Câu chuyện công phu khuya

Xin kể cho các bạn nghe một câu chuyện về Sơ phát tâm hay cái tâm ban đầu.
Hằng ngày tôi cùng các bạn đi công phu khuya, sau khi niệm Phật lễ Phật rồi tới giờ học giáo lý. Hôm nay như mọi ngày, khoảng hai tháng nay cứ tới giờ giáo lý thì có một anh thanh niên khoảng bốn mấy năm mươi tuổi tới ngồi nghe, sau khi hỏi thì biết anh tên là Quang Hậu.
Vào giờ giáo lý, Sư Thầy cho đại chúng đọc những bài học thuộc lòng như bài Thanh Quy, một số bài khai thị của Đại sư Ấn Quang, Tổ Liên tông thứ mười hai Đại Sư Triệt Ngộ…, và thư gửi cư sĩ cuả Ngẫu ích Đại Sư…
Sáng nay sau khi đọc thư của Ngẫu Ích Đại Sư dạy Quách Thiện Hữu: “Biển cả Phật pháp, lấy Tín để vào, lấy Trí để chứng. Nếu có tín tâm nhưng thiếu trí huệ, chỉ e khó tránh phân vân đôi ngả. Phật dạy: “Ðời mạt đấu tranh kiên cố, ức ức người học đạo, hiếm có một người chứng quả. Chỉ nương vào niệm Phật cầu sanh Tịnh Ðộ, mới có thể vượt ngang ra khỏi luân hồi”. Nếu tin tưởng sâu xa niệm Phật, lễ bái là cái nhân chân chánh để thành Phật, thành Tổ thì đích xác là chẳng bị dòng đời xoay chuyển, lại còn là trí huệ đại quang minh, vượt thẳng lên Tịnh Ðộ, vĩnh viễn chẳng sợ bị lạc đường nữa.”,
Sư Thầy hỏi anh Hậu: Chú Hậu nghe có hiểu không ?
-Anh Hậu đáp: Dạ con hiểu chút chút .
- Sư Thầy hỏi: Anh hiểu thế nào nói nghe coi,
-Anh Hậu trả lời : Dạ Sư cho con lần sau đi, lần này Thầy hỏi con sợ qúa con chẳng biết nói làm sao đâu, con chỉ nhớ “không sợ bị lạc đường nữa”
Câu trả lời thật thà , dễ thương làm tôi thấy xúc động quá, và chắc chắn quý Sư và các Phật tử cũng xúc động như tôi. Câu trả lời nói lên được sự tín tâm lắng nghe của anh và lòng tin của một người đã nhận chân ra được con đường mà mình đang đi tới là đúng: KHÔNG CÒN SỢ BỊ LẠC ĐƯỜNG NỮA .
- Sư Thầy tiếp: Vậy không lạc đường nữa thì từ nay mỗi buổi sáng nhớ về chùa lễ Phật niệm Phật nghe, và nếu có rảnh thì phụ giúp quí Sư.
-Anh Hậu đáp: Dạ hôm qua con cũng ở chùa, con thấy mấy cái bàn bị long ốc, mà con không mang theo đồ để sửa, lần sau con sẽ nhớ mang theo để xiết lại cho chắc, cho quý Sư ăn cơm cho ngon.
Mọi người cười ồ.
“Nếu vậy tốt quá, chú giúp quý sư nha, đi làm, lúc nào rảnh về chùa niệm Phật, rồi xuống bếp xin cơm chùa ăn, không phải đi mua nữa.” Sư Thầy dặn chú.
“Dạ mấy sư cho con ăn vậy thì con có muốn nghèo cũng không nghèo được.”
Câu nói hiền hậu làm mọi người cười vui vẻ.
Tôi cắn chặt môi, ngăn dòng cảm xúc, ấm áp quá, chân thành quá, làm sao một người mới đến chùa không lâu, nghe vài bài khai thị mà đã nhớ câu: nếu chân thật niệm Phật sẽ không sợ bị lạc đường nữa? Và ăn cơm chùa thì có muốn nghèo cũng không nghèo được? Cái nghèo ở đây ta có thể hiểu rằng từ nay anh sẽ có được sự thương mến của qúi Sư và anh sẽ không nghèo tình thương nữa .
Sau buổi lễ, chúng tôi ra về, thấy anh vui vẻ chúng tôi bắt chuyện: “Anh Hậu từ nay về chùa lễ Phật cho vui nhé, Anh ở đâu ? có gần đây không? Làm sao anh biết đến Phật và đi tới chùa vậy?
Hậu thật thà kể: Thật ra em không có nhà, Em có gia đình nhưng tan vỡ, em sống lang thang với cái lều giống như homless đó .
Em đến với Phật là hồi xưa có lần em bị ở tù, ở trong tù em có đọc kinh Phật, nhưng em không biết chữ nên em tập đánh vần từng chữ một, khi được ra, em ở trong một cái lều và một ảnh Phật mà em có đựợc từ một người bạn, anh ta thấy em mỗi buổi sáng thường niệm A Di Đà Phật nên đã tìm và tặng cho em tấm hình Phật.
Có một hôm em không có tiền ăn cơm, đói quá đang ở trong lều thì có một bà tay cầm bịch bánh sandwich, bà ta nhìn vô lều gặp em và bà thấy ảnh Phật, bà bảo em ở đây ai cũng theo tôn giáo khác nhau, nếu em muốn có đồ ăn hằng ngày thì theo họ.
Em đói quá hứa liều “ừ để tôi suy nghĩ đã” em nói gạt vậy nhưng khi ăn xong, em hối hận, em vào cột chặt lại ảnh Phật và tự hứa “lần sau có đói chết em cũng không ăn đâu, em không bỏ ảnh Phật.”
Em đi làm cực khổ lắm, em không đi xin, cố gắng làm việc và em mua được cái xe này, trong xe em có băng niệm Phật, em bây giờ không đi chơi nhiều nữa, nếu có mua cà phê rồi ra xe uống một mình .
Tôi lại hỏi: sao anh có Pháp danh? Anh quy y hồi nào, Ở đâu?
Anh Hậu nói: Dạ hôm em đến chùa này, em thấy người ta ghi tên đông em không biết ghi làm gì? em hỏi thì họ nói ghi tên để qui y . Em hỏi Qui Y là gì? thì họ bảo em là: Qui Y theo Phật, không sát sanh và tu tập thành người tốt, Em nghe vậy thì em Quy Y .
Vậy hả, chúng tôi cùng nói: chúc mừng anh, nếu anh thấy đã chọn đúng đường rồi thì vững tâm nhá, chịu khó tới chùa lễ Phật, nếu rảnh thì tới chùa, đói thì xin cơm ăn, có việc gì quý Sư cần giúp thì làm, chùa lúc nào cũng mở cửa chào đón các Phật Tử về chùa lễ Phật .
Anh đáp : vâng .
Chúng tôi ra về, câu chuyện của anh Hậu cứ lẩn quẩn trong đầu tôi, lòng cảm thấy vui mừng cho anh đã tìm được nơi anh có thể tâm sự, và có những bàn tay yêu thương chào đón anh .
Nhớ ngày đầu tiên anh đến chùa vào lúc công phu khuya, anh với chiếc áo vest cũ, chiếc quần jean, ngồi phía sau lễ Phật vào lúc 5:30 sáng. Thú thật không nói ra nhưng tôi cũng cảm thấy hơi ái ngại, một thanh niên nhìn không giống người Việt, khuôn mặt hơi dữ dằn, đến chùa lúc sáng sớm, kể ra cũng hơi lo lo. Thế rồi anh đến chùa rất đều mỗi sáng, ngồi nghe giáo lý và cùng đi theo Qúi sư và Phật tử lễ phát nguyện, NGUYỆN GIẢI TRỪ TẤT CẢ OAN TRÁI , NGUYỆN LÀM BẠN LÀNH NƠI CÕI TỊNH ĐỘ, và trước khi ra về anh luôn bỏ tiền vào thùng phước sương.
Vào giờ giáo lý Sư Thầy cũng đưa anh bài để đọc nhưng anh nói anh không biết chữ, nên ngồi nghe. Rồi một ngày chị Thọ Pháp trình bày về tiểu sử của Thiền sư Lai Quả. Sau khi chị đọc xong. Sư Thầy hỏi: Chú Hậu nghe có hiểu không? Chú thấy thế nào?
- Anh Hậu đáp: Dạ con thấy sao Ngài khổ qúa, đi tu bị đói mà còn bị đánh nữa .
- Sư Thầy hỏi : Thế chú Hậu có bao giờ bị đánh không?
-Anh Hậu đáp: Lúc trước con cũng bị đánh và con cũng đánh người ta nữa .
- Vậy bây giờ còn đánh lộn nữa không ?
- Dạ không, con hứa với mẹ con và với Phật là con không đánh lộn nữa.
- Sư Thầy nói: Ừ về chùa niệm Phật, lễ Phật cầu Phật gia hộ được bình an và sau này về với Phật, chú có muốn về với Phật A Di ĐÀ không ?
-Anh Hậu đáp: dạ có chứ, con muốn về với Phật .
- Sư Thầy nói: Ừ muốn về với Phật thì niệm Phật giữ giới, không sát sanh …. Dù con vật nhỏ như con kiến, con ong cũng không giết nhá.
-Anh Hậu đáp: dạ không, hồi xưa con gặp con kiến con ong là con giết liền, bây giờ con đuổi nó đi thôi .
- Sư Thầy nói: Khi gặp mấy con trùng hay con thú nào, chú nhớ đứng lại niệm Phật và nói với nó, khuyên nó cùng niệm Phật để kiếp sau làm người, tu tập thoát sanh tử luân hồi nhá.
-Anh Hậu đáp: Dạ
- Sư Thầy hỏi : Nhưng mà chú Hậu về chùa có thấy vui không ?
-Anh Hậu Đáp : Dạ vui, ai cũng hiền hết, mấy sư cô thì hiền quá rồi, còn quý vị thì ai cũng hiền hết .
Hết giờ. Mọi người cùng cười vui vẻ, cùng lạy Phật rồi đi về .Những buổi công phu bây giờ có thêm anh Hậu nữa cũng vui, nghe anh kể chuyện thật thà không dấu diếm, mọi người cùng thông cảm và hoan hỉ.
Câu chuyện của anh Hậu một người vì hoàn cảnh gia đình tan vỡ, một thời lầm đường lạc lối nhờ duyên lành đã tìm ra được con đường trở về đây, dưới mái chùa để được hằng ngày nghe chánh pháp cùng tu tập.
Được nghe anh tâm sự, thấy được cái sơ phát tâm ban đầu của anh làm tôi cảm phục, dễ mấy ai nhận thấy điều ấy khi đến với Đạo đâu, còn nghi ngờ, còn lựa chọn …phân vân ...
Cầu xin chư Phật, chư Bồ Tát , Chư vị Hộ Pháp gia hộ cho anh giữ mãi được cái Sơ phát tâm ban đầu này: “KHÔNG CÒN SỢ BỊ LẠC ĐƯỜNG NỮA.”
Nam Mô A Di Đà Phật .
Nhóm công phu khuya .