top of page

Tuổi trẻ và sự tham thiền học đạo

ĐẠI SƯ HÁM SƠN KHAI THỊ ĐẠI CHÚNG

Gần đây có các người tuổi trẻ ở khắp nơi, thường tự bảo có chí tham thiền học đạo. Song lúc tương kiến đối đầu, tôi nhận thấy họ đều là những kẻ điên đảo. Họ gìn giữ vọng tưởng làm thệ nguyện, dùng sự làm biếng giãi đãi làm công phu khổ nhọc, dùng phô trương ngã mạn làm hạnh cao, dùng môi lưỡi giởn chơi làm cơ phong, dùng chấp ngu si làm sự hướng thượng, dùng việc phản bội Phật Tổ làm tự thị, dùng trí huệ ranh mãnh làm diệu ngộ. Thế nên, mỗi khi vào tùng lâm, thân nghiệp không thể nhập vào đại chúng, và miệng ý không thể hòa với mọi người. Buông lung tình ý, chẳng tu ba nghiệp, cho lễ bái tụng niệm là hạ liệt, cho hạnh môn chấp tác (công việc trong chùa) là thấp kém, cho Phật pháp là oan gia, cho văn lượm lặt làm tri kiến của mình. Tuy họ cũng có chút khả năng khởi công phu, nhưng lại đem tâm tầm cầu giác ngộ. Ngồi trên tấm bồ đoàn chưa vững, ngủ gật chưa tỉnh, mộng cũng chưa thấy chính mình, mà cống cao tự phụ, rồi viếng thăm chư thiện tri thức, thuyết huyền thuyết diệu, trình ngộ trình giải, và đưa câu cú chưa liễu ngộ, hàm hồ cầu ấn chứng.

Nếu có phúc duyên, gặp minh nhãn thiện tri thức được đập vỡ cái khuôn sáo sai lầm, thì đó là điều may mắn cho họ. Nếu không may mắn, chỉ gặp những kẻ với tay khua đàn, tu thiền mù, thường dùng ấn giả đóng dấu, rồi bị ném xuống hang hố ngoại đạo, khiến bị đọa lạc trăm ngàn muôn kiếp, không có cơ may ngoi đầu lên được. Chẳng đáng thương lắm sao! Những kẻ hậu bối ngu si này, tự làm mất chính nhân, vì gặp nạn tà độc. Nếu gặp được các Ngài Lâm Tế hay Ðức Sơn, chắc cũng không thể cứu giải mê chấp cho họ. Thật đáng thương thay! Bệnh trạng của thiền môn, tự viện, chùa chiền là tại chỗ này.

Xin hãy xem rõ, từ xưa cổ nhân quyết không phải như thế. Tổ Bách Trượng hầu Mã Tổ, thường ra đồng làm ruộng cùng hành công án để nghiệm công phu chân thật. Thế nên, tổ Bách Trượng mới để lại lời răn nhắc: "Một ngày không làm là một ngày không ăn."

Lại nữa, thầy Dương Kỳ làm tri sự cho ngài Từ Minh, hơn hai mươi năm hành môn chấp sự tháo vát, chịu trăm ngàn khổ cực, mà chưa từng nản lòng hay than phiền vì lao nhọc, nên đắc được tạng quang minh rộng lớn, soi sáng cổ kim.

Ngài Lại Dung lưng vác gạo, và tổ Hoàng Mai xay gạo; xem qua cổ nhân, không ai chẳng trải qua bao khổ nhọc mới đạt thành tựu. Làm thế nào mà những kẻ này, vừa vào chốn tùng lâm, liền muốn lấy việc tham thiền làm hướng thượng, chỉ vẽ tòa ngồi, cho là nơi thọ dụng, chứ không lay động tay áo, chẳng nhặt một cọng cỏ nhánh cây. Những người bạc phúc, tuyệt không có tâm xấu hổ. Dẫu có diệu ngộ, mà chỉ biến thành những điều trơ trẽn, nên không được trời người cúng dường. Huống là không chân thật dụng công tu hành, chỉ làm hư tiêu của tín thí, cam đọa trầm luân nơi địa ngục!

Nếu người vì sự sanh tử, phải quán xem đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, nơi ba ngàn đại thiên thế giới, không có một hạt cải vi trần nào mà chẳng phải là nơi xả bỏ đầu mắt tủy não để cầu Bồ Ðề. Phải phát tâm dũng mãnh như thế. Phải xả bỏ tận cùng tánh mạng. Bố thí bộ xương thối cho mười phương và cúng dường thân sắc cho đại chúng. Nơi tất cả hạnh môn, chuyên cần khổ nhọc tháo vát mà thực hành. Làm những việc khó làm, nhẫn những việc khó nhẫn. Trong những hoạt động hằng ngày, nơi cửa ngõ của sáu căn, nhìn xuyên và thấu suốt, thì đắc được pháp giải thoát. Cổ nhân bảo: "Thuận theo nhân duyên mà nhập vào, liền được tương ưng."

Dụng tâm như thế, trong ba mươi năm không thay đổi, nếu chưa ngộ đạo cũng quyết sẽ là người đầu đội trời chân đạp đất.

Quý vị! Lão nhân nay yết cáo với chư đồng tham học!

Nam Mô A Di Đà Phật.


Recent Posts
Archive
Search By Tags
No tags yet.
Follow Us
  • Facebook Basic Square
  • Twitter Basic Square
  • Google+ Basic Square
bottom of page