top of page

Qua Chùa Đức Viên nhớ Ni Sư ĐÀm Lựu

Qua chùa Đức Viên nhớ Ni Sư Đàm Lựu

(Trích báo SAIGON USA)

Vào khoảng mùa Xuân năm 1956, tôi được theo mẹ tôi đi viếng ngôi chùa trên núi Bà Đen, thuộc tỉnh Tây Ninh. Ngôi chùa nằm trên một triền núi, và hẳn là cao lắm, vì chúng tôi phải nghỉ chân rất nhiều lần. Mỗi khi phải leo lên một đoạn núi khá dốc, mẹ tôi cùng các bà trong đoàn thường niệm câu kinh sau đây: "Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Nam Mô Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát!"

Tôi thuộc nằm lòng câu kinh này từ đó, và nhẩm đọc không biết bao nhiêu lần, mỗi khi gặp những hiểm nguy trong cuộc đời. Mà lần nguy hiểm nhất, tôi phải kể đến, là lần vượt thoát quê hương đi tìm tự do bằng đường biển. Cuộc hải hành kinh hoàng này kéo dài mười một ngày đêm. Và nỗi sợ hãi không phải do biển cả, mà do loài người mang lại. Bọn hải quân Mã Lai kéo chiếc ghe ọp ẹp của chúng tôi ra biển, bằng tốc độ chiếc tàu chiến của chúng. Nếu tình trạng này kéo dài, chắc chắn chiếc ghe sẽ chìm. Ngồi trên nóc ghe, tay tôi lần một chuỗi tràng hạt tưởng tượng, và miệng thì thầm câu kinh Phật năm xưa. Bên cạnh tôi, một anh bạn trẻ làm dấu thánh giá. Chắc anh cũng đang cầu xin Mẹ Maria và Chúa đến cứu vớt chúng tôi. Hai người, thuộc hai tôn giáo khác nhau, đã cầu nguyện không biết bao nhiêu lần, thì bỗng nhiên bọn hải quân Mã Lai ngừng kéo. Chúng chặt dây, bỏ chiếc ghe chơ vơ trên biển, sau khi đã tịch thu mất chiếc hải bàn. May thay, máy ghe còn hoạt động và chúng tôi mò mẫm vào được một hòn đảo thuộc cực bắc xứ Nam Dương.

Thưa bạn, chuyện vượt biển của tôi xảy ra cách đây đúng hai chục năm rồi. Người bạn Công giáo đi cùng ghe, hiện đang ở thành phố Anaheim, dưới Nam Cali. Chúng tôi vẫn thường xuyên liên lạc với nhau qua điện thoại. Mà hình như lần nào, cuộc điện đàm cũng lôi kéo chúng tôi về chuyện hải hành, về những niềm tin nơi tôn giáo của mỗi người. Anh cũng thường hỏi tôi rằng tôi có hay đi lễ chùa không. Biết anh là một người ngoan đạo, nên lần nào tôi cũng trả lời anh bạn bằng một chữ "có" thật dõng dạc. Nhưng nói vậy mà không phải như vậy. Tôi không như anh bạn Công giáo, đi nhà thờ mỗi tuần. Tôi không như những Phật tử khác, thường đến chùa vào mồng một và ngày rằm mỗi tháng; trái lại tôi ít đi chùa. Tôi thiết lập được một bàn thờ Phật tại nhà. Ảnh Đức Phật Thích Ca, tượng Phật Bà Quán Âm, vợ chồng tôi thỉnh từ Tu viện Kim Sơn. Hàng tháng, hễ cứ thấy vợ tôi sửa soạn một đĩa trái cây dâng lên cúng Phật, tôi biết đó là ngày mồng một hay ngày rằm âm lịch. Vào khuya của những ngày đó, tôi ngồi thiền và lạy Phật, cũng vẫn bằng một câu kinh duy nhất năm xưa: " Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Nam Mô Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát". Khi niệm được vài lần như vậy, tôi có cảm giác như bản thân mình và gia đình đã thoát khỏi mọi điều nguy hiểm, và được bình yên trong sự che chở của Phật. Câu kinh Phật duy nhất ở trên chắc sẽ còn được tôi dùng đến suốt đời. Đó là một câu kinh dễ nhớ, được truyền khẩu bởi mẹ tôi. Mà hình như tôi thấy người mẹ hiền nào cũng phảng phất hình ảnh của Phật Bà.

Và tôi cũng thấy hình ảnh này nơi vị Sư nữ trú trì chùa Đức Viên. Bà là mẹ của những em bé bất hạnh nơi cô nhi viện Lâm Tỳ Ni. Bà là mẹ tinh thần của những em bé đang học Việt ngữ tại chùa. Bà là mẹ đỡ đầu của rất nhiều Phật tử. Bà là mẹ của cỏ cây hoa lá trong khuôn viên chùa. Bà là mẹ, theo cách nhìn quán chiếu của các vị cao Tăng.

Thiền Sư Nhất Hạnh gọi bà là"một giọt sương mong manh" trong buổi sớm: "Sáng nay đi thiền hành, thầy nghe tiếng của một giọt sương gọi. Giọt sương không gọi bằng âm thanh mà gọi bằng tia sáng muôn mầu. Thầy dừng lại, đến gần giọt sương. Giọt sương nằm ở đầu một chiếc lá, một chiếc lá liễu buông dài như một ngón tay. Giọt sương đã ôm lấy mặt trời và giọt sương tóe chiếu ánh sáng muôn mầu về phía thầy. Giọt sương rực rỡ không kém vầng thái dương.....Ban đầu thầy nghĩ giọt sương trên đầu chiếc lá là một hiện tượng mong manh. Nhưng sau đó, thầy thấy giọt sương cũng có tính bất sinh bất diệt. Buổi sáng nào đi thiền hành qua cây liễu, thầy cũng có thể thấy được giọt sương, dù là trong một bình minh sáng chói, hay là trong một ngày trời âm u. Thầy đã thấy được một lần rồài thì thầy có thể thấy được mãi mãi...Sư bà Đàm Lựu của các con là một giọt sương bất diệt".

Vâng, giọt sương mong manh đó có tên Phật là Đàm Lựu. Tôi cũng nhìn thấy giọt sương mong manh đó, mỗãi khi đi ngang, hay vào lễ Chùa. Sư Bà, ngôi chùa, hay hạt sương-vẫn chỉ là một. Ngôi chùa sẽ là một thứ landmark của thành phố San Jose, là niềm hãnh diện của những Phật tử Việt nơi hải ngoại. Nếu đến viếng Chùa trong lúc này, bạn còn thấy một căn nhà nhỏ rất cũ kỹ và lụp xụp. Đó là Chánh Điện của ngôi chùa cũ mười mấy năm về trước. Mỗi lần có khóa lễ, các Phật tử phải chen chúc nhau nơi căn lều chúng ta đang thụ trai hiện giờ. Căn nhà kho ở phía sau đã được gỡ đi, không còn để lại một dấu tích gì. Nhưng những Phật tử cư ngụ lâu năm ở thành phố này thì còn nhớ. Đó là nơi chất đầy những lon nhôm, những chồng báo, carton cũ. Và những thứ phế thải này đây, qua Sư Bà cùng Ni chúng, đã biến thành ngôi chùa Đức Viên đẹp đẽ uy nghi như ngày hôm nay. Đức Viên, công đức đã được viên mãn. Nếu ý nghĩa của tên ngôi chùa đúng như vậy, thì Sư Bà sẽ không còn một vướng bận gì khi trở về cõi Phật. Ngay đối với những đệ tử trong chùa, Sư Bà cũng đã cẩn thận để lại những lời di huấn:

  1. “Đừng bao giờ nghĩ rằng việc đó thành công là do công lao phước đức của mình mà vui mừng, và cũng đừng buồn khổ chán nản khi thất bại. Chỉ cần đem hết tâm lực khả năng làm việc, thành bại còn nhờ hoàn cảnh và tùy nhân duyên, phải an nhiên trước mọi hoàn cảnh. Lại phải vững tâm, không được động niệm khi được khen tặng hoặc bị chỉ trích. Làm việc Phật, phải kiên trì nhẫn nại.

  2. Muốn được tâm thanh tịnh, thì phải luôn nghĩ đến Tam Bảo, học theo hạnh nguyện của Đức Phật A Di Đà để lợi lạc cho chúng sinh.

  3. Sống trong chúng phải nhẫn nhục, khiêm cung, nhu hòa, kính thương và hòa đồng theo chúng, việc gì đa số đã quyết định thì nên hoan hỷ làm theo, phải giữ gìn Tam Bảo.”

Những lời di huấn trên không hẳn chỉ dành riêng cho những đệ tử của Sư Bà. Mà những con người trong đời thường của chúng ta cũng vẫn có thể suy gẫm một số ý nghĩa của những lời di huấn này để tu thân và đối xử với nhau. Và đó cũng là những giọt sương trong hằng hà sa số những giọt sương long lanh hiếm quý Sư Bà để lại. Hôm nay tôi xin được niệm Phật cho Sư Bà thật nhiều lần, cũng vẫn bằng một câu kinh năm xưa:

"Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Nam Mô Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát."

Còn nếu bạn vốn chẳng thuộc một câu kinh Phật nào thì xin bạn chỉ hướng về Sư Bà bằng ý nghĩ thật trong sáng, như hạt sương ban mai, là đủ.

Người Việt Nam ở San Jose hãnh diện đã đóng góp được một kiến trúc văn hóa vào thành phố này, những người hâm mộ đạo Phật cũng hoan hỷ nhìn thấy ngôi chùa khang trang giữa phố thị ồn ào xe cộ, đông đúc dân cư.

Đầu tiên Ni sư Đàm Lựu nhờ sự đóng góp của Phật tử mua được ngôi nhà cũ đường McLaughlin góc Tully làm nơi hành đạo, đặt tên là chùa Đức Viên. Công việc thu nhặt lon, giấy báo đem bán kiếm tiền của các Ni sư và đạo hữu vẫn là hình ảnh đậm nét trong tiến trình dành dụm xây chùa, cần ghi lại trong dòng sinh hoạt kinh tế của cộng đồng tỵ nạn lúc còn chập chững đầu thập niên 80.

Có thêm tài chánh, Ni sư mua thêm miếng đất bên cạnh tạo mặt bằng rộng rãi cho một ngôi chùa đúng nghĩa. Kiến trúc sư Nguyễn Phúc Quỳnh Thuyên vẽ đồ án và kiến trúc sư Nguyễn Bá Quyền thực hiện công trình, lễ đặt viên đá đầu tiên vào năm 1991.

Theo yêu cầu của thành phố, Chùa muốn được cấp giấy phép phải tặng một khoảng đất phía sau hình vòng cung để làm đường cho xóm nhà lân cận, mái Chùa không được cao quá mức ấn định.

Và chùa Đức Viên hoàn tất ngôi Chánh Điện năm 1995 nhờ sự vận động tiền bạc của Ni sư Đàm Lựu. Những khóm trúc, những cây đào bắt đầu xum xuê trong khuôn viên Chùa cho cảnh sắc nên thơ, dù ngôi nhà khách và nhà bếp còn đang chờ dịp để khởi công. Những ngày vía lớn, rằm, mồng một, đạo hữu tấp nập và vào dịp Tết người đến Chùa đông đảo đủ mọi thành phần không riêng gì Phật tử.

Từ đó chùa Đức Viên nổi tiếng vừa là nơi Phật tử lui tới, vừa là hình ảnh văn hoá Việt Nam nơi xứ người ở Bắc Cali. Và nơi đây cũng diễn ra một đôi lần xáo trộn nói lên sự khác biệt ý kiến trong vấn đề tôn giáo và chính trị của cộng đồng, nhưng Ni sư Đàm Lựu dàn xếp và mọi chuyện rồi cũng qua.

Có nhà phong thủy cho rằng có hai con đường trước và sau hướng vào chùa nên tạo những xung lực khiến nơi đây khó yên tĩnh. Nhưng đây là chỗ thập phương bá tánh lui tới, lại là nơi thị tứ và còn là điểm sinh hoạt của cộng đồng chưa ổn định nên cũng khó tránh chuyện thị phi trần thế.

Ni sư Đàm Lựu vừa mãn phần trong sự thương tiếc của đạo hữu ngày 26 tháng 3 năm 1999, hàng trăm Tăng Ni khắp nơi tề tựu để cầu nguyện trong tang lễ. Người ta vẫn nhớ hình ảnh một Ni sư lam lũ lượm từng chiếc lon, xấp báo cũ và cố gắng để tạo nên một ngôi chùa bề thế như hôm nay.

Theo giáo lý nhà Phật có có không không, nhưng chùa Đức Viên đã hiện hữu như là một phần dấu ấn của Ngài trên phương diện truyền bá Chánh pháp. Một ngôi chùa cho lòng nhẹ nhàng khi nhìn thấy trên đường lái xe chật chội, một liên tưởng đến kỷ niệm dễ thương quê nhà, một nơi rất cần cho sinh hoạt tinh thần của đồng hương, một nơi có bàn tay đóng góp của Ni sư Thích Đàm Lựu.

Recent Posts
Archive
Search By Tags
No tags yet.
Follow Us
  • Facebook Basic Square
  • Twitter Basic Square
  • Google+ Basic Square
bottom of page