top of page

Niệm Phật vãng sanh

Kinh Lăng Nghiêm nói:” Nếu chuyển được vật tức đồng Như Lai”.

Chư thánh hiền luôn chuyển được vật chứ không bị vật chuyển nên tùy tâm tự tại, nơi nơi đều sống với tâm chân như. Phàm phu chúng ta bị vọng tưởng chướng ngăn nên bị muôn vật xoay chuyển. Ví như gió đông thổi đến, những đầu ngọn cỏ thì chúng ngã về hướng tây, hay gió tây thổi đến thì chúng ngã về hướng đông; nghĩa là tự chúng không có thể làm chủ được.

Có người cả ngày lo lắng bận rộn, tán tâm phóng dật, ý chẳng trụ nơi đạo; tuy dụng công phu mà lúc có lúc không, dứt đoạn không liên tục lại thường trụ nơi vui buồn thương ghét, bụng nhét đầy phiền não thị phi. Mắt thấy sắc tướng, tai nghe âm thanh, mũi ngửi mùi thơm, lưỡi nếm vị ngon, thân cảm giác xúc chạm, ý phân biệt các pháp, sáu căn đối với sáu trần không có giác chiếu. Tùy theo màu sắc xanh đỏ trắng vàng, già trẻ nam nữ mà tâm niệm xoay chuyển cuồng loạn. Lúc hợp ý thì sinh tâm tham đắm, ái nhiễm, mến trước. Khi nghịch ý thì khởi phiền não, giận hờn, oán trách, luôn luôn khởi vọng tưởng. Nơi vọng tưởng vi tế còn có thể dụng công tu đạo, làm việc lành thiện. Nơi vọng tưởng thô lại khởi bao loại vọng niệm bất chính tà vạy; bụng chứa đầy cấu uế tệ hại cả bảy tám phần, không thể diễn tả hết.

Thiền sư Bạch Vân Đoan bảo:

“Nếu chuyển được vật tức Như Lai

Xuân ấm áp, hoa núi nở rộ

Tự có đôi tay, cùng tương thủ

Chưa từng dễ dàng vũ tam đài”.

Kinh Kim Cang nói: “Phải nên hàng phục tâm như thế.”

Dụng công không nhất định phải ở trong yên tĩnh. Nơi động mà không bị động mới là công phu chân thật.

Năm đầu nhà Minh, ở Đàm Châu tỉnh Hồ Nam, có ông Hoàng Thiết Tượng, dùng nghề rèn làm sinh sống, nên người đương đời thường gọi là Hoàng Đả Thiết. Lúc ấy, Chu Nguyên Chương đang lật đổ nhà Nguyên nên rất cần nhiều binh khí. Hoàng Đả Thiết phụng mệnh triều đình, ngày đêm gấp rút rèn binh khí không ngừng nghỉ. Ngày nọ, một vị tăng đi ngang qua nhà, được ông ta cúng dường thức ăn. Ăn xong, vị tăng bảo:

  • Nay thọ nhận thức ăn bố thí, không có gì đền đáp nhưng sẽ tặng cho thí chủ một câu kệ.

Họ Hoàng liền thỉnh tăng thuyết pháp, Tăng hỏi:

  • Sao thí chủ không chịu tu hành?

Họ Hoàng thưa:

  • Tu tuy là việc tốt nhưng cả ngày bị bận rộn, làm sao tu hành cho được?

Tăng sĩ nói:

  • Có pháp môn niệm Phật, tuy bận rộn nhưng vẫn tu hành được. Khi đập một thanh sắt thí chủ nên niệm Phật một câu. Thổi một hơi cũng nên niệm Phật. Cứ niệm Nam Mô A Di Đà Phật trường kỳ như thế thì lúc lâm chung, chắc chắn sẽ được vãng sanh cõi Tây Phương Cực Lạc.

Ông Hoàng Đả Thiết y theo lời dạy của vị tăng đó, vừa đập một thanh sắt vừa niệm Phật. Cả ngày vỗ đập, thui rèn sắt thép và cả ngày niệm Phật, không còn thấy mệt nhọc, lại còn cảm giác khinh an tự tại. Công phu ngày ngày thâm sâu nên từ từ ngộ nhập, không niệm mà vẫn niệm. Khi sắp lâm chung, biết rõ giờ giấc, rồi từ tạ thân bằng quyến thuộc, tự bảo sẽ vãng sanh qua cõi Tây Phương. Thời điểm đến, sắp đặt giao phó công việc trong nhà, rồi tắm rửa, thay đổi y phục. Xong xuôi, ông tới ngồi bên lò rèn, đập vài thanh sắt rồi thuyết bài kệ:

“Đả đả đương đương

Luyện lâu thành thép

Thái bình kề cận

Tôi vãng Tây Phương.”

Thuyết bài kệ xong, ông liền qua đời. Đương thời, mùi hương lạ bay khắp nhà, nhạc trời vang trong không trung, xa gần đều nghe thấy, khiến ai ai cũng được cảm hóa.

Hôm nay, chúng ta bận rộn ngày đêm, không giờ giấc nghỉ ngơi. Nếu hành trì như ông Hoàng Đả Thiết, trong động mà vẫn nỗ lực tu hành, thì lo gì không cắt đứt sinh tử.

Xưa kia, lúc ở núi Kê Túc tỉnh Vân Nam, tôi có một đệ tử xuất gia tên là Cụ Hành. Nay kể chuyện của Thầy đó cho quý vị nghe:

“Thầy Cụ Hành lúc chưa xuất gia, thường hút thuốc uống rượu tham đắm sắc đẹp. Gia đình tám người, thường đến chùa Chúc Thánh làm công quả. Sau này, cả nhà đều xuất gia. Xuất gia xong, Thầy bỏ hết mọi tập khí xấu. Tuy không biết một chữ, Thầy vẫn cố gắng dụng công. Những bài kinh kệ công phu sáng chiều như phẩm Phổ Môn… trong vòng vài năm, Thầy đều học thuộc lòng. Cả ngày, Thầy trồng rau quả không nghỉ ngơi. Tối đến, lễ Phật tụng kinh không tham ngủ nghỉ. Trong tăng chúng được người mến thích hay bị ghen ghét, Thầy cũng chẳng màng đến. Thầy thường giúp tăng chúng may vá y áo. Lúc xỏ một mũi kim, Thầy niệm một câu “Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát”. Sau này, Thầy đi lễ bái bốn núi danh tiếng (núi Ngũ Đài, Nga Mi, Phổ Đà, Cửu Hoa) trong tám năm rồi trở lại Vân Nam. Khi ấy, tôi đang đảm nhiệm trọng trách trùng tu chùa Vân Môn. Trở về, Thầy cũng tu khổ hạnh. Những việc nặng nề khó nhọc, lớn nhỏ trong chùa, Thầy đều đảm đang gánh vác. Đại chúng đều quý mến Thầy. Lúc sắp lâm chung, Thầy mang tất cả y phục, đồ vật đi bán, rồi dùng số tiền đó, mua thức ăn cúng dường tăng chúng. Sau đó, cáo từ đại chúng, sắp đặt mọi việc gọn gàng. Vào tháng tư, thầy mang dầu, rơm rạ ra sau chùa Thắng Nhân, tức hạ viện chùa Vân Thê, để tự thiêu mà hóa. Khi có người phát giác thì thầy đã vãng sanh. Tuy nhiên, tấm y ca sa trên thân, tuy đã thành tro nhưng vẫn giống như bình thường mà không rơi xuống. Thân Thầy ngồi trong đống lửa, tay vẫn cầm cây khánh và cái mõ. Người đến xem, ai nấy đều cảm động đến rơi lệ. Ngày ngày Thầy bận rộn, nhưng chẳng quên tu hành, nên tự do tự tại qua lại trong sanh tử. Trong động và tĩnh đều dụng công tu hành, nên công phu mới dễ dàng đắc lực. Quý vị hãy suy gẫm hãy suy gẫm”.

Nam Mô A Di Đà Phật.


Recent Posts
Archive
Search By Tags
No tags yet.
Follow Us
  • Facebook Basic Square
  • Twitter Basic Square
  • Google+ Basic Square
bottom of page