top of page
PHÁP NHŨ THÂM ÂN
  1. Mỗi người nên sống trong giới luật, kính nhường, hòa thuận, thông cảm cùng vui tu học hành đạo. Đừng phân biệt gây cảm tình riêng, bè phái, chia rẽ, hiềm thù, xích mích lẫn nhau để thối thất hạnh nguyện Bồ-đề, muôn kiếp khó gặp. Phải sống luôn trong tâm niệm thực hành: “Vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai, ngồi tòa Như Lai” để đền đáp thâm ân Tam Bảo.

  2. Phải lấy giới luật và nội quy làm thầy và giải quyết mọi việc hợp tình, hợp lý. Đừng ích kỷ, cố chấp. Nên tôn trọng khả năng lẫn nhau, và phát tâm dũng mãnh làm tròn bổn phận của mình.

  3. Luôn giữ tâm Bồ-đề vững mạnh, tín tâm làm việc, Tam Bảo sẽ chứng minh công đức.

  4. Tránh mọi ham muốn, ưa thích, ghét ghen, gièm pha, diệt trừ ác nghiệp, vọng trược thế nhân.

  5. Diệt trừ cống cao ngã mạn. Đừng tự đề cao mình là tài đức, khinh chê người hèn kém. Mọi việc dù nhỏ cũng phải lưu tâm tiến tu. Mỗi việc đều là gieo nhân tạo phúc, đừng cho là việc phước nhỏ không làm, không xứng đáng với địa vị của mình mà bỏ qua, không chịu hạ mình hòa đồng với người để tiến tu đạo nghiệp cho chính mình và trợ duyên cứu độ tha nhân.

  6. Nhận chân giá trị mọi việc hành xử, tác phong của mình. Tốt xấu, đúng sai chỉ là ý niệm sở thích của từng người.

  7. Vị nào hay gắng công học hỏi, ai dở hãy tìm cách giúp đỡ, xin đừng làm ngơ, xa lánh kẻ mê trong danh lợi háo thắng.

  8. Mong đại chúng dốc lòng tu trì, quán chiếu gìn giữ tâm niệm trong từng phút giây để khỏi bị các chướng duyên lôi kéo chúng ta lìa xa Chính pháp, đến nỗi không đủ sức xả bỏ những điên đảo, vô minh.

  9. Khó giữ tâm kiên chí cho bền chắc. Phải có chí hướng, quyết chí vươn lên cầu giải thoát, đánh đổi tất cả thân xác, đánh đổi tất cả ngã sở này, vận dụng tâm nguyện này, kiếm cái gì cao thượng để thành Phật, thành Bồ Tát. Thấy cái xấu thì mới vươn lên cái tốt, nhờ thấy thiên hạ cười mình thì mới thấy cái xấu của mình, đừng sợ người cười. Đó mới là tự soi gương. Nuôi chí hướng vươn lên và phát nguyện. Phát những nguyện gì mình làm được dần dần, mỗi ngày làm được, chứ đừng phát nguyện lớn quá, rồi không làm được, ví dụ phát nguyện chia xẻ niềm vui buồn cùng với mọi người, hay phát nguyện niệm Phật 10 lần khi mình vui hay buồn. Dần dần mình sẽ là con Phật, con Bồ Tát

  10. Chúng ta cố gắng cởi bỏ bớt những cái áo sân, si, ngã mạn, kiêu căng, cố gắng may những cái áo xả kỷ, vì tha nhân, học hạnh của tha nhân, thân cận với tha nhân. Nếu chúng ta không chịu mặc những áo đẹp vào, không chịu buông bỏ những áo xấu thì chúng ta không xứng đáng với lời phát nguyện ban đầu, tâm xuất gia của chúng ta.

  11. Chúng ta phải nhớ sinh tử là việc trọng đại, vô thường đến bất cứ lúc nào, phải tinh tấn tu hành và nhất tâm niệm Phật.

  12. Trong cuộc sống, nếu chúng ta luôn quán chiếu về những việc không như ý xảy ra cho chúng ta mỗi ngày, thì khi việc đến chúng ta sẽ dễ dàng ghi nhận mà không phiền não.

  13. Khi giúp người nên giúp cho đến nơi đến chốn. Không nên vì gian khó hay biên kiến cá nhân mà thối thất tâm tốt ban đầu.

  14. Mỗi ngày quý vị nên tự kiếm lại xem trong những việc đã làm tâm mình thanh tịnh được bao nhiêu phần.Từ đó phát nguyện cho mình đối cảnh sáng suốt làm lợi ích cho chúng sinh.

  15. Trong lời nói không nên có mệnh đề chỉ thị và nội dung lời nói không nên chứa độc như vậy thì trong chúng được an vui.

  16. Không nên chỉ thị, sai bảo người, nên dùng lời ôn hòa từ ái, kêu gọi mọi người phát tâm cùng làm việc.

  17. Thường quán chiếu về cuộc sống, sẽ có được phương tiện giúp mình và người vượt qua khổ đau, sợ hãi.

bottom of page