Hoằng Đạo
Sự thịnh suy của đạo không phải là thượng pháp mà đều là do ở người hoằng đạo. Cổ nhân nói: “Biết dưỡng thì còn nếu bỏ thì mất”. Thật vậy , đạo chẳng bỏ người mà do người bỏ đạo. Người xưa, hoặc ở trong rừng núi hay ẩn ở nơi triều thị, không bị lôi kéo vào danh lợi, không bị mê hoặc bởi thanh sắc nên danh dự được vang dội một thời và mỹ danh được lưu truyền muôn thuở như thế. Há rằng người xưa làm được mà người đời nay không làm được hay sao? Không phải. Đó đều bởi sự giáo hóa chưa đến nơi và ta làm không tận lực mà thôi. Có người cho rằng người xưa thật thà nên giáo hóa được và người đời nay bạc bẽo nên không giáo hóa được. Đó chỉ là lời cổ hoặc thật không đủ để xét nghiệm. Các bậc cao tăng bàn luận lời dạy ấy như sau: “Nói đến hoằng đạo thì người đời xưa hay người đời nay thì cũng đều hoằng đạo được hết. Nhưng với đều kiện phải sáng đạo, có sáng đạo mới hoằng đạo được. Ngài nói đạo không bỏ người chỉ người bỏ đạo thôi. Nghĩa là chỉ có người mê danh lợi, mê tài sắc, rồi bỏ đạo chứ đạo lý luôn hiện tiền. Chúng ta thành tâm không chạy theo vọng tưởng khắc phục những não loạn tâm mình, sống trong trí tuệ sáng suốt thì đạo hiện tiền, lúc nào cũng có trong ta. Trái lại, nếu ta ham cái này, mê cái kia, chạy theo bên ngoài thì chính ta bỏ đạo. Người xưa cũng con người, cũng ăn mặc, cũng sống, cũng tư duy, cũng có tâm tình như người nay. Cho nên, người xưa đạt đạo thì người nay cũng đạt đạo, không lý gì người xưa đạt đạo mà người nay không đạt đạo. Tuy nhiên, vì người ngày nay bận rộn nhiều để tâm chạy ra ngoài nên đạo chưa sáng. Bây giờ nếu dừng được, bỏ được tất cả những thứ bên ngòai, xoay trở lại mình thì đạo hiện tiền. Như vậy, mới có đạo và hoằng đạo được. Ví dụ, vừa khởi lên một niệm lợi lộc bất chính gì đó, chúng ta dừng ngay lại được, diệt trừ đi thì đạo hiện tiền. Ngược lại, nếu lúc đó chúng ta quên cái chân thật chạy theo vọng niệm ấy thì mất mình mất đạo. Cho nên, việc tu hành hoàn toàn do chính mình dễ hay khó thì đều thuộc vào chính chúng ta.
Nam Mô A Di Đà Phật