top of page

Nẻo bí yếu để niệm Phật

TỔ SƯ THIỆN ĐẠO - NẺO BÍ YẾU NIỆM PHẬT

Đại sư là tổ thứ hai trong Liên Tông. Ban sơ, nhân thấy Đạo tràng Tịnh nghiệp của Ngài Đạo Xước, Đại sư mừng rỡ nói rằng: “Đây mới là nẻo bí yếu để thành Phật”. Rồi từ đó, Ngài đến Kinh đô khuyên đại chúng tu Tịnh Độ. Hằng ngày, Ngài thường quỳ niệm Phật cho đến khi kiệt lực mới thôi. Đại sư giảng môn Tịnh độ hơn 30 năm, tu hành chuyên cần, chưa từng ngủ nghỉ. Tất cả tiền của tín chủ cúng dường được bao nhiêu, Ngài đều dùng tả kinh Di Đà hơn mười vạn quyển, vẽ thánh cảnh Tây Phương hơn ba trăm bức. Đại sư cảm hóa hàng đạo tục rất đông, trong ấy số người được tam muội sanh về Tịnh độ nhiều không xiết kể. Một hôm, Ngài leo lên cây liễu, hướng về Tây, chú nguyện xong gieo mình xuống rơi nhẹ như lá, ngồi kiết già mà thị tịch. Vua Cao Tông kính ngưỡng, cảm phục sự thần vị của Ngài, phong cho hiệu chùa là Quang Minh.


Tổ sư dạy: “Đấng đại Thánh xót thương, khuyên người chuyên xưng danh hiệu, bởi vì phép xưng danh rất dễ, nếu có thể giữ mỗi niệm nối nhau lấy suốt đời làm hạnh, thì mười người tu mười người vãng sanh, trăm người tu trăm người vãng sanh. Tại sao thế? Vì không có duyên tạp nên được chánh niệm, vì cùng với bản nguyện của Phật hợp nhau, vì không trái với kinh giáo, vì thuận theo lời Phật. Nếu bỏ chuyên niệm mà tạp tu thì trong trăm người may ra được một hai người, trong ngàn người hy vọng được ba bốn người vãng sanh mà thôi”.

Người niệm Phật khi lâm chung chớ nên sợ chết. Phải thường nghĩ rằng: thân này không trong sạch, chịu nhiều sự khổ, nếu được bỏ huyễn thân mà sanh về Tịnh độ, chính là điều đáng vui mừng!

Lúc đau yếu, chỉ nghĩ đến sự vô thường, một lòng niệm Phật chờ chết. Nhớ dặn người thân cận, khi có ai đến thăm nên khuyên vì mình mà niệm Phật, đừng nói chuyện tạp ở thế gian. Nếu bịnh nặng sắp chết, người xung quanh không được khóc lóc, phải đồng thanh niệm Phật đợi chừng nào bịnh nhân tắt hơi, trong mình lạnh hết rồi, lúc đó muốn khóc hay tổ chức tang lễ thì mới làm. Như được người hiểu rõ lý Tịnh độ thường đến khuyên lơn nhắc nhở cho, đó thật là điều đại hạnh. Dùng theo phương pháp trên đây quyết định sẽ vãng sanh.

Việc sống chết luân hồi rất lớn lao, phải tự mình gắng sức mới được, nếu một niệm sai lầm để luống qua, thì nhiều kiếp chịu khổ, có ai thay thế cho mình? Nên suy nghĩ kỹ!

Khi sắp đi ngủ, lễ Phật quán tưởng, rồi đọc bài văn phát nguyện rằng: “Con tên là… là phàm phu trong vòng sanh tử, tội chướng nặng sâu, luân hồi sáu nẻo, khổ không nói được! Nay gặp tri thức, được nghe thánh hiệu đức Phật A Di Đà, cùng với bản nguyện công đức của Phật, một lòng xưng niệm, cầu nguyện vãng sanh, nguyện Phật từ bi không bỏ, xót thương nhiếp thọ. Nay đệ tử con, chưa biết thân Phật tướng đẹp quang minh, xin Phật hiện ra cho con được thấy. Lại nữa, con chưa biết Quán Âm, Thế Chí, các chúng Bồ Tát, tướng mầu sáng rỡ và thế giới kia trong sạch trang nghiêm, xin khiến cho con thấy được tỏ tường.

Mấy điều trên đây, chỉ trọn lấy một pháp không tạp dụng. Và cần phải thực hành cho bền lâu thì công phu tịnh nghiệp tất không uổng phí.

Nam Mô A Di Đà Phật.



Recent Posts
Archive
Search By Tags
No tags yet.
Follow Us
  • Facebook Basic Square
  • Twitter Basic Square
  • Google+ Basic Square
bottom of page