top of page

TÍN - NGUYỆN - HẠNH

TỔ LIÊN TÔNG THỨ MƯỜI BA _ ĐẠI SƯ ẤN QUANG DẠY

TÍN - NGUYỆN - HẠNH

*******

Phàm tu Tịnh nghiệp, phải lấy quyết chí cầu sinh Tây Phương làm gốc. Pháp môn Tịnh Độ lấy ba pháp Tín - Nguyện - Hạnh làm tông. Nói đến Tín thì phải biết Sa Bà là khổ, khổ không nói nổi! Cực Lạc là vui, vui không thể ví. Cái khổ trong Sa Bà là sinh, lão, bệnh, tử, yêu thương phải chia lìa, chán ghét cứ phải gặp gỡ, cầu không được, Ngũ Ấm hừng hực.

Sự vui trong Cực Lạc nếu ước theo căn thân thì hoa sen hóa sinh, trường sinh bất tử, mang thân nam, trọn không có hình dáng nữ, chẳng nghe đến cái tên ác đạo, huống gì thật có! Ước theo khí thế giới thì vàng ròng làm đất, bảy báu làm ao, hàng cây kín trời, lầu gác trụ trên không. Nghĩ đến áo bèn có áo, nghĩ đến ăn được ăn, phàm những thứ gì mình thọ dụng không gì chẳng được như ý, nhưng những gì dùng đến đều là hóa hiện; không như cõi này phải do sức người tạo tác mới thành. Di Đà đạo sư tướng hảo, quang minh vô lượng vô biên, vừa thấy từ dung liền chứng Pháp Nhẫn. Huống hồ còn có Quán Âm, Thế Chí, Thanh Tịnh hải hội, mỗi vị đều phóng tịnh quang cùng tuyên diệu âm. Vì thế, tuy là phàm phu đầy dẫy phiền não, nghiệp lực đầy thân nhưng nếu như tín nguyện chân thành, khẩn thiết liền được Phật từ nhiếp thọ. Vừa vãng sinh, phiền não, ác nghiệp bèn bị tiêu diệt triệt để, công đức, trí tuệ rốt ráo hiện tiền. Tin được như thế thì gọi là chân tín. Muốn biết tường tận nên đọc kỹ kinh A Di Đà, kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng Thọ, những kinh này được gọi chung là Tịnh Độ Tam Kinh, chuyên giảng về duyên khởi, sự lý Tịnh Độ.

Kinh Đại Tập chép: “Đời Mạt Pháp ức ức người tu hành, hiếm có một kẻ đắc đạo, chỉ có niệm Phật mới thoát khỏi sinh tử”. Do vậy, biết một pháp Niệm Phật chính là đạo để thượng thánh hạ phàm cùng tu, là hạnh chung thực hành của mọi người dù ngu hay trí, hạ thủ dễ, thành công cao, dùng sức ít, hiệu quả nhanh chóng. Do chuyên cậy vào Phật lực, nên lợi ích thù thắng, là đạo pháp siêu việt đường lối thông thường. Người xưa nói: “Học đạo nơi các môn khác như con kiến bò lên núi cao, niệm Phật vãng sinh như căng buồm xuôi gió, thuận nước”. Có thể gọi là khéo hình dung nhất!

Đã sinh lòng tin rồi, ắt phải phát nguyện: Nguyện lìa Sa Bà như đang bị tù mong thoát khỏi lao ngục; nguyện sinh Cực Lạc như đứa con cùng quẫn mong về lại cố hương.

Nếu trước khi được sinh về Tịnh Độ, dẫu được trao ngôi vua trong cõi trời cõi người cũng nên coi đó là nhân duyên đọa lạc, trọn chẳng có một niệm mong mỏi, hâm mộ. Còn [những chuyện] như đời sau chuyển nữ thành nam, xuất gia từ tấm bé, nghe một hiểu ngàn, đắc Đại Tổng Trì, cũng nên coi như là đường tu đi vào ngõ rẽ, tâm trọn chẳng có một niệm mong mỏi. Chỉ muốn lúc lâm chung được Phật tiếp dẫn vãng sinh Tây Phương. Đã được vãng sinh liền liễu sinh thoát tử, siêu phàm nhập thánh, ở vào địa vị Bất Thoái, chứng Vô Sinh Nhẫn. Ngoảnh lại nhìn những chuyện làm vua trời người và xuất gia làm Tăng, không biết đến Tịnh Độ, tu các pháp môn khác, trải bao kiếp nhọc nhằn, không do đâu được giải thoát, như lửa đóm sánh cùng mặt trời rạng ngời, tổ kiến sánh cùng Thái Sơn, buồn bã khôn ngăn, thương xót khôn cầm! Vì thế người tu Tịnh Độ trọn chẳng thể cầu mong phúc lạc nhân thiên trong đời sau và xuất gia làm Tăng v.v…

Nếu tâm có mảy may mong cầu đời sau thì chính là không chân tín, nguyện thiết, bị cách ngăn với Phật Di Đà, chẳng thể cảm ứng đạo giao, chẳng được Phật tiếp dẫn, biến diệu hạnh thù thắng chẳng thể nghĩ bàn này thành cái nhân phúc báo hữu lậu nhân thiên. Hà huống lúc hưởng thụ ắt tạo ác nghiệp. Đã tạo ác nghiệp, khó tránh khỏi ác báo, như bỏ chất độc trong Đề Hồ có thể giết người. Chẳng khéo dụng tâm còn tệ hơn thế. Phải triệt để chém đứt những ý niệm ấy mới mong được lợi ích hoàn toàn nơi Tịnh Độ, toàn thân thọ dụng. Đã có chân tín, nguyện thiết, ắt phải chí tâm chấp trì sáu chữ thánh hiệu “nam mô A Di Đà Phật”, bất luận đi, đứng, ngồi, nằm, nói năng, im lặng, mặc áo, ăn cơm, và lúc đại tiểu tiện v.v… đều chẳng lìa sáu chữ hồng danh, ắt phải dốc toàn tâm là Phật, toàn Phật là tâm, tâm - Phật không hai; tâm - Phật như một. Nếu có thể niệm đâu chú tâm đó, niệm đến cùng cực, bao tình kiến mất hết, tâm không, Phật hiện, thì trong đời này tự có thể chứng được tam-muội. Đến lúc lâm chung, sinh vào Thượng Thượng Phẩm, có thể nói là đã tu trì đến cùng cực vậy.

Ngay trong sinh hoạt thường ngày, với tất cả những điều thiện nhỏ nhặt và các thiện căn như tụng kinh, lễ bái… đều đem những công đức ấy hồi hướng vãng sinh. Như thế thì hết thảy hạnh môn đều thành trợ hạnh cho Tịnh Độ, như gom vi trần thành đất, tụ các dòng nước thành biển, rộng lớn sâu thẳm, ai cùng tột được! Nhưng phải phát Bồ Đề tâm, thệ nguyện độ sinh, tất cả công đức tu trì hồi hướng cho khắp pháp giới chúng sinh bốn ân ba cõi. Giống như đổ dầu vào lửa, như mạ gặp mưa; đã kết pháp duyên sâu xa cùng hết thảy chúng sinh lại còn có thể mau thành tựu hạnh Đại Thừa thù thắng cho chính mình. Nếu không biết nghĩa này thì là kiến giải tự lợi của phàm phu Nhị Thừa, dẫu tu diệu hạnh này, nhưng chỉ cảm được quả hèn kém.

Tuy hết thảy thời, hết thảy lúc niệm Phật đều không trở ngại, nhưng phải thường nên kiêng dè; coi tượng Phật giống như Phật sống, coi kinh Phật, lời Tổ giống như Phật, Tổ đang hướng về mình thuyết pháp, chẳng dám ôm lòng hoài nghi tí nào. Dẫu hiếu tử đọc di chúc, trung thần vâng sắc chỉ cũng chẳng thể hơn được. Trong lúc bình thời niệm Phật, niệm ra tiếng hay niệm thầm tùy ý, còn lúc ngủ nghỉ hoặc đại tiểu tiện, tắm gội, rửa chân v.v…và đi qua chỗ hôi nhơ, chẳng sạch đều nên niệm thầm, chớ nên niệm ra tiếng. Niệm ra tiếng là không cung kính, niệm thầm công đức cũng thế.

Tôi thường nói muốn được lợi ích nơi Phật pháp phải hướng về cung kính mà cầu. Có một phần cung kính ắt tiêu một phần tội nghiệp, tăng một phần phúc tuệ. Có mười phần cung kính, tiêu được mười phần tội nghiệp, tăng được mười phần phúc tuệ. Nếu trọn chẳng cung kính thì dù có trồng nhân lành, nhưng cái tội khinh nhờn chẳng thể tưởng tượng được! Nay những kẻ tại gia đọc kinh Phật đều phạm phải những bệnh ấy. Vì thế, đối trước những kẻ hữu duyên phải thường ra rả nói. Niệm Phật cần phải nhiếp tâm, niệm từ tâm khởi, tiếng từ miệng phát ra, đều phải mỗi câu mỗi chữ phân minh, phân minh rành rẽ. Lại phải lắng tai nghe kỹ, từng câu từng chữ phân minh, nạp vào trong tâm. Nhĩ căn đã nhiếp thì các căn kia không cách chi rong ruổi bên ngoài, mới hòng mau đạt nhất tâm bất loạn.

Đại Thế Chí Bồ Tát nói: “Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, đắc tam-ma-địa ấy là bậc nhất” chính là chỉ về điều này vậy. Ngài Văn Thù nói: “Quay trở lại nghe nơi tự tánh, tánh thành vô thượng đạo” cũng nhằm chỉ điều này. Chớ bảo pháp Trì Danh là thiển cận rồi bỏ bê, tu theo những pháp Quán Tượng, Quán Tưởng, Thật Tướng. Phàm trong bốn cách niệm Phật chỉ có Trì Danh là khế cơ nhất. Trì đến nhất tâm bất loạn thì diệu lý Thật Tướng hiển lộ toàn thể, Tây Phương diệu cảnh triệt để phô bày trọn vẹn. Do trì danh chứng được Thật Tướng, chẳng cần quán tưởng vẫn thấy được Tây Phương. Một pháp Trì Danh chính là huyền môn để nhập đạo, là đường tắt để thành Phật. Người đời nay dạy lý quán pháp chẳng hiểu rõ. Nếu tu quán tưởng Thật Tướng rất có thể bị ma dựa, khéo quá hóa vụng, cầu thăng hóa đọa. Nên tu hạnh dễ hành, ắt tự cảm được quả chí diệu.

Trích trong bộ Ấn Quang Văn Sao , thư gởi nữ sĩ Từ Phúc Hiền

Recent Posts
Archive
Search By Tags
No tags yet.
Follow Us
  • Facebook Basic Square
  • Twitter Basic Square
  • Google+ Basic Square
bottom of page