Tại sao khi niệm Phật phải lấy cả thân, khẩu, ý làm chỗ dụng công?
Q: Tại sao khi niệm Phật phải lấy cả thân, khẩu, ý làm chỗ dụng công?
A: Tuy niệm Phật quý ở chỗ tâm niệm, nhưng chẳng thể bỏ miệng tụng vì ba thứ: thân, khẩu, ý hỗ trợ nhau. Nếu tâm có thể ức niệm, nhưng thân chẳng lễ kính, miệng chẳng trì tụng thì cũng khó được lợi ích. Vì thế, kinh Ðại Tập có dạy: "Ðại niệm thấy đại Phật, tiểu niệm thấy tiểu Phật”. Cổ đức bảo niệm Phật lớn tiếng thấy thân Phật lớn, niệm nhỏ tiếng thấy thân Phật nhỏ!
Phàm phu đầy dẫy triền phược tâm lắm hôn trầm, tán loạn, nếu chẳng nhờ vào sức lễ, tụng của thân, miệng mà muốn đắc Nhất Tâm thì không có cách nào được! Q: Tín-Nguyện và Nhất tâm, bên nào khiến được vãng sanh?
A: Pháp môn Niệm Phật chú trọng Tín, Nguyện. Có Tín, Nguyện thì dù chưa được Nhất Tâm vẫn được vãng sanh. Dù đắc Nhất Tâm, nhưng thiếu Tín, Nguyện thì cũng chẳng được vãng sanh!
Người đời hay chú trọng vào Nhất Tâm, chẳng đặt nặng Tín, Nguyện. Ðã bỏ mất điều trọng yếu, lúc sống lại chẳng đạt Nhất Tâm, sợ rằng bị trở ngại, chẳng được vãng sanh toàn là vì trái nghịch với điều kiện: tin chơn thành, nguyện thiết tha vậy. Do vậy, càng phải tăng thêm tín nguyện để đạt Nhất Tâm thì mới là suy nghĩ đúng lối.
Nếu vì chẳng đạt được Nhất Tâm nên thường cứ nghĩ mình chẳng thể vãng sanh thì sẽ thành ra ý nghĩ bại hoại. Chẳng thể chẳng biết điều này! Hỏi: Vãng sanh Tây phương chỉ cốt ở lời khai thị này, đó là lời dạy gì vậy?
Đáp: Niệm Phật cốt yếu là để thoát sanh tử, mà đã vì sanh tử thì nên tự sanh tâm nhàm chán nỗi khổ sanh tử, tự sanh tâm ưa thích sự vui nơi Tây Phương. Có như thế thì hai pháp Tín và Nguyện thường được trọn vẹn.
Lại thêm chí thành, khẩn thiết như con nhớ mẹ thì ba pháp: Phật lực, Pháp lực, tự tâm tín nguyện công đức lực hiển hiện trọn vẹn như mặt trời rực rỡ trên không, dù có sương dày, băng đóng tầng tầng thì cũng chẳng bao lâu sẽ biến mất ngay!