Niệm Phật ra tiếng, lớn nhỏ ra sao thì gọi là biết tùy duyên?
Q: Niệm Phật ra tiếng, lớn nhỏ ra sao thì gọi là biết tùy duyên?
A: Kính thỉnh đại chúng lắng nghe lời khai thị của Đại Sư Liên Trì.
Đại Sư dạy: Niệm Phật có mặc trì (niệm thầm), cao thanh trì (niệm lớn tiếng), kim cang trì (se sẽ động môi); nhưng niệm thầm (mặc trì) thì dễ hôn trầm, niệm lớn tiếng (cao thanh trì) thì mau phí sức, duy dùng pháp kim cang trì, se sẽ động môi lưỡi mà niệm, là có thể bền lâu; nhưng cũng không nên chấp chặt khư khư một cách, hoặc khi niệm theo lối kim cang trì, nếu thấy mệt thì đổi sang mặc trì, nếu hôn trầm thì đổi sang cao thanh trì để xua tan sự buồn ngủ mệt mỏi. Hành nhân tu niệm Phật cần phải biết tùy duyên mà ứng đối khéo diệu dụng.
Tâm ta hôn loạn đã lâu, không thể một lúc mà an định được cho nên người niệm Phật nếu tâm chưa thanh tịnh cũng đừng quá vội lo, chỉ cần khi niệm mỗi chữ mỗi câu đều do tâm phát ra, dụng công bền lâu, tự có hiệu quả.
Tạp niệm là bịnh, niệm Phật là thuốc, niệm Phật chính là để trị tạp niệm mà không thấy hiệu quả là do dụng công chưa được khẩn thiết, chân thật. Cho nên khi tạp niệm nổi lên, phải chuyên lòng gia công niệm Phật hơn nữa, mỗi chữ mỗi câu tinh thuần không xao lãng thì tạp niệm sẽ dứt.
Xin khuyên những người tương đối thanh nhàn, đã lớn tuổi, việc gia đình con cái đã yên ổn lo xong, nên thu xếp thời gian còn lại cho mình vì chẳng còn bao lâu nữa, mà đem hết tâm lực niệm Phật, mỗi ngày từ số ngàn đến muôn câu hiệu Phật, cầu xin quay về Tịnh Độ. Cũng xin khuyên những người còn vướng bận duyên đời nhiều ràng buộc, nhọc nhắn vì việc công, bôn ba đua chen vì gia sự, tuy ít khi rỗi rãnh nhưng mỗi buổi sớm mai cố gắng nhín ra một chút thì giờ niệm Phật chừng mười hơi, ngoài ra lúc nào rảnh, cần hết lòng hết dạ niệm xen vào trăm câu, xin sớm giải kết mối lo, gỡ thoát gông cùm ràng buộc, sống được thảnh thơi khang thái. Lành thay, lành thay!