top of page

I. THÂN THẾ

Thế danh của Sư Bà cũng chính là Đạo Hiệu hiện tại. Song thân khó nuôi con, nên lúc hơn 2 tuổi hai Cụ đã đem vào chùa cúng cho Sư Cụ Đàm Soạn, Trú Trì Chùa Cự Đà và được Sư Cụ đặt tên là Đàm Lựu. Phụ thân của Sư Bà là Cụ Ông Đặng Văn Cán và Mẫu thân là Cụ Bà Nguyễn Thị Cả. Sư Bà sanh vào ngày 13 tháng 6 năm Quý Dậu, 4.811 Quốc lịch; nhằm ngày 04 tháng 08 năm 1933 Tây lịch; tại làng Tam Xá, xã Thanh Oai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông, Bắc Việt Nam.

II. XUẤT GIA, THỌ GIỚI và TU HỌC :

Năm 1948, Nghiệp Sư, tức Sư Cụ Đàm Soạn, nhận thấy Sư Bà là người tuy còn nhỏ tuổi, nhưng chí nguyện thì cao vời, tâm nguyện lại bao la nên được truyền thụ Sa Di Ni Giới tại Chùa Cự Đà, Hà Đông, thuộc sơn môn Tổ Trung Hậu và Đống Đồ. Năm ấy Người tròn 16 tuổi. Thụ giới Sa Di Ni thì 16 tuổi, nhưng thật sự đã được Nghiệp Sư chính thức cho thế phát xuất gia khi còn là “Bạch Xỉ”.

Tuổi thì vị thành niên, nhưng lòng ham tu, hiếu học; nhất là chí nguyện xuất trần, thì người thành niên cũng hiếm ai bì kịp; do vậy, Sư Cụ Nghiệp Sư đã không ngần ngại cho đi tham học hầu hết các Chùa trong sơn môn tại Miền Bắc như Cự Đà, Thanh Nhàn, Nhân Hòa, Từ Hàng, Đống Đồ, Trung Hậu, Vân Hồ, Đức Viên…..

Năm 1951, Đại Giới Đàn tổ chức tại Chùa Quán Sứ, Hà Nội; quy tụ hầu hết các bậc Cao Tăng trong hàng Giới Sư. Nhận thấy đây là một Đại Giới Đàn đặc biệt, thêm vào đó, sức học và chí tu của Sư Bà cũng đã vững chãi, nên Sư Cụ Nghiệp Sư đã hướng dẫn Sư Bà đi đảnh lễ Quý Tổ cầu xin Quý Ngài Yết Ma cho thêm tuổi để được thụ giới; vì lúc ấy Sư Bà mới hơn 19 tuổi. Nhờ vậy, Sư Bà đã được thụ Tỷ Khưu Ni Bồ Tát Giới tại Đại Giới Đàn trên. Trong hàng Giới Sư Tăng lúc bấy giờ có các Tổ như Pháp Chủ Mật Ứng, Thượng Thủ Tuệ Tạng, Pháp Chủ Đức Nhuận, Cao Tăng Tố Liên, Trí Hải…, bên Ni có chư Hòa Thượng Ni như Sư Cụ Đàm Soạn, Sư Cụ Trịnh Xá, Sư Cụ La Hán…. Sau khi đắc giới được Sư Cụ Nghiệp Sư cho hầu cận làm Thị giả.

Đầu năm 1952,  Sư Cụ Nghiệp Sư được Chư Tôn Đức Tăng, Ni thỉnh cử vào Nam nhận lãnh ngôi vị Trú Trì Chùa Dược Sư tại Gò Vấp, Sư Bà được theo hầu cận. Tiếp nhận xong Chùa, Sư Cụ đi thỉnh ý Chư Tôn Đức Tăng Ni tại địa phương để được mở Ni Trường, đào tạo Ni tài. Thế là Chùa Dược Sư được biến thành Ni Trường Dược Sư. Sư Bà trở thành một trong những Ni sinh ưu tú đầu tiên của Ni Trường nầy. Tại đây, hai chương trình Nội Điển và Ngoại Điển được chú trọng song song, nên :

Năm 1960, Sư Bà thi đỗ Tú Tài.

Năm 1961, sau 9 năm tu học tại Ni Trường Dược Sư mãn khóa, Sư Bà về lưu trú tại Chùa Phước Hòa, Sàigòn.

Năm 1964, được Sư Bà Đàm Hướng giới thiệu đi du học ở Tây Đức, ngành Xã Hội Học. Thời gian lưu học tại đây, Sư Bà vừa học vừa hướng dẫn tinh thần cho Sinh viên Việt Nam du học.

Năm 1969, tốt nghiệp ngành Xã Hội Học, Sư Bà về nước nhận lãnh Phật sự thuộc sở học, sở tu của mình.

III. TU TẬP và HÀNH ĐẠO :

            Năm 1970, Sư Bà được Chư Tôn Đức Tăng Ni tín nhiệm giao phó Phật sự trong chức vụ Giám Đốc Cô Nhi Viện Lâm Tỳ Ni tại Sàigòn.

            Năm 1977, Sư Bà tìm đường vượt biên tại Vũng Tàu; đến đảo Kuchin-Malaya, hoạt động Phật sự tại đây gần 2 năm.

            Năm 1979, Sư Bà được Hòa Thượng Thanh Cát tọa chủ Chùa Giác Minh, Palo Alto bảo lãnh sang Hoa Kỳ.

            Năm 1980, Hòa Thượng đề cử Sư Bà về vùng San Jose để hành đạo và sáng lập Chùa Đức Viên.

            Khởi đầu cho Chùa Đức Viên, Sư Bà thuê một ngôi nhà nhỏ hẹp, tọa lạc tại số 2003, Evelyn Ave., San Jose, CA 95122. Chùa tuy nhỏ hẹp, nhưng tấm lòng của người hướng dẫn tinh thần lại bao la; do vậy, những Phật sự khiêm tốn, nhưng vô cùng quan yếu sau đây được khởi sự :

  • Tu Bát Quan Trai, tụng kinh, thuyết giảng, đáp ứng mọi nhu cầu Tôn Giáo cho quần chúng Phật tử ly hương;

  • Mở lớp dạy Việt Ngữ đầu tiên tại vùng San Jose;

  • Sinh hoạt thanh thiếu niên, thành lập Gia Đình Phật Tử mang tên Đức Viên, quy tụ trên 200 em;

  • In kinh, sang băng giảng để cúng dường quý Chùa, tặng các Thư viện, ấn tống cho Phật Tử, gửi tặng các trại tỵ nạn Đông Nam Á.

Vì nhu cầu tu học, quần chúng Phật tử và đồng hương quy tụ quá đông, ngôi Chùa cũ đã không đủ nơi dung chứa để đáp ứng nhu cầu Phật sự nên :

Năm 1984, Sư Bà phát động Phật sự kiến lập Chùa chính thức. Khởi đầu cho công tác Phật sự khá quy mô này, Sư Bà nghĩ ra một cách mà mọi người giàu nghèo đều có thể đóng góp công sức, tài vật để gieo trồng căn lành với Tam Bảo, đó là thu góp đồ phế thải : lon nhôm, ve chai, giấy báo, thùng cát-tông…bán để gây quỹ xây chùa. Kẻ góp công sức, người giúp tài vật; kết quả :

Năm 1985, mua được khu đất tương đối rộng và một ngôi nhà cũ để thỉnh Phật về an vị nơi đây tiếp tục sự nghiệp tu tập, hoằng truyền Chánh Pháp.

Năm 1986, nhân duyên Phật Pháp đưa đến, Sư Bà được sự ủng hộ và khuyến khích từ Chư Tôn Đức Tăng, Ni đến thập phương thiện tín, nên đã mua tiếp lô đất kế cận với tâm nguyện không những hoằng truyền Chánh Pháp, mà còn mang văn hóa Dân tộc - được gói ghém qua hình ảnh ngôi chùa - vào đất lạ. Diện tích chung cho cả hai lô đất này là 94,000 bộ vuông; đủ rộng để xây một ngôi chùa mang tính biểu trưng cho một nền Văn Hóa cổ truyền Dân tộc gần 5,000 năm.

Năm 1991, ngôi Đại Tự Đức Viên chính thức đặt viên đá đầu tiên để khởi sự một công trình kiến thiết đúng với tầm cỡ hầu đáp ứng nhu cầu tu học của Ni Chúng và quần chúng Phật tử.

Năm 1995, ngôi Đại Điện được giấy phép chính thức sinh hoạt. Đáp ứng khả dĩ một số những nhu cầu Phật sự quan trọng. Tuy vậy, đây cũng chỉ mới đạt được phân nửa tâm nguyện kiến thiết của Sư Bà. Nửa phần còn lại là Ni Xá, nhà bếp và nhà ăn cho đại chúng chưa được thực hiện thì Sư Bà đã được “bổ xứ Phật sự nơi khác”!!!

Từ ngày ngôi Đại Điện Đức Viên chính thức sinh hoạt đến nay, các Phật sự sau đây được mở rộng :

  1. Về phần thuyết giảng :

Đúng với hạnh nguyện, Pháp môn vô lượng, thệ nguyện học; Sư Bà đã cung thỉnh Chư Tôn Đức thuộc nhiều truyền thống Phật Giáo : Việt Nam, Tích Lan, Thái Lan, Miến Điện, Đại Hàn, Nhật Bản, Lào, Mỹ…về thuyết giảng. Riêng truyền thống Phật Giáo Việt Nam đã có các bậc Cao Tăng và Pháp Sư sau đây đến thuyết giảng : Hòa Thượng Tâm Châu (Canada); Hòa Thượng Thanh Cát, Hòa Thượng Mãn Giác, Hòa Thượng Hộ Giác, Hòa Thượng Giác Nhiên, Hòa Thượng Thanh Đạm (Hoa Kỳ); Thiền Sư Nhất Hạnh (Pháp); Hòa Thượng Tịnh Hạnh (Đài loan); Thiền Sư Thanh Từ (Việt Nam); Thượng Tọa Như Điển (Tây Đức); Hòa Thượng Minh Tâm, Thượng Tọa Thiện Huệ, Thượng Tọa Nhất Chân (Pháp); Hòa Thượng Như Huệ (Úc); Thượng Tọa Trí Minh (Na Uy); Thầy Huyền Diệu (Ấn Độ). Ngoài ra, Sư Bà còn y luật Phật chế cung đón tất cả chư vị Cao Tăng, Cao Ni thăm viếng Mỹ quốc có dịp ghé qua thiểm tự Đức Viên để Ni Chúng được đảnh lễ hầu tăng trưởng đạo phong, đạo lực.

2. Chiêm bái Phật Tích, Thánh Tích và Danh Lam Cổ Tự :

Nhằm phát huy niềm tin, thâm tín Tam Bảo, nỗ lực tu tập và tích cực Phật sự, Sư Bà đã tổ chức nhiều chuyến hành hương chiêm bái Phật Tích tại Ấn Độ; các chuyến hành hương chiêm bái Thánh Tích và thăm viếng danh lam cổ tự tại các quốc gia Phật Giáo vùng Đông Nam Á như Trung Quốc, Thái Lan, Miến Điện….

3. Truyền bá giáo lý :

Trong hạnh nguyện Hiển Chánh, phá tà, Sư Bà không những tiếp tục cho in ấn kinh sách và băng giảng để phổ biến trong quảng đại quần chúng, mà còn hỗ trợ các đài phát thanh Việt Ngữ có chương trình phát thanh Giáo lý Phật Đà.

4. Đào Tạo Ni Chúng và Giúp Đỡ Hậu Học :

Trong hạnh nguyện tiếp dẫn hậu lai, báo Phật Ân Đức, Sư Bà đã giáo dưỡng Ni Chúng hữu duyên về xuất gia tu học tại Đạo Tràng Đức Viên   nghiêm túc; gửi Ni Chúng đi tham học tại các trung tâm tu học tại các quốc gia; cho Ni  Chúng theo học kiến thức phổ thông tại các trường Đại học Mỹ; ngoài ra, Sư Bà còn yểm trợ tài chánh cho các Tăng, Ni Sinh du học tại các trường Đại học ở Ấn Độ, Đài Loan, Hoa Kỳ cũng như bảo trợ các Trường Phật Học tại quê nhà như Bà Đá, Quán Sứ (Hà Nội), Vạn Hạnh, Vĩnh Nghiêm (Sàigòn), và các tỉnh thuộc miền Trung, Nam như Huế, Quảng Nam, Thủ Đức, Trà Vinh…

 5. Bảo Tồn Di Tích và Phát Huy cơ sở :

Bảo tồn di tích, phát huy cơ sở Phật Giáo là một trong những Phật sự mà Người hằng quan tâm; do vậy, Sư Bà đã tích cực yểm trợ các chương trình trùng tu các Cổ Tự và danh lam tại Việt Nam; hưởng ứng các chương trình xây cất Tu Viện tại Việt Nam, Trung Hoa, Ấn Độ…

6. Bảo Tồn Văn Hóa và Thể Hiện Lòng Từ :

Để bảo tồn Văn Hóa, thể hiện qua danh ngôn : “Tiếng Ta còn, Nước Ta còn”, Sư Bà đã mở Trường Việt Ngữ Đức Viên để cho con em trau dồi Việt Ngữ. Thể hiện lòng từ bằng cách khuyến khích Phật tử và đồng hương giúp đỡ đồng bào tại các trại tỵ nạn, và gần đây nhất là tích cực trong việc yểm trợ đồng bào bị thiên tai tại Việt Nam cũng như  vùng Nam Mỹ; thăm viếng tù nhân, giúp đỡ các trại cùi và các trung tâm trẻ em tật nguyền…

IV. NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG :

Hữu thân hữu bệnh, hữu sanh hữu tử đó là di huấn nằm lòng trong Kinh Phật. Sư Bà bị ít nhất là 3 chứng bệnh nan y đã được Bác sĩ dự báo trong hơn ba năm qua : tiểu đường, ung thư và bệnh đông máu.  Nhưng, tâm nguyện hoằng truyền Chánh Pháp và ý lực phục vụ chúng sanh là cúng dường Chư Phật đã khiến Sư Bà quên đi mình đang là bệnh nhân cần được chữa trị; do vậy, đến khi căn bệnh phát sanh tới hồi nguy kịch, thì Bác sĩ đành bó tay!!!

Điều cần ghi nhận nơi đây là, mặc dù Phật sự đa đoan, nhất là những tháng gần đây khi cơn bệnh được Bác sĩ thông báo là không trị được, nhưng Sư Bà vẫn thản nhiên trong việc hành trì Pháp Môn không lúc nào xao lãng. Pháp Môn hành trì của Sư Bà là Trì Chú và Niệm Phật cầu vãng sanh Tây Phương Cực Lạc.

            Sư Bà chính thức xả bỏ báo thân, thâu thần nhập diệt, liên hoa hóa sanh vào lúc 21 giờ 27 phút, ngày 09 tháng 02 năm Kỷ Mão; nhằm ngày 26 tháng 03 năm 1999. Thọ thế 67 năm; 48 hạ lạp.

            Lễ nhập quan nhục thân vào lúc 15 giờ, ngày 11 tháng 02 năm Kỷ Mão; nhằm ngày Chủ Nhật, 28 tháng 03 năm 1999.

Lễ Di Quan Trà Tỳ vào lúc 09 giờ 30 ngày 17 tháng 02 năm Kỷ Mão; nhằm ngày Thứ Bảy, 03 tháng 04 năm 1999.

 

NAM MÔ ĐỨC VIÊN NI TỰ ĐƯỜNG THƯỢNG,

LIÊN HOA HÓA SANH, MA HA TỶ KHƯU NI BỒ TÁT GIỚI

ĐÀM LỰU GIÁC LINH TÁC ĐẠI CHỨNG MINH.

 

Kính bạch Giác Linh Sư Bà,

Chúng con biết ghi lại một vài dòng thô thiển về cuộc đời tu học và hành đạo của Sư Bà là điều trái với tâm nguyện của Sư Bà; vì Sư Bà thường dạy chúng con : Người tu là tập làm con nhạn bay giữa hư không, không lưu lại bất cứ vết tích nào; hay như con hạc rời khỏi ao hoang, không hề lưu luyến. Nhưng kể từ đây Pháp Âm của Sư Bà không còn trực tiếp rót vào tai chúng con nữa; hình ảnh thân giáo của Sư Bà chúng con không còn diễm phúc nhìn tận mắt; thì, những dòng tiểu sử đơn sơ này sẽ giúp nhắc nhở chúng con noi theo hạnh nghiệp của Sư Bà trên đường tu học của chúng con. Biết thương yêu nhau như ruột thịt; biết nhìn, biết hiểu và tha thứ cho nhau những lỗi lầm, nếu có; biết quây quần, gắn bó bên nhau để sách tấn tu tập; biết chia xẻ với nhau những khó khăn; và nguyện với nhau rằng dù có gặp nghịch cảnh nào đi nữa, thì vẫn cố tập theo hạnh từ bi, hỷ xảvà nhẫn nhục của Sư Bà để xứng đáng là kẻ “thừa tự Pháp của Sư Bà và nguyện không làm người chỉ biết thừa tự tài vật của Sư Bà”.

Xin Sư Bà đại xá cho chúng con những điều khiếm khuyết.

 

NAM MÔ TIẾP DẪN ĐẠO SƯ A DI ĐÀ PHẬT

Môn Đồ Pháp Quyến Hiệp Thập, Khể Thủ Kính Ghi

Site

TIỂU SỬ

SƯ BÀ ĐÀM LỰU

CỐ VIỆN CHỦ ĐỨC VIÊN NI TỰ

TẠI SAN JOSE, CALIFORNIA, HOA KỲ

Title

bottom of page