên nhất tâm niệm Phật cầu nguyện cho Thầy tiêu hết dư nghiệp mà được vãng sinh.

·Ngày 17/3/1999

Chúng tôi đưa Thầy vào bệnh viện để làm tap nơi bụng. Như biết được điều gì, Thầy dạy chị Thu mua quà đưa chúng tôi tặng bác sĩ Brophy. Chúng tôi không biết lấy lý do gì để tặng quà, Thầy khẽ nói: "Thì con cứ bảo là thầy muốn cảm ơn bà ấy đã chăm sóc bệnh tình của Thầy trong mấy tháng qua." Cuối giờ chúng tôi mới hiểu được rằng Thầy không muốn tiếp tục vào bệnh viện nữa. Bác sĩ Brophy căn dặn chúng tôi liên lạc bên chương trình hospice care, và đưa số pager và số phone ở nhà của bà ấy để chúng tôi liên lạc khi cần.

·Ngày 21/3/1999

Chư Tôn Túc xa gần lại đến làm lễ Cầu Siêu cho Thầy. Thầy mệt lắm và không còn sức ngồi hay đứng một mình nữa. Trong phòng bây giờ luôn phải có ba thị giả mới đỡ Thầy đứng ngồi thuận tiện. Khi sắp đến giờ hành lễ, Thầy dạy Sư già Viên Quang lên đảnh lễ quý Ngài xin quý Ngài hoan hỷ cho Thầy không lên tụng Kinh được, Thầy nói thật dễ thương: "Lần này thầy bệnh thật rồi, thầy không lên tụng Kinh được đâu. Các con lên lễ cho thầy đi." Thị giả xin ở lại, lấy cớ là tụng Kinh trong phòng Thầy cũng được, Thầy quở: "Tụng Kinh thì phải đắp y lên Chùa chứ, đừng có làm biếng." Chúng tôi lui ra, rồi Thầy lại thiếp đi vì thuốc giảm đau. Chúng tôi lại vào phòng, mở hé cửa để tiếng tụng Kinh bay vào. Thầy mở mắt ra hỏi: "Chắc quý Thầy là người Quảng." Chúng tôi "dạ," Thầy nằm yên lắng nghe rồi nói tiếp: "Người gì cũng được, miễn tụng Kinh hay như vầy là được rồi." Rồi Thầy lại tụng Kinh theo quý Thầy, lúc mệt quá thì bảo chúng tôi tụng. Chúng tôi tụng theo vang cả phòng, khi trên Chính Điện dứt mõ, Thầy khen chúng tôi: "Con tụng hay quá, giỏi quá!" Và Thầy ra dấu đưa hai tay lên, chúng tôi giúp Thầy mới biết Thầy muốn xá, rồi lại vỗ tay khen chúng tôi tụng Kinh giỏi. Không biết, rồi quãng đường trước mặt, nếu không còn Thầy, biết có còn ai hoan hỷ tán thán việc làm "giỏi", dẫu chỉ đơn giản vậy thôi, của chúng tôi không??? Nước mắt đang lăn tròn trên má thì Thầy lại muốn ngồi dậy, chúng tôi trở lại với hạnh phúc mà mình đang có.

Ngày 22/3/1999

Thầy mệt nhiều, ánh mắt Thầy không còn tinh tường như trước nữa. Vậy mà, khi Sư già Hạnh Thanh vào phòng xoa tay cho Thầy, Thầy nhẹ nhàng bảo “cô này ốm yếu lắm, cho về nhà nghỉ đi.” Sư già Thanh ngồi xuống khỏi tầm nhìn của Thầy, hy vọng Thầy không nhận ra, Thầy lại bảo “không được dối Thầy.”

Ánh nhìn của Thầy như chỉ tập trung về một hướng, chúng tôi lo sợ nên tìm cách cứ lâu lâu lại “thử” Thầy một lần. Chúng tôi hỏi Thầy tên của những vị vào phòng thị giả hay thăm Thầy, và Thầy luôn cười trả lời hầu hết là chính xác: “Minh Nghiêm,” Liễu Hà,” “ông Thuyên,” Thúy Phượng,” …

·Ngày 23/3/1999

Bác sĩ Thắng vào thăm Thầy, bác sĩ hỏi Thầy có biết khi đi rồi thì Thầy muốn về đâu không. Thầy khẳng quyết: “Về Cực Lạc chứ về đâu.”

·Ngày 24/3/1999

Thượng tọa chùa Viên Giác từ Tây Đức sang thăm, Thầy vẫn còn đủ minh mẫn để nói rõ tên Thượng tọa.

·Ngày 22-25/3/1999

Mấy hôm nay Thầy thật sự không ăn uống chi được cả, hễ uống một tí nước thôi là Thầy lại bị sặc. Chúng tôi đành đem tất cả nước uống của Thầy để đông đá để Thầy ngậm đỡ lòng. Lâu lâu chúng tôi lại thoa lên môi hay để vào miệng Thầy một vài giọt sữa, chỉ mong Thầy không bị khô trong người.

Liều thuốc giảm đau bắt đầu tăng dần. Có lẽ vì vậy mà cơn buồn ngủ cứ kéo đến với Thầy hoài. Thầy không chấp nhận nỗi sự việc này nên cứ muốn ngồi dậy hoài. Kể cả ban đêm Thầy cũng không chịu ngủ, cứ nằm yên khoảng 5-10 phút, đôi bờ mi bắt đầu nặng thì Thầy lại bảo cho Thầy dậy. Vì sợ Thầy mệt nên chúng tôi đôi lúc khẩn khoản xin Thầy ngủ một tí, Thầy luôn khăng khăng: "Thầy nhất định dậy!" Có lúc Thầy ngủ quên đi, khi thuốc tan rồi, Thầy dậy và bảo chúng tôi: "Con đánh nó một cái cho nó tỉnh đi, nó ngủ hoài hà!" Rồi có lúc lại dạy: "Thôi các con đừng hầu thầy nữa, đi lên Chính Điện lễ Phật cho thầy tỉnh ngủ đi." Chúng tôi thưa rằng Thầy không ngủ được nhiều mấy hôm nay, nhưng Thầy vẫn luôn cho rằng Thầy ngủ nhiều quá. Điệp khúc: "Dậy, dậy, cho Thầy dậy" bổng trở thành thân thương lắm đối với chúng tôi trong nửa tháng nay. Có lần, đang đêm Thầy muốn dậy hoài, chúng tôi thưa:

-- Bạch Thầy, bây giờ là ban đêm Thầy dậy làm gì ạ?

" Cho Thầy dậy để Thầy làm bổn phận của người tu."

-- Bạch Thầy, người tu thì phải làm gì ạ?

"Là phải giữ chữ tín"

"Là phải dậy trước trời sáng"

Bằng những câu thật ngắn, thật đứt đoạn, Thầy luôn nhắc chúng tôi phải niệm Phật. Thầy dạy: “Các con phải dõng mãnh, tinh tiến niệm Phật khi còn khỏe. Trừ hao đến lúc bệnh, thân tâm bì quyện, niện Phật rất khó định tâm. Mê thì nhiều mà ngộ thì ít.” Sợ Thầy bị phân tâm, Sư già Phước thưa: “Bạch Thầy, mê hay ngộ con thỉnh Thầy cứ tiếp tục niệm Phật.” Thầy khẻ nhẹ vào Sư già và bảo: "Không phải dễ như chị nghĩ đâu chị hai, chín cảnh mê mới có một cảnh ngộ thôi." Với Thầy, việc hành trì phải nghiêm mật lắm thì mới được. Đôi khi, chúng tôi phải tìm mọi cách để năn nỉ lắm thì Thầy mới nằm yên dăm mươi phút. Thông thường, cách hữu hiệu nhất vẫn là: "Thôi để chúng con đi ngủ hết cho Thầy ngủ nha. Rồi, 1, 2, 3, chúng con ngủ hết rồi" (Thầy sẽ nói: "Ừ, các con đi ngủ đi cho thầy ngủ, nhắm mắt lại ngủ hết đi"); hoặc: "Bạch Thầy, Thầy nằm nghỉ thêm một chút thôi nha, chút nữa thì chúng con sẽ thức Thầy dậy;" hay là "chúng con đang thức hết rồi nè, để chúng con đọc sách / tụng Kinh / niệm Phật cho Thầy nghe nha, Thầy nằm yên nghe chúng con đọc nha." Khi chúng tôi bắt đầu đọc hay tụng, Thầy yên lặng lắng nghe, rồi thiêm thiếp đi vào giấc ngủ ngắn. Có lần, trong lúc chúng tôi niệm Phật thì Thầy bảo dừng lại "để Thầy làm." Chúng tôi không hiểu ý nên lại thỉnh Thầy nghỉ ngơi. Thầy vẫn ra dấu bảo chúng tôi ngừng. Khi chúng tôi im lặng thì Thầy lại bắt đầu "Nam Mô....A Di....Đà Phật." Được đôi câu thì Thầy lại mệt quá và bảo chúng tôi tiếp tục "làm" đi. Từ đó chúng tôi mới hiểu được mỗi lần Thầy muốn "làm" là làm việc gì. Phương pháp tu của Thầy đơn giản lắm và chỉ có vậy, chỉ cần niệm Phật không gián đoạn, không phải chỉ nơi ý, mà còn phải nơi thân nữa!

·Đêm 25, khuya 26/3/1999

Như hai đêm trước, Thầy vẫn không ngủ được tí nào. Vẫn là những đứng lên, ngồi xuống suốt canh thâu. Bác sĩ Brophy cho rằng Thầy không còn bao lâu nữa, và sẽ ra đi vì hệ thống hô hấp bị nghẽn do những hạt máu đông đang nghẽn phổi bên trái. Chúng tôi sợ lắm nên không dám đỡ Thầy đứng lên ngồi xuống nhiều. Vậy mà Thầy vẫn luôn muốn "dậy". Khoảng hơn hai giờ khuya, sau khi đỡ Thầy nằm xuống, Thầy lại muốn ngồi dậy. Sư già Nguyên quỳ bên giường bạch:

-- Bạch Thầy, Thầy nhắm mắt ngủ đi Thầy nha. Con đang quỳ đây nè, con đang xoa tay cho Thầy đỡ mỏi nè, Thầy ngủ thêm tí nữa Thầy nha...

"Ừ, con ở đó đi, Thầy ngủ đó nha."

Rồi Thầy khép mắt chìm vào giấc ngủ. Thống thiết thay, đây là giấc ngủ cuối!!! Thầy ngủ rồi không chịu dậy nữa, ngủ cho đến đêm hôm sau thì thâu thần mà thị tịch luôn. Ngủ và vĩnh viễn ngủ yên cho đến nghìn sau, Thầy ơi!!!

[if gte vml 1]><v:shapetype id="_x0000_t75" coordsize="21600,21600" o:spt="75" o:preferrelative="t" path="m@4@5l@4@11@9@11@9@5xe" filled="f" stroked="f"> <v:stroke joinstyle="miter"></v:stroke> <v:formulas> <v:f eqn="if lineDrawn pixelLineWidth 0"></v:f> <v:f eqn="sum @0 1 0"></v:f> <v:f eqn="sum 0 0 @1"></v:f> <v:f eqn="prod @2 1 2"></v:f> <v:f eqn="prod @3 21600 pixelWidth"></v:f> <v:f eqn="prod @3 21600 pixelHeight"></v:f> <v:f eqn="sum @0 0 1"></v:f> <v:f eqn="prod @6 1 2"></v:f> <v:f eqn="prod @7 21600 pixelWidth"></v:f> <v:f eqn="sum @8 21600 0"></v:f> <v:f eqn="prod @7 21600 pixelHeight"></v:f> <v:f eqn="sum @10 21600 0"></v:f> </v:formulas> <v:path o:extrusionok="f" gradientshapeok="t" o:connecttype="rect"></v:path> <o:lock v:ext="edit" aspectratio="t"></o:lock> </v:shapetype><v:shape id="_x0000_s1026" type="#_x0000_t75" style='position:absolute; margin-left:14.25pt;margin-top:241.8pt;width:549pt;height:567pt;z-index:-251658240; mso-wrap-edited:f'> <v:imagedata src="file:///C:\Users\HAINGU~1\AppData\Local\Temp\msohtmlclip1\01\clip_image001.png" o:title="DENCAY" gain="19661f" blacklevel="22938f" grayscale="t"></v:imagedata> </v:shape><![endif][if !vml][endif][if gte vml 1]><v:shapetype id="_x0000_t75" coordsize="21600,21600" o:spt="75" o:preferrelative="t" path="m@4@5l@4@11@9@11@9@5xe" filled="f" stroked="f"> <v:stroke joinstyle="miter"></v:stroke> <v:formulas> <v:f eqn="if lineDrawn pixelLineWidth 0"></v:f> <v:f eqn="sum @0 1 0"></v:f> <v:f eqn="sum 0 0 @1"></v:f> <v:f eqn="prod @2 1 2"></v:f> <v:f eqn="prod @3 21600 pixelWidth"></v:f> <v:f eqn="prod @3 21600 pixelHeight"></v:f> <v:f eqn="sum @0 0 1"></v:f> <v:f eqn="prod @6 1 2"></v:f> <v:f eqn="prod @7 21600 pixelWidth"></v:f> <v:f eqn="sum @8 21600 0"></v:f> <v:f eqn="prod @7 21600 pixelHeight"></v:f> <v:f eqn="sum @10 21600 0"></v:f> </v:formulas> <v:path o:extrusionok="f" gradientshapeok="t" o:connecttype="rect"></v:path> <o:lock v:ext="edit" aspectratio="t"></o:lock> </v:shapetype><v:shape id="_x0000_s1026" type="#_x0000_t75" style='position:absolute; margin-left:14.25pt;margin-top:241.8pt;width:549pt;height:567pt;z-index:-251658240; mso-wrap-edited:f'> <v:imagedata src="file:///C:\Users\HAINGU~1\AppData\Local\Temp\msohtmlclip1\01\clip_image001.png" o:title="DENCAY" gain="19661f" blacklevel="22938f" grayscale="t"></v:imagedata> </v:shape><![endif][if !vml][endif]

![endif]--

Recent Posts
Archive
Search By Tags
No tags yet.
Follow Us
  • Facebook Basic Square
  • Twitter Basic Square
  • Google+ Basic Square
bottom of page