Nỗ lực làm ruộng
Đời nhà Tấn, ở Trường An, chùa Ngũ Cấp, có pháp sư hiệu Đạo An, mười hai tuổi xuất gia. Sư trời sanh bẩm tánh thông minh, nhưng ngoại hình rất xấu, nên không được sư phụ quan tâm, bắt sư làm những việc ruộng đồng nặng nhọc. Sư chăm chỉ làm lụng như vậy trải qua được ba năm, dù cực khổ đến đâu cũng chưa từng biểu hiện thái độ oán hận, phiền lòng. Sau mấy năm, sư tìm sư phụ cầu học kinh điển. Sư phụ đưa cho sư một quyển kinh "Biện Ý”(1) có hơn 5 ngàn chữ. An đại sư mang cuốn kinh này đi ra ruộng, lúc nghỉ ngơi mang kinh ra đọc, đến tối mới trở về, lại xin sư phụ truyền cho kinh khác. Sư phụ nói: "Hôm qua mới đưa cho thầy cuốn kinh đã học xong chưa lại xin học cuốn kinh khác!”. Sư trả lời: "Dạ, con đã đọc thuộc kinh rồi!”. Sư phụ tuy rằng rất kinh ngạc nhưng vẫn chưa tin lắm, lại đưa cho sư cuốn kinh "Thành Cụ Quang Minh”(1), cuốn kinh này gần một vạn chữ. An đại sư nhận kinh mang ra đồng, hoàng hôn lại mang kinh trở về, trả sư phụ và xin được học cuốn khác. Sư phụ bảo ngài tụng lại, ngài tụng không sai một chữ, sư phụ mới vô cùng kinh hãi, hết lời khen ngợi.
Lời bình:
Thiên tài của An đại sư giống như bảo ngọc trong cung điện, vốn để cho người ta chiêm ngưỡng, vậy mà bảo ngài đi cày ruộng! Vậy mà ngài vẫn cam chịu lao khổ không than oán. Các đệ tử ngày nay, có được một chút tài năng, đối sử với nó một chút không trân trọng là muốn bỏ đi chỗ khác rồi, huống nữa là gọi nó đi làm những việc ruộng đồng cần lao phục dịch? Mà là lao động phục dịch lâu ngày nữa chứ! Nghĩ đến đây, tôi không cầm được lời than thở.