Bài ký về việc nghênh đón chân thân Xá Lợi của Thích Ca Như Lai
Đại sư Ấn Quang khai thị: Trong trần điểm kiếp trước, đức Trung Thiên Điều Ngự Thích Ca Thế Tôn đã sớm thành Chánh Giác, dứt sạch ba đời, trụ trong Tịch Quang, thường hưởng Tứ Đức, vì xót thương chín giới bèn thị hiện thọ sanh, hiện ra tám tướng. Từ lúc mới ra đời cho đến khi nhập Niết Bàn, diễn giảng các pháp Thiên - Viên - Đốn - Tiệm, tạo lợi ích khiến cho chúng sanh gieo nhân, hay do thành thục mà bèn được giải thoát. Lục đạo tứ sanh, tam thừa ngũ tánh nghe viên âm liền ngộ đạo, thấy diệu tướng bèn minh tâm, dẫu dùng hết mọi vi trần trong cùng tận thế giới vẫn chẳng thể tính hết được số lượng. Nhưng củi căn cơ đã hết thì lửa ứng hiện cũng tắt, ẩn Tích quy chân, thị hiện diệt độ. Lại nhằm lợi ích cho đời vị lai, bi tâm vô tận, Phật bèn nát thân vàng trượng sáu do Định - Huệ sanh ra thành tám hộc xá-lợi Kim Cang bất hoại. Do vậy, chia đều cho tám nước, mỗi nơi đều dựng tháp báu khiến cho khắp các hàm thức đều được rộng gieo phước điền. Một trăm năm sau, nước Ma Kiệt Đề có vua A Dục cai trị toàn cõi Diêm Phù, oai đức tự tại, hết thảy quỷ thần đều thành bầy tôi, bèn đem xá-lợi được cất giữ bởi ông tổ là vua A Xà Thế, sai quỷ thần dùng bảy báu, các thứ hương làm thành bột, tạo thành tám vạn bốn ngàn tháp báu để cúng dường xá-lợi đặt khắp cả Nam châu (tức Nam Thiệm Bộ Châu). Phàm những nơi nào Phật pháp chưa truyền đến đều lập tháp ở dưới đất [nơi ấy], ở nước Đông Chấn Đán có mười chín chỗ. Khi đại giáo từ phương Tây truyền sang, [những tháp ấy] bèn lần lượt xuất hiện, tức là như Ngũ Đài Sơn, chùa A Dục Vương v.v… Kinh Niết Bàn dạy: “Nếu dùng lòng tin sâu xa cúng dường toàn thân xá-lợi của Như Lai hoặc cúng nửa thân, hoặc cúng một phần tư, hoặc một phần vạn, thậm chí [một phần] nhỏ bằng hạt cải thì phước đức của người ấy so với phước đức cúng dường Phật, không hai không khác!” Bởi lẽ xá-lợi Phật chính là sắc thân Phật, đều do thệ nguyện vô tác, do lòng từ bi đồng thể thị hiện ra. Do vậy, nhân thiên có được [xá-lợi] bèn buồn vui xen lẫn, cạn hết tâm lực cung kính cúng dường.
Khi Như Lai xuất thế, Phước tôi còn đang trầm luân, nay được làm thân người, pháp đã suy vi. Người xưa phải trải qua hiểm trở mà còn lắm người đến cầu chánh pháp; nay đường thủy đường bộ đều thông suốt, dám đâu chẳng đi lễ bái thánh tích, nên vào năm Quang Tự 30 (1904) bèn ngồi thuyền sang Tây viếng thăm Tiêm La (Thái Lan), rồi đến Diến Điện, sau cùng đến Tích Lan (Sri Lanka). Ba nước ấy Phật pháp rất hưng thịnh, Tăng chúng tuy đông nhưng chẳng nấu nướng lấy. Toàn quốc thờ Phật, dâng cơm cúng Tăng. Phàm gặp đúng ngày lễ bái, con buôn đều không họp chợ, cùng đến lễ tháp báu, cùng gieo nhân cho mai sau, hơi giống với quy củ thơm thảo thời đức Phật. Kế đến, viếng Trung Ấn Độ, Già Da, Vương Xá, Hằng Hà, Song Lâm, những nơi thánh tích nổi tiếng đều đến lễ cả. Tiếc cho đời xa, người mất, pháp suy, giáo kém, chẳng nghe được tiếng hàng ma chế phục ngoại đạo, chỉ thấy dấu vết cỏ lấp hoang tàn, tưởng nghĩ thuở trước thật là đau đớn! Trở về đô thành Tích Lan, gặp đúng dịp trùng tu bảo tháp, trong tháp chứa hơn một trăm viên xá-lợi, khẩn khoản xin vài hạt để tạo phước cho người phương Đông chúng ta. Họ nói: “Xá-lợi là phước điền của nước chúng tôi, tháp này do quốc vương dựng, dám đâu trái Phật phạm pháp, làm lợi cho người ngoài!” Do vậy, hằng ngày lễ tháp, cầu Phật thầm gia bị, đau lòng khóc lóc, buồn bã khôn cầm. Mười hai ngày như thế, cảm động tâm họ, bẩm lên quốc vương, vua chấp thuận ban cho mười hai viên.
Được toại tâm nguyện, thật cảm kích ơn Phật, liền trở về Trung Quốc để an trí cho thích hợp. Linh Thạch Am ở Phổ Đà chính là thánh đạo tràng Thiện Tài đến tham phỏng ngài Quán Âm, do vậy bèn lưu lại ba hạt. Giám viện Tịnh Minh bèn dựng phù-đồ (tháp) gỗ để cúng dường. Thỉnh chín hạt cúng dường cho ba chùa Bảo Quang, Long Hưng, Quảng Đức ở Tứ Xuyên. Theo Tây Vực Ký, nước Tăng Già La (Sinhala) chính là nước Sư Tử thời cổ ở trong đại hải, gần Nam Ấn Độ, nay chính là xứ Tích Lan vậy. Phía Đông Nam nước ấy có núi Lăng Già (Lankā), vách núi cao ngất, hang sâu thăm thẳm, chính là chỗ đức Như Lai nói kinh Lăng Già. Xưa kia, em ruột vua A Dục là Ma Hê Nhân Đà La (Mahendra) xuất gia chứng đạo, du hóa nước này, tạo dựng tháp miếu, hưng khởi Phật pháp lớn lao. Tháp này (tức tháp chứa xá-lợi ở Tích Lan) do chính Ngài sáng lập. Xá-lợi của Như Lai thần biến khôn cùng, tế độ u hiển, che chở trời người. Thấy, nghe, chiêm lễ đều gieo nhân phước thọ, cúng dường, cung kính đều cảm quả tôn quý. Mây mê hết sạch, bầu trời chân tánh rạng ngời; sương tội tan, vầng huệ nhật tỏ rõ. Tam giác viên mãn nơi sơ tâm, vạn đức trọn đủ trong đương niệm. Dùng nhân như thế ắt cảm được quả như thế, phàm những ai cùng hàng với tôi xin hãy xét cho lòng ngu thành này.
Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao,
Quyển thứ Tư
(Phần thứ nhất)
Comments