top of page

Nhật Ký Thị Giả

Những Tháng ngày cuối bên giường bệnh của Thầy

·Tháng 9/1998

Mấy hôm rồi Thầy sinh hoạt rất thất thường, giờ thụ trai Thầy chỉ dùng đôi chút, duy chỉ có khóa lễ là giữ đều đặn. Đại chúng thỉnh ý Thầy, Thầy bảo không có chi, đừng bận tâm. Thầy vốn không thích than vãn chi cả về bệnh tình của Thầy, cho nên chúng tôi cũng chỉ lặng yên theo Thầy lên hành lễ thôi.

Chiều nay, Thầy không ra dự thời tụng kinh Bảo Tích lúc 3 giờ chiều, chúng tôi bỗng thấy lo trong lòng, nhưng không ai dám vào phòng thưa thỉnh chi cả. Sư già Nghiêm đi học về, lấy cớ là vào vái chào Thầy, mới biết là Thầy vẫn còn nằm yên trên giường. Sư già đến thật gần thưa Thầy, lúc đó Thầy chỉ bảo là Thầy mệt. Vẫn vậy, Thầy chẳng muốn giải thích thêm, và chúng tôi chỉ biết âm thầm bên Thầy để Thầy được tĩnh tâm.

·Ngày 30/9/1998

Bất từ bì quyện nơi thân, Thầy vẫn liên tục dạy Luật mỗi ngày cho chúng. Chiều nay là lớp Luật Tỳ-kheo-ni. Thầy dạy gọi sư bác Viên Diệu (thư ký của Chùa) vào, và đổi lớp học thành phiên họp “Bất thường”. Thầy dạy rằng vô thường có thể đến với bất kỳ ai và bất cứ lúc nào, Thầy muốn chúng tôi tập điều hành công việc của Chùa. Linh cảm có chuyện không hay, rồi nước mắt lặng lẽ rơi, chúng tôi ngồi yên và thật yên để nghe Thầy dạy những việc cần làm khi vắng Thầy nơi đây, Thầy chỉ định và chúng tôi tán thành Ban Điều Hành mới của Chùa.

Chúng tôi như cơ hồ cảm nhận được vài cụm mây đen đã đâu đó hội tụ nơi chân trời vốn xanh vốn trong này, chỉ chẳng biết khi nào chúng kéo đến nơi đây. Nhưng chúng tôi tin và vẫn không tin. … Chúng tôi tin vào ‘Pháp Phật sở hô niệm’ cho Thầy; chúng tôi tin vào sự gia trì của chư Bồ Tát, chư thiện Thần, chư Hộ Pháp; chúng tôi tin vào sức chú nguyện của chư Tôn Túc và sự nguyện cầu của chúng tôi, … và chúng tôi chẳng bao giờ dám tin rằng rồi Thầy sẽ bỏ chúng tôi mà đi sớm như vậy.

Ngày 17/11/1998

Hôm nay Thầy về từ bệnh viện, không như lệ thường, khi Thầy về chúng tôi lại túa ra đón, rồi đi qua đi lại nơi Thầy ngồi mà không dám hỏi một lời. Biết chúng tôi lo, Thầy vào thay áo rồi lên Chính Điện tụng Kinh, tụng Giới kéo dài gần năm giờ đồng hồ. Chúng tôi thì thầm với nhau: "Thầy mình super quá!" Và chúng tôi dại khờ tin rằng Thầy "hết bệnh rồi!" Rồi lại y áo theo Thầy dự không dám bỏ một khóa lễ nào.

Ngày 24/1/1999

Hôm nay vía Phật Thành Đạo. Từ ngày Thầy bệnh nặng đến giờ, chúng tôi dường như chểnh mảng rất nhiều trong công việc chùa. Chúng tôi chỉ lên tụng Kinh và làm lễ thường thôi, không thỉnh Sư thuyết pháp, và cũng không nấu bún và chiên chả giò cho Phật tử dùng như những lần lễ lớn. Đến trưa, Thầy biết được việc này, Thầy giận lắm và kêu hết chúng tôi vào phòng quở rằng: "Hôm nay mà các con cho là lễ thường thôi à? Nếu ngày này thuở xưa mà Đức Từ Phụ không thành Đạo thì làm gì có Đạo Phật cho chúng ta tu theo. Một ngày trọng đại như vậy mà các con cũng không khởi tâm bố thí giảng pháp và nấu thức ăn cho người đến Chùa lễ Phật ư? Thầy không muốn các con thị giả cho thầy nữa. Các con để tâm lo việc Chùa đi. Thật thầy không biết nói sao bây giờ, ngày trọng đại này mà các con có thể quên được." Thầy buồn lắm, chúng tôi sám hối Thầy và phát nguyện rằng đời này hay kiếp khác chúng tôi sẽ nguyện không bao giờ dám quên ngày Đại Lễ này.

Ngày 15-16/2/1999

Tết Kỷ Mão lại về. Mấy ngày hôm nay có rất nhiều khách thập phương đến lễ, nên rất ồn ào. Thêm vào đó, căn phòng của Thầy lại quá cũ kỹ, cửa và cửa sổ đều đơn sơ nên không kín. Vì vậy tất cả âm thanh dẫu thô dẫu tế đều vọng vào phòng. Theo lời dạy của Thượng Tọa Viện Trưởng Tu Viện Kim Sơn, chúng tôi xin Thầy cho phép thuê nhà ngoài để Thầy ở tạm một tuần, vừa thay đổi không khí, vừa tránh được sự ồn náo trong những ngày này. Nhưng Thầy không chấp thuận, Thầy dạy không nên phí tiền Tam Bảo cho riêng cá nhân Thầy. Chúng tôi cứ dai dẳng năn nỉ Thầy, cuối cùng Thầy quở: "Con mê vào ý đó như người đời mê ngũ dục vậy!" Chẳng những vậy, những ngày đó Thầy chỉ cho một thị giả vào phòng, nếu vào thêm là bị Thầy rầy. Chỉ có mỗi tối, khi Phật tử thưa dần, chúng tôi lại kéo hết vào phòng Thầy, kể Thầy nghe những chuyện xảy ra trong ngày, Thầy hoan hỷ nghe, rồi nhắc chúng tôi giữ gìn sức khỏe.

Ngày 13/3/1999

Hôm nay chùa tổ chức lễ Khánh thọ cho quý Cụ. Chúng tôi xin Thầy lên với quý Cụ, và có lẽ lên cho chúng tôi một chút nữa. Thầy hứa khả và chúng tôi lại đẩy xe đưa Thầy lên Chính Điện. Vì sợ Thầy lạnh nên thị giả chỉ đắp mền ngoài áo hậu. Đến khi xe đẩy vào trong Đại Điện rồi Thầy mới để ý thấy chiếc mền mỏng, mà không phải là y. Thầy quay sang chúng tôi nghiêm giọng: "Thầy là người tu mà các con đắp mền lên người thầy, thật là hết biết!" Chúng tôi sám hối Thầy, Thầy không được vui và dạy chúng tôi rằng một người tu thì chỉ được đắp những chiếc y mình thọ khi hành lễ mà thôi, cho dù bất kỳ nạn sự gì xảy ra.

Buổi lễ thật xúc động, ai ai cũng rơi nước mắt. Thầy từ bi dạy chúng lần cuối: “Chúng ta đừng có lấy cái tâm thương, ghét, hiềm thù, giận hờn, ganh tỵ để mà đối xử với nhau, hay là cố chấp để mà không đợi trời chung với nhau, đó là những cái tâm rất xấu xa. Quý vị nên hằng ngày bài trừ những cái tâm đó. Mong quý vị cố gắng bài trừ những cái tâm thương tiếc, ganh ghét, thù hằn và đối lập với nhau. Không có những cái tâm hiềm thù như vậy thì chúng ta mới sống an lành được, thì thế giới này mới hòa bình được, gia đình chúng ta mới hạnh phúc được. .…………...”

Mấy hôm nay Thầy thật sự không ăn uống chi được cả, hễ uống một tí nước thôi là Thầy lại bị sặc. Chúng tôi đành đem tất cả nước uống của Thầy để đông đá để Thầy ngậm đỡ lòng. Lâu lâu chúng tôi lại thoa lên môi hay để vào miệng Thầy một vài giọt sữa, chỉ mong Thầy không bị khô trong người.

Liều thuốc giảm đau bắt đầu tăng dần. Có lẽ vì vậy mà cơn buồn ngủ cứ kéo đến với Thầy hoài. Thầy không chấp nhận nỗi sự việc này nên cứ muốn ngồi dậy hoài. Kể cả ban đêm Thầy cũng không chịu ngủ, cứ nằm yên khoảng 5-10 phút, đôi bờ mi bắt đầu nặng thì Thầy lại bảo cho Thầy dậy. Vì sợ Thầy mệt nên chúng tôi đôi lúc khẩn khoản xin Thầy ngủ một tí, Thầy luôn khăng khăng: "Thầy nhất định dậy!" Có lúc Thầy ngủ quên đi, khi thuốc tan rồi, Thầy dậy và bảo chúng tôi: "Con đánh nó một cái cho nó tỉnh đi, nó ngủ hoài hà!" Rồi có lúc lại dạy: "Thôi các con đừng hầu thầy nữa, đi lên Chính Điện lễ Phật cho thầy tỉnh ngủ đi." Chúng tôi thưa rằng Thầy không ngủ được nhiều mấy hôm nay, nhưng Thầy vẫn luôn cho rằng Thầy ngủ nhiều quá. Điệp khúc: "Dậy, dậy, cho Thầy dậy" bổng trở thành thân thương lắm đối với chúng tôi trong nửa tháng nay. Có lần, đang đêm Thầy muốn dậy hoài, chúng tôi thưa:

-- Bạch Thầy, bây giờ là ban đêm Thầy dậy làm gì ạ?

" Cho Thầy dậy để Thầy làm bổn phận của người tu."

-- Bạch Thầy, người tu thì phải làm gì ạ?

"Là phải giữ chữ tín"

"Là phải dậy trước trời sáng"

Bằng những câu thật ngắn, thật đứt đoạn, Thầy luôn nhắc chúng tôi phải niệm Phật. Thầy dạy: “Các con phải dõng mãnh, tinh tiến niệm Phật khi còn khỏe. Trừ hao đến lúc bệnh, thân tâm bì quyện, niệm Phật rất khó định tâm. Mê thì nhiều mà ngộ thì ít.” Sợ Thầy bị phân tâm, Sư già Phước thưa: “Bạch Thầy, mê hay ngộ con thỉnh Thầy cứ tiếp tục niệm Phật.” Thầy khẻ nhẹ vào Sư già và bảo: "Không phải dễ như chị nghĩ đâu chị hai, chín cảnh mê mới có một cảnh ngộ thôi." Với Thầy, việc hành trì phải nghiêm mật lắm thì mới được. Đôi khi, chúng tôi phải tìm mọi cách để năn nỉ lắm thì Thầy mới nằm yên dăm mười phút. Thông thường, cách hữu hiệu nhất vẫn là: "Thôi để chúng con đi ngủ hết cho Thầy ngủ nha. Rồi, 1, 2, 3, chúng con ngủ hết rồi" (Thầy sẽ nói: "Ừ, các con đi ngủ đi cho thầy ngủ, nhắm mắt lại ngủ hết đi"); hoặc: "Bạch Thầy, Thầy nằm nghỉ thêm một chút thôi nha, chút nữa thì chúng con sẽ thức Thầy dậy;" hay là "chúng con đang thức hết rồi nè, để chúng con đọc sách / tụng Kinh / niệm Phật cho Thầy nghe nha, Thầy nằm yên nghe chúng con đọc nha." Khi chúng tôi bắt đầu đọc hay tụng, Thầy yên lặng lắng nghe, rồi thiêm thiếp đi vào giấc ngủ ngắn. Có lần, trong lúc chúng tôi niệm Phật thì Thầy bảo dừng lại "để Thầy làm." Chúng tôi không hiểu ý nên lại thỉnh Thầy nghỉ ngơi. Thầy vẫn ra dấu bảo chúng tôi ngừng. Khi chúng tôi im lặng thì Thầy lại bắt đầu "Nam Mô....A Di....Đà Phật." Được đôi câu thì Thầy lại mệt quá và bảo chúng tôi tiếp tục "làm" đi. Từ đó chúng tôi mới hiểu được chữ "làm" của Thầy nghĩa là "niệm Phật". Phương pháp tu của Thầy đơn giản lắm và chỉ có vậy, chỉ cần niệm Phật không gián đoạn, không phải chỉ nơi ý, mà còn phải nơi thân, miệng nữa!

Recent Posts
Archive
Search By Tags
No tags yet.
Follow Us
  • Facebook Basic Square
  • Twitter Basic Square
  • Google+ Basic Square
bottom of page