top of page

Quán tưởng về sự chết

Tất cả chúng sinh tuy ai cũng biết cuối cùng rồi mình cũng sẽ chết. Thế nhưng trong những sinh hoạt hằng ngày, niệm niệm đều nghĩ rằng hôm nay mình không chết, ngày nào cũng nghĩ như vậy rốt cuộc trong mỗi tâm niệm đều nghĩ rằng mình không chết. Nếu như không chịu tác ý đối trị thì sẽ bị cái vọng tưởng không chết này làm chướng ngại. Chung quy cũng sẽ nghĩ rằng mình không chết, rồi tùy theo đó mà khởi lên ảo tưởng là mọi sự việc trước mắt đều cần thiết, bèn miệt mài tìm cầu sự khoái lạc, lo toan trốn tránh sự đau khổ hiện đời mà không chịu để tâm quán sát những việc quan trọng đời sau. Như sinh về cõi lành hoặc giải thoát thành Phật, tâm không tha thiết với đạo, hoặc là tuy cũng tu tập Văn Tư Tu nhưng vì quá chú trọng đến hiện đời, cho nên làm bất cứ điều thiện nào cũng đều yếu ớt miễn cưỡng. Hơn nữa lại còn tạo tác những nghiệp ác. Những người không tạo tác nhân duyên đọa ác đạo, quả thật quá ít. Giả như có nghĩ tưởng nghĩ đến đời sau mà muốn gắng sức tu hành, lại bị sự lười biếng, ngủ nghỉ, hôn trầm, huyên náo, ăn uống .v.v… làm cho tiêu hao ngày tháng, không thể siêng năng tu tập đúng pháp. Không chỉ như thế vì muốn cầu thỏa mãn sự khoái cảm hiện đời mà phiền não và các nghiệp ác ngày càng gia tăng chống báng chánh pháp của Phật đọa vào ác đạo. Có gì ác hơn là sự bất thiện, không quán tưởng sự chết này hay chăng?

Trong Tứ Bách Luận Tụng có viết: “Thần chết trong ba cõi thường đến đoạt thân mệnh vậy mà còn ngủ nghỉ, thật không gì còn ngu hơn.”

Lợi ích của sự tu tập quán tưởng sự chết, nếu có thể chân thật quán tưởng sự chết biết chắc hôm nay hoặc ngày mai mình sẽ chết thì ngay những người ít hiểu Phật pháp cũng có thể nhận thức được rằng mình không thể sống chung lâu dài với những người thân thuộc, bèn có thể giảm thiểu tâm tham luyến đối với họ. Đồng thời có thể phát tâm tu tập các pháp lành như bố thí, trì giới .v.v… Hơn nữa, họ cũng có thể nhận thức được rằng những sự lợi dưỡng của thế gian đều không bền chắc. Do đây có thể ngăn chặn các nghiệp ác, có thể tu tập các nghiệp thiện. Còn những hành giả đã đạt được trình độ thù thắng thì có thể hướng dẫn những chúng sinh khác tu tập pháp lành. Trên thế gian còn có những sự việc nào quan trọng hơn những điều này. Các kinh điển đối với pháp tu quán tưởng sự chết cũng đã nêu lên nhiều ví dụ tán thán.

Như Đại Niết Bàn Kinh nói: “Trong các công tác nông nghiệp, gặt hái vào mùa thu là tốt hơn hết, trong các dấu chân loài vật dấu chân voi là to hơn hết, trong các sự quán tưởng quán tưởng về vô thường và sự chết là thù thắng hơn hết. Bởi vì sự quán tưởng vô thường và sự chết này có thể trừ khiến sự tham luyến vô minh ngã mạn ...”

Các kinh điển lại còn dùng các ví dụ mô tả quán tưởng sự chết là cái chày đập nát tất cả phiền não ác nghiệp, là con đường giúp cho mau thành tựu tất cả sự thiện diệu… để tán thán công đức của pháp quán tưởng này. Tóm lại, chỉ có cơ may sinh được thân người thù thắng như vậy mới có cơ hội tu hành. Chúng ta từ nhiều kiếp đến nay, thường sống trong ba đường ác, tuy đôi lúc may mắn được thân người nhưng phần lớn đều bận rộn sinh kế không biết pháp tu. Giả như có lúc được thân người có khả năng tu hành nhưng lại không tu tập đúng pháp. Đây đều là do vọng tưởng không chết này mà gây ra. Cái tâm chấp vào sự không chết là sự tổn hại cho tất cả các công đức, còn việc quán tưởng sự chết là ngưỡng cửa cho tất cả sự thành tựu viên mãn. Bởi thế không nên cho rằng pháp tu này chỉ dành cho những hành giả chưa tìm được pháp tu thâm sâu nào khác, hoặc tuy cho rằng đây là pháp phải tu nhưng chỉ là pháp sơ khởi tạm thời tu tập không phải là pháp tu thường xuyên. Hành giả phải quán sát đây là pháp tu cho tất cả mọi căn cơ và sau đó nên sinh khởi quyết định tu tập.


Tư duy tuy hiện còn sống, không có thời gian tu tập mà sự chết nhất định sẽ đến. Giả như có sống đến trăm năm cũng chưa chắc có thời gian rảnh rỗi để tu hành.

Kinh Nhập Thai viết: “Lúc còn nhỏ chưa biết tu hành, khi tuổi già thì không còn sức để tu hành, lúc tráng kiện thì bị sự ngủ nghỉ làm hao phí hết phân nữa thời gian, bị bệnh hoạn làm tiêu hao nhiều ngày tháng, chỉ còn lại rất ít thời gian để tu hành.”

Các vị hành giả nên quán tưởng tất cả hạnh phúc trên đời đều như giấc mộng, đến lúc lâm chung tất cả đều cũng chỉ là ảo ảnh. Thần chết nhất định sẽ đến thì tại sao lại để cái tâm ham muốn mê hoặc mình. Đối với cuộc đời vẫn còn tham luyến.

Kinh Bổn Sinh có nói: “Ô hay đời vô thường, không bền không an lạc. Buổi yến tiệc đêm nay cũng sẽ thành hoài niệm. Tư duy không biết chết lúc nào. Từ hôm nay cho đến lúc chết, tử thần nhất định sẽ đến. Thế nhưng trong khoảng thời gian đó không biết tử thần sẽ đến lúc nào. Ngay như trong ngày hôm nay, cũng không biết là sẽ chết hay còn sống đến ngày mai. Thế nhưng, hành giả nên quán tưởng rằng hôm nay mình nhất định sẽ bị chết. Nếu như cứ chấp mình không chết thì sẽ lo chuẩn bị cho cuộc sống lâu dài mà không chịu tu tập tư lương cho đời sau. Chung quy cũng sẽ bị tử thần đến bắt và lúc đó sẽ ưu sầu mà chết. Nếu như mỗi ngày đều chuẩn bị cho sự chết thì sẽ cố gắng làm nhiều việc nghĩa lợi cho đời sau. Giả như chưa chết thì sự tu thiện này cũng tốt, còn nếu chết sớm thì đây chính là điều mà hành giả đã sẵn sàng. Tư duy người Nam Thiện Bộ Châu tuổi thọ không nhất định, người ở Bắc Câu Lô Châu tuổi thọ nhất định, hai châu Đông Thắng Thần Châu và Tây Ngưu Hóa Châu tuổi thọ tuy không nhất định nhưng phần lớn thọ mệnh xấp xỉ nhau. Chỉ có người ở Nam Thiện Bộ Châu thì tuổi thọ rất khác biệt, có lúc thọ mệnh rất dài, có lúc thọ mệnh chỉ còn mười tuổi, đây là hạn lượng của tuổi thọ ở Nam Thiên Bộ Châu. Ngay như hiện giờ trong lúc thiếu niên, trung niên, lão niên lúc nào sẽ chết không có định chuẩn”.

Câu Xá Luận nói: “Diêm phù tuổi thọ không nhất định, kiếp sơ vô lượng, kiếp mạt mười”.

Các hành giả nên lưu ý đến những trường hợp điển hình. Chẳng như những thầy bạn của mình đang còn khỏe mạnh, không may duyên tử thần chợt đến, phút chốc ra đi, mà lấy đó làm đối tượng cho sự tu tập quán tưởng về sự chết.


Nếu quán tưởng người thân chết, rồi sinh tâm lo sợ thì đây chỉ là tâm lý của người thường. Ở đây, không dạy pháp quán như vậy, phải quán tưởng thế nào, phải quán tưởng rằng thân tứ đại do nghiệp lực tạo thành này, chung quy cũng phải chết, chỉ cần đối với sự kiện đó sinh tâm lo sợ và hơn nữa lúc nào cũng phải ưu tư về điều này. Lại còn phải quán tưởng rằng những nhân duyên đọa ác đạo chưa được trừ diệt, những nhân duyên thiện nghiệp chưa kịp tu tập. Nếu chịu khó quán sát như vậy thì khi lâm chung sẽ không cảm thấy sợ hãi. Nếu như không chịu tu pháp này, chung quy sẽ bị trôi lăn trong luân hồi không thể giải thoát, lại còn có thể bị đọa vào ba đường ác và như thế đến lúc lâm chung chỉ còn biết hối hận sợ hãi mà thôi.

Trong kinh Vô Thường Tập nói: “Bất luận thọ thân loài nào, ở đâu, vào lúc nào cũng đều bị tử thần đến bắt”.

Trong Kinh Giáo Thọ Quốc Vương cũng nói: “Khi tử thần đến bắt dù có cao bay muôn trượng hoặc có nhiều tiền của thế lực, hoặc dùng bùa chú thần dược đều không thể thoát khỏi”.

Ngài Ca Mã Ba nói: “Hiện tại cần phải sợ chết, đến lúc chết thật thì không còn lo sợ. Nhưng chúng ta thì ngược lại hiện tại không sợ chết, đến lúc gần chết thì kinh hoàng thất thố.”

Trong kinh Nhập Thai nói: “Ít có người thọ đến trăm tuổi, mà giả sử như có thọ đến trăm tuổi chăng nữa, trong khoảng thời gian đó, từng năm từng tháng từng ngày, từng giờ từng phút, tuổi thọ đang giảm dần mạng sống đang đi dần đến chỗ chết. Mỗi khi nghĩ đến, thời gian trôi qua đã nhiều, thời gian còn lại không bao nhiêu, không những không tăng thêm mà còn đang giảm bớt một cách liên tục.”

Luận Nhập Bồ Tát Hạnh nói: “Ngày tháng không chờ mong, tuổi xanh như bụi hồng, thời gian thân tàn lụi, đời rồi sẽ là không. Giống như người dệt vải cuộn chỉ cứ ngắn dần, lại giống như con thú đang bị dẫn đến lò sát sinh, mỗi bước đều đến gần cái chết không được tự tại. Người tu đạo phải từ những ví dụ vừa nêu trên mà tư duy quán sát.”

Kinh Đại Hý Lạt nói: “Ba cõi vô thường như mây thu, sinh tử giống như một màn kịch, chúng sinh lao xao như điện xẹc. Các bậc tu đạo, nên từ những phương tiện khác nhau thường tư duy quán sát như vậy để sinh khởi quyết định. Nếu chỉ tu sơ sài vài lần ắt khó đạt được kết quả.

Ngài Ca Mã Ba nói: “Các vị nói đã quán sát nhưng tâm sợ chết không sinh khởi, các vị đã tu các pháp quán tưởng sự chết vào lúc nào mà ban ngày thì tâm tưởng tán loạn, ban đêm thì ngủ như thây chết, xin các vị chớ buông lời gian dối. Chúng ta không cần phải đợi đến chết mới bị thần chết hủy diệt và đầu thai qua đời sau, mà ngay trong hiện tại thọ mệnh này cũng không hề tạm dừng. Nói tóm, từ lúc vào thai mẹ đến nay, chưa có một giây phút nào mà không đi dần vào đời sau, chưa hề ngừng nghỉ. Trong mỗi phút giây, chúng ta đang bị lão bệnh kéo dần đến chỗ chết. Cho nên, trong lúc đang sống chớ nên nghĩ rằng mình thọ mệnh dài lâu mà sinh tâm hoan hỷ. Ví như từ trên cao rơi xuống, đang khi còn giữa lưng không, không thể nào hoan hỷ. Thế mới nói, từ lúc vào trụ trong thai mẹ, cuộc đời ta từ đó bắt đầu liên miên ngày tháng chóng trôi qua dần đến chỗ chết không ngừng nghỉ.

Nam Mô A Di Đà Phật


Recent Posts
Archive
Search By Tags
No tags yet.
Follow Us
  • Facebook Basic Square
  • Twitter Basic Square
  • Google+ Basic Square
bottom of page