top of page

Làm việc không từ lao nhọc

Triều nhà Tống, tại Đông Kinh, có Thiền sư Huệ Lâm Viên Chiếu Tông Bổn. Sư họ Quản, tự Vô Triết, người Vô Tích (Giang Tô) Trung Quốc. Năm 19 tuổi nhập môn Thiền sư Đạo Thăng chùa Vĩnh An ở Thừa Thiên, Tô Châu, khổ tu 10 năm mới cạo tóc thụ giới cụ túc, lại siêng năng hầu hạ thêm ba năm, thường mặc áo rách, đầu mặt dơ bẩn, làm việc xách nước, giã gạo, nấu cơm cúng dường đại chúng. Tối đến sư vào thiền đường học đạo với đại chúng.


Thiền sư Đạo Thăng nói với Sư: "Người khổ hạnh kia! Thầy làm việc phục vụ đại chúng thật là vất vả, khổ nhọc không biết mệt mỏi sao”? Sư trả lời: "Một người tu hành nếu bỏ mất một việc lợi ích cho chúng sanh mà không đi làm thì không thể gọi là tâm Bồ đề viên mãn được; con nghĩ suốt cuộc đời này con chỉ làm việc này cũng không dám nói là mệt nhọc”!


Sau bái biệt Đạo Thăng, sư đến chùa Cảnh Đức ở Trì Châu (Qúy Trì, An Huy) tham kiến Thiên Y Nghĩa Hoài có chỗ khế ngộ. Được Nghĩa Hoài sai đến chùa Thụy Quang ở Tô Châu khai pháp, pháp tịch ngày một thạnh, đồ chúng lên đến năm trăm người. Sư dời sang chùa Tịnh Từ ở Hàng Châu, đạo tục ở Tô Châu lại thỉnh sư đến hai chùa Vạn Thọ, Long Hoa hoằng pháp, kẻ ngưỡng mộ hơn ngàn người. Niên hiệu Nguyên Phong thứ 5 (1082) phụng chỉ làm Tổ thứ nhất Huệ Lâm Thiền sát chùa Tướng Quốc. Vua Thần Tông triệu thỉnh đến cung Diên Hoà hỏi đạo. Đến đời vua Triết Tông ban hiệu "Viên Chiếu Thiền sư”. Niên hiệu Nguyên Hựu thứ 1 (1086) sư lấy cớ già cả xin về quê, khi ra khỏi đô thành, người đưa tiễn đông vô kể. Lúc chia tay sư có lời dạy bảo người nghe cảm động rơi lệ. Tuổi về chiều sư trụ chùa Linh Quang ở Bình Giang (Tô Châu) đóng cửa tu thiền. Sư giữ giới thanh tịnh, học thức rộng, giỏi văn chương. Đệ tử có Đại Thông, Thiện Ninh, Pháp Chân, Chân Ngộ...vv...


Lời bình:

Làm việc cực nhọc cho đại chúng mà vẫn không quên học vấn, đàm luận cổ kim; quản lý mọi việc trong nhà trù mà vẫn không quên tham thiền học đạo, kham nhẫn nhiều việc khổ nhọc trác tuyệt như vậy. Người xuất gia ngày nay, nhàn rỗi không làm việc gì mà vẫn tiếp nhận của cúng dường của Phật tử, còn nói: "Tôi là người chuyên tu, làm nhiều việc”. Ôi, như thế với người xưa thật sai biệt quá xa!


Thánh hiền luôn răn dạy rằng: "Không nên phóng dật”. ‘Dật’ là đại giới của người quân chủ, từ xưa đều lấy sự siêng năng, ân cần mà hưng quốc, do phóng dật mà mất nước. Nhà Phật cũng nói một câu răn giới như vậy: "Cẩn thận chớ có buông lung”. Cho nên, người cầu pháp phải vì pháp mà quên đi thân mình, người vì lợi ích chúng sanh phải vì chúng sanh mà quên đi bản ngã của mình. Người xuất gia trẻ ngày nay, mười ngón tay không đụng đến một giọt nước (ý nói không làm gì cả), không quan tâm đến bất cứ việc gì, bảo nó rửa bát, nó nói: ‘đau tay’; bảo nó cầm chổi quét nhà, nó nói: ‘đau lưng’; bảo nó sớm tối siêng năng tu học, nó nói: ‘Thân tôi nhiều bệnh quá, không có cách gì để hành trì tu tập được’. Có lúc mới dạy nó vài câu, nó lại nói: "A, Ngài không biết kẻ ngu thì dùng sức, kẻ trí thì dùng tâm, người ngu thì tu phước, người trí thì tu huệ sao”? Ôi trời! Nếu như vậy thì không những tôn giả Ca-diếp tu khổ hạnh là người ngu, Lục Tổ giã gạo, bổ củi cũng là người ngu, mà ngay cả Phật đà không bỏ mặc các Tỷ-kheo mắt yếu giúp họ may vá y áo há không phải cũng là người ngu sao!?

Recent Posts
Archive
Search By Tags
No tags yet.
Follow Us
  • Facebook Basic Square
  • Twitter Basic Square
  • Google+ Basic Square
bottom of page