top of page

Thầy Thích Minh Đức Hiệp Chưởng Tán Thán

Chiều nay, ngồi bên cửa sổ, nhìn ráng chiều với nhiều màu rực rỡ, tôi chợt nghĩ đến Sư Bà. Tôi liên tưởng đến những mầu sắc tươi đẹp chiếu lên từ những viên Xá lợi mà Sư Bà lưu lại cho đời. Tôi cũng nhớ đến những viên Xá lợi vô hình nhưng lóng lánh tinh anh trong tâm khảm của nhiều người. Đó là những công hạnh mà Sư Bà đã làm trong quá khứ để làm cho đời thêm đẹp, thêm thương, và để vơi đi những niềm đau, nỗi khổ.

Thời gian trôi qua mau quá! Lần đầu tiên tôi gặp Sư Bà vào khoảng năm 1971. Lần đó, cùng với những anh em trong Đoàn Công Tác Xã Hội thuộc Tổng hội Sinh viên Đại học Vạn Hạnh, tôi đến thăm Sư Bà và các em tại Lâm Tỳ Ni. Trong lần gặp gỡ đó, tôi thấy hơi ngỡ ngàng trước những hành động tự tại của Sư Bà: tự mình lái xe ra khỏi Cô nhi viện và trên tay mang theo một túi xách nhỏ. Anh em sinh viên chúng tôi, trong đó có nhiều Tăng sinh trẻ rất thán phục phương cách làm việc của Sư Bà ở Lâm Tỳ Ni. Sau nầy, có dịp may tiếp xúc với Sư Bà nhiều hơn, tôi biết được là từ hồi còn rất trẻ Sư Bà luôn tâm niệm đến việc học tập và truyền bá Tam Tạng Thánh điển mà Đức Phật và chư Thánh chúng đã để lại cho đời.

Hai mươi năm nay, được thân cận và cộng sự với Sư Bà, nhiều lần tôi cúi đầu thán phục trước lòng hiếu học của Sư Bà. Dù bận rộn rất nhiều với việc kiến tạo ngôi phạm vũ trang nghiêm, với việc dạy dỗ các Ni sinh đang tu học ở chùa Đức Viên, với việc hướng dẫn Phật tử trong việc tu tập, hoặc với việc lắng nghe lời tâm sự của những nữ Phật tử đang gặp việc khổ đau trong cuộc sống, Sư Bà không xao lãng trong việc học tập thêm Kinh, Luật, Luận. Sư Bà chịu khó nghe băng giảng không những của các bậc Thiền đức mà nghe luôn cả những cuộn băng thu lại những bài giảng của quý Thầy Cô thuộc lớp học trò của chính Sư Bà. Nếu có người hiểu khác mình, Sư Bà không bao giờ có niệm phiền hà trong việc lắng nghe kiến giải của người. Có lần, trong lúc ngồi nói chuyện vui tại Chùa, tôi nói đùa “ Sư Bà ham học quá. Học nhiều như Thiện Tài Đồng tử trong Kinh Hoa Nghiêm hay như ngài Triệu Châu trong thiền sử Trung Hoa. Ham học như vậy, ai theo cho kịp?” Với nụ cười tự tại rất dễ thương, Sư Bà trả lời “Không dám. Có nhiều việc phải học lắm Thầy ạ. Học Kinh Luận tôi không thấy chán.” Học nhiều, đọc nhiều không phải vì Sư Bà muốn chất chứa thêm tri thức nhưng vì Sư Bà muốn biết thêm những cái nhìn khác nhau của học nhân về Chánh Pháp hầu giúp người đời tìm ra phương thức thích hợp cho họ để chuyển hóa khổ đau, ràng buộc.

Tự mình thích học nên Sư Bà bao giờ cũng sẵn lòng giúp đỡ cho những người hiếu học. Ngoài việc khuyến khích các đệ tử của mình học thêm hoặc tại các trường đại học, hoặc tại những trung tâm tu tập khác, Sư Bà còn để tâm giúp người khác trên con đường học tập của họ. Nghe Thầy Cô nào muốn học thêm để sau nầy việc hoằng pháp lợi sanh được hữu hiệu hơn, Sư Bà giúp ngay mà không bao giờ để ý đến những vị đó thuộc giáo hội nào, sơn môn nào, hay thuộc địa phương nào. Ai cần tiền mua sách, Sư Bà biếu. Ai thiếu tiền học phí, Sư Bà giúp. Biết Thầy Cô nào túng thiếu mà ngại nhận sự giúp đỡ của mình thì Sư Bà nhờ người khác giúp thế bằng tịnh tài của chính Sư Bà. Không một điều kiện đặt ra và không bao giờ có ẩn ý trong việc giúp đỡ của Sư Bà. Ngay đến khi gần viên tịch, nằm trên giường bệnh, Sư Bà còn nhắc nhở đến sự cúng dường cho việc học tập của một số Thầy Cô ở Ấn Độ, ở Việt Nam và ở Mỹ trong đó có những vị Sư Bà chỉ biết tên mà chưa bao giờ gặp mặt. Trong việc giúp đỡ cho những Tăng Ni học tập, Sư Bà bao giờ cũng hướng đến lợi ích của quần sanh, đến lợi ích chung cho Phật giáo, và không mong người nhận biết đến việc làm của Sư Bà.

Trong việc tu tập, hoằng truyền chánh pháp, và tiếp xúc với đời, Sư Bà thường nhắc đến câu: “Nội cần khắc niệm vi công, ngoại hoằng bất tranh chi đức” và “thâm tín chư Phật giai sung mãn.” Có lẽ nhờ tâm niệm đó mà Sư Bà đã để lại cho đời nhiều bài học sống. Trong hai mươi năm qua, làm việc gần với Sư Bà, tôi chưa từng nghe Sư Bà mở miệng khen mình chê người. Nếu có nói chăng, Sư Bà bao giờ cũng tìm chỗ tốt của người để nhắc kể cả khi nhắc đến những người, vì lý do nầy hay lý do khác, đã làm tổn hại đến Sư Bà. Một lần nọ, không biết vì lý do nào, Sư Bà bị mắng trách một cách nặng nề. Quý Cô trong Chùa biết nên có ý não phiền nhưng Sư Bà thì vẫn an lạc và tự tại. Sư Bà nhắc chị em: “Ân thì mình phải nhớ, còn oán thì nhớ để làm gì?” Người ta có lỗi, Sư Bà không vì thế mà sanh thêm phiền não để đi vào đau khổ. Nếu có nhắc đến lỗi chăng, Sư Bà luôn nói trực tiếp với người phạm lỗi với lòng thương yêu, tha thứ, và muốn cho người đó thoát được lỗi lầm. Nếu Sư Bà có lỗi, dù là lỗi nhỏ, khi được người nhắc Sư Bà cũng thành tâm sám hối. Một lần, vào mùa lạnh, Sư Bà mặc áo choàng lạnh bên ngoài chiếc áo tràng nâu. Một Sư cô còn nhỏ, người Trung Hoa, thấy vậy nên nói với Sư Bà: “Áo tràng của người tu đẹp quá, sao Sư Bà lại lấy áo kia che mất nó đi?” Không biện minh, Sư Bà chắp tay xin lỗi, cám ơn người nhắc, và cởi áo choàng ra. Từ đó về sau, tôi không thấy Sư Bà mặc áo gì phủ lên chiếc áo tu hành mà Sư Bà đã trân quý thương yêu từ thưở nhỏ.

Có dịp làm việc gần với Sư Bà, nhiều lần tôi thán phục trước việc tu hành tinh tấn và niêm mật của Sư Bà. Một lần cùng đi Ấn Độ hành hương, khi đến Bồ Đề Đạo Tràng thì trời vào chiều. Sau bữa ăn tối, mệt quá sau mấy ngày ngồi trên xe, tôi ngủ vùi và nghĩ sẽ được ngủ trưa vào sáng hôm sau. Đến độ bốn giờ khuya thì nghe người gõ cửa phòng. Khó chịu nhưng tôi vẫn dậy để mở. Hoá ra Sư Bà muốn ra Đại tháp để đảnh lễ Kim Cang Tòa nhưng vì chỗ lạ không dám đi một mình đành phải nhờ tôi cùng đi. Khi Sư Bà và tôi đến Đại tháp thì hỡi ôi cửa rào còn đóng. Không biết làm sao, tôi leo rào vào trong để tìm người gác cổng, cho tiền ông ta để mở cửa cho Sư Bà vào. Ông ta càu nhàu gì đó bằng tiếng Ấn, nhưng cũng ra mở cổng. Khi vào được bên trong, mặt Sư Bà tươi như hoa, cảm ơn người gác cổng và đi thẳng vào trong để đảnh lễ cội Bồ Đề. Nhìn Sư Bà lạy Kim Cang Tòa và cây Bồ Đề với tất cả tâm thành, lòng tôi sanh hoan hỷ và quên hẳn việc phải thức sớm và chưa kịp uống cà phê. Nhiều lần cùng Sư Bà đến Khổ Hạnh Lâm nơi Đức Thích Ca tu khổ hạnh, và núi Linh Thứu nơi Ngài thuyết Pháp Hoa Kinh, tôi ngạc nhiên trước sự hăng hái của Sư Bà. Trời nóng như thiêu, núi cao chớm chở, đường dốc quanh co nhưng lần nào Sư Bà cũng lên đến đỉnh trước mọi người. Hỏi bí quyết, Sư Bà trả lời “nhờ Tam Bảo cả.” Quả thật lòng mong cầu được đến với Đức Phật đã làm cho Sư Bà tinh tấn bước đi và quên điều nhọc mệt. Một lần khác, tôi cùng Sư Bà và một số Phật tử đi thăm chùa Lục Dung ở Quảng Châu, lúc ra về thì thấy Sư Bà mất dạng. Một Phật tử và tôi đi tìm. Khi gặp Sư Bà thì thấy Sư Bà đang quét chùa. Thì ra, Sư Bà thấy du khách tới nhiều và có người xả rác làm bẩn đất chùa nên Sư Bà phát tâm quét dọn. Tìm được cây chổi ở đâu đó, Sư Bà làm việc quét chùa một cách tự nhiên và quên đi chính mình cũng là du khách. Thấy vậy, tôi đọc cho vị Phật tử cùng đi bài kệ “hằng tảo Già lam địa, thời thường phước huệ sanh, nhược vô tân khách đáo, tắc hữu thánh nhân hành.” Nghe tôi đọc, Sư Bà chỉ cười, nụ cười của một người hoan hỷ vì vừa góp phần cụ thể vào việc làm trang nghiêm Tịnh độ.

Có một lần, mấy năm trước đây, khi Hòa Thượng Thanh Từ sang Mỹ, Sư Bà đã y theo Bồ Tát Giới và cung thỉnh Thầy thuyết giảng tại trú xứ của Sư Bà. Một số người không hiểu được lòng ham tu tập và quý trọng Phật pháp của Sư Bà nên đã có những niệm giận hờn, tức bực, và nghi kỵ. Họ đã dùng hết những từ hạ tiện nhất của thế gian để mắng chửi, chụp mũ, và mạ lỵ Sư Bà trên đài phát thanh, trên báo chí, và trước cổng Chùa. Trước việc nầy, Sư Bà vẫn một lòng nhẫn nhịn và tôi chưa từng thấy Sư Bà có niệm sân hận. Lúc đó vào cuối mùa thu, khi thấy họ biểu tình bên ngoài cổng rào của Chùa trong lúc trời mưa, Sư Bà đã yêu cầu đệ tử mở cửa Chùa cho họ vào trong biểu tình dưới mái Chùa vì thương họ, vì sợ họ bị mưa, bị lạnh. Người được bảo đi mở cửa còn dùng dằng, không chịu làm theo ý Sư Bà vì lo cho đại chúng, Sư Bà đã theo năn nỉ. Để đại chúng yên tâm, Sư Bà đề nghị mọi người niệm Phật. Sáng hôm đó, một buổi sáng lạnh lẽo cuối thu, tại chùa Đức Viên, tiếng niệm Phật của hơn một ngàn người theo đạo từ bi đã vang lên trong hùng lực, trong nhất tâm, trong kham nhẫn, và nhất là trong sự thương yêu tha thứ. Sư Bà không thuyết pháp bữa ấy nhưng đã sống trọn vẹn một bài pháp vô cùng cao đẹp mà Đức Thế Tôn đã tự thân thuyết giảng:

Hận thù rửa hận thù

đời nầy không có được.

Tình thương rửa hận thù

là định luật thiên thu.

Cách nay mấy tháng, sự việc tương tự lại xảy ra tại chùa Đức Viên khi Hòa Thượng Trí Dũng ghé thăm. Những người biểu tình trước Chùa đã dùng tất cả những danh từ thô lỗ để thoá mạ Sư Bà. Anh chị em Phật tử và những người quen với Chùa thấy khó chịu vì cho là những người nầy đã lạm dụng quyền tự do ngôn luận của họ. Họ đã họp lại và một luật sư đề nghị nên xin toà cho một án lệnh cách ngăn (restraining order) và ông tình nguyện làm việc nầy mà không nhận thù lao. Nhiều người đã đề nghị cách nầy, cách nọ để đối phó. Sư Bà không biết gì về phiên họp. Khi biết được, Sư Bà nhắn với những người tham dự buổi họp là Sư Bà không muốn họ làm gì để phản ứng. Sư Bà chỉ muốn những người đến họp cố gắng giữ cho lòng họ luôn có được sự an lành. Khi nói cho phiên họp biết ý nguyện của Sư Bà, tôi thấy nước mắt chảy dài trên má của hai người dự phiên họp đó. Tâm Sư Bà không dao động trước những cơn gió dữ:

Như tảng đá kiên cố,

đứng vững giữa cuồng phong

giữa tiếng đời khen chê

Người trí không dao động

Trong việc tu tập và làm việc phước thiện để cho mình có tư lương về Tịnh độ và làm cho người bớt khổ, Sư Bà không hề quản ngại việc gì.

Lớn thì Sư Bà đã vượt qua nhiều nội chướng ngoại ma để xây dựng ngôi phạm vũ trang nghiêm vào bậc nhất như chùa Đức Viên; đã kiên trì ấn tống hàng trăm ngàn quyển Kinh, Luật và Luận ở Hoa Kỳ cũng như ở Việt Nam; đã thầm lặng giúp hàng trăm bệnh nhân nghèo khổ ở Việt Nam có tiền mua thuốc uống hay để giải phẫu hầu thoát được những bệnh hiểm nghèo. Làm những việc cứu người trong bệnh khổ, Sư Bà thường không để lộ tên mình. Có một lần, biết được một người nghèo cần tiền đóng cho bệnh viện để được giải phẫu ruột dư vào lúc nửa đêm, không có sẵn đủ tiền và không biết cầu cứu nơi ai, tôi gọi điện thoại xin Sư Bà. Với giọng nói không có gì phiền muộn vì bị gọi vào lúc nửa đêm, Sư Bà cho ngay mà không một chút chần chờ. Đã thế, còn dặn thêm: xin ra Western Union gởi ngay cho người đó để một mạng người còn có cơ hội sống. Một lần khác, trong chuyến đi hành hương ở Ấn Độ, Thầy Huyền Diệu dặn đi dặn lại với chúng tôi là đừng ai cho những người ăn mày tiền khi họ tới xin mình. Thầy sợ nhiều người tới xin quá thì có thể có nhiều phiền phức. Biết vậy, nhưng Sư Bà vẫn cho lén và không cho Thầy Huyền Diệu biết. Sư Bà trao tiền cho một vị sư Miến Điện và nhờ ông cho hộ. Biết được việc nầy, tôi cười thì Sư Bà phân trần: “Thấy họ khổ quá, tôi không chịu nổi. Thôi thì mình làm tí gì đó cho đời họ bớt phần nào đau khổ. Cho họ mỗi người vài chục xu của Mỹ. Tiền không nhiều nhưng họ cũng có được một bữa ăn no. Nhận tiền từ tay của một vị xuất gia, họ cũng có dịp gieo vào tâm thức những hạt giống lành. Hy vọng sau nầy họ sẽ có cơ hội tu tập để cho đời họ bớt khổ.” Đấy, lòng thương của Sư Bà là như vậy.

Những việc mà thế gian cho là nhỏ như luộc từng bó rau cho những người phát tâm tu tập, làm nhà vệ sinh, hoặc sửa chữa đường đi cho người hành hương cũng được Sư Bà quý trọng và thực hiện. Tôi nhớ có một lần, cũng ở Bồ Đề đạo tràng, hôm đó Thầy Huyền Diệu hướng dẫn đoàn hành hương đi Khổ Hạnh Lâm. Vì đã đến đó rồi nên hôm đó tôi tình nguyện ở lại Chùa để nấu ăn. Trước đó một hôm Sư Bà bị đứt tay trong khi gọt trái cây cho đoàn hành hương nên hôm đó Sư Bà cũng ở lại Chùa. Thấy tôi loay hoay đến trưa mà thức ăn chưa xong, Sư Bà lắc đầu, cười, rồi xăn tay áo, bước vào nấu tiếp. May là có Sư Bà hôm đó, nếu không thì chắc mọi người bị đói. Trưa đó, ai cũng khen là bữa ăn rất ngon. Ngon là phải dù chỉ có rau với đậu vì bữa ăn đã được nấu với lòng hoan hỷ của Sư Bà.

Sáu năm trước đây, tôi đi thăm những thắng tích Phật giáo ở miền Bắc Việt Nam. Trên đoạn đường lên đỉnh núi Yên Tử, tôi thấy khó chịu và cần đến một nhà vệ sinh. Đã quen ở Mỹ, tôi không làm được những việc đó ở bất cứ chỗ nào. Khó chịu quá, tôi không biết làm sao nên phải hỏi người dẫn đường. Anh trả lời tỉnh bơ: “Cố đi tý nữa thì có nhà xí của Thầy Đàm Lựu.” Tôi thấy ngẩn ngơ. Tại sao vị Thầy nào đó lại cất nhà xí ở trong rừng vắng? Sao lại là Thầy Đàm Lựu? Lúc đó, dốt quá, tôi không đoán ra nổi Thầy Đàm Lựu là Sư Bà Đàm Lựu. Sau, tôi mới biết là Sư Bà đã đến thăm Trúc Lâm Yên Tử và đã thấy nhu cầu nầy của những người về Yên Tử hành hương. Phát tâm giúp cho những người hành hương có được sự dễ chịu và cũng để làm sạch sẽ chốn trang nghiêm, Sư Bà đã nhờ những Phật tử tại địa phương thuê người làm những phòng vệ sinh nhỏ nhưng tiện dụng dọc theo đường lên núi. Đoạn đường Tùng bị hư hỏng nhiều, thấy có người trợt, Sư Bà đã nhờ người đắp lại và làm thêm những nấc thang trên đoạn đường nầy cho người đi sau bớt nhọc. Lo cho người sau được đỡ phần cực nhọc dù chẳng biết họ là ai. Bao nhiêu người trên đời

nầy có được lòng thương đó?

Nhớ lại, trong thời gian Sư Bà bệnh, có lúc Sư Bà mệt quá, Thầy Minh Thiện cùng tôi đến Chùa vào lúc ba giờ sáng để hộ niệm. Thay vì chúng tôi hộ niệm cho Sư Bà thì Sư Bà lại hộ niệm cho chúng tôi. Lúc đó Sư Bà đau lắm, thở không được và mệt nhiều, nói không ra tiếng, nhưng Sư Bà vẫn cố nhắc chúng tôi siêng tu, siêng học, thương nhau, và cùng nhau lo cho ngôi Tam Bảo. Bệnh làm khổ thân nhiều như vậy mà Sư Bà vẫn không nghĩ đến thân mình chỉ biết nghĩ đến tu, đến học, đến việc làm hưng thịnh ngôi Tam Bảo. Ba lần, trong thời gian Sư Bà có bệnh, tôi đã lấy kiến thức chuyên môn của kẻ phàm phu để lường cái thấy của Sư Bà. Một lần Sư Bà thấy mình vừa nghe Phật thuyết pháp, một lần Sư Bà thấy Phật mới đứng trước Sư Bà, lần khác Sư Bà thấy hoa sen đang nở. Sợ Sư Bà bị loạn tưởng vì uống thuốc nhiều tôi đặt ra nhiều câu hỏi để trắc nghiệm khả năng biết những việc thực tế của Sư Bà. Sư Bà trả lời rất chính xác. Có lần tôi hỏi: “Hôm nay là thứ mấy? Sư Bà có biết không?” Không một chút chần chờ, Sư Bà trả lời:"thứ Tư." Tội nghiệp cho tôi. Không có lịch treo tường, hỏi thì hỏi vậy nhưng chính tôi cũng không nhớ chắc chắn ngày đó là thứ mấy. Một cô đệ tử của Sư Bà xác nhận hôm đó đúng là ngày thứ Tư. Nghĩ lại, tôi thấy xấu hổ vô cùng vì lòng nghi của chính cá nhân tôi.

Cuộc sống của Sư Bà là một bài Pháp lớn và do đó đã cảm hóa được người. Khi Sư Bà cho phép tôi thông báo về bệnh trạng của Sư Bà, nhiều bác sĩ Việt Nam và Mỹ đã tình nguyện tham gia vào việc điều trị. Họ đã không trị được bệnh tứ đại của Sư Bà và phải chịu thua trước chu tuần sanh, lão, bệnh, tử. Nhưng, qua tiếp xúc với Sư Bà, họ đã tiếp xúc được với một nguồn sống tâm linh rực rỡ mà họ chưa từng gặp. Sư Bà đã khéo dùng cái thân bệnh của mình và cái nhìn của Sư Bà về bệnh để làm phương tiện giáo hóa cho những người có nhiệm vụ điều trị trong bệnh viện. Ngày đưa Sư Bà đến chỗ trà tỳ, tôi thấy những vị bác sĩ đó thầm lặng tiễn Sư Bà cùng với những người con Phật dù họ không được ai mời mọc. Một bác sĩ người Mỹ đã nói với tôi sau đó : “Tôi tiếc là Sư Bà Đàm Lựu đã ra đi. Bà là người đã mở cửa cho tôi vào Đạo Phật trong một thời gian ngắn mà tôi được gặp.” Sư Bà có biết không? Vị bác sĩ đó mới cho tôi biết là nhiều lần, trong ba tuần qua, đã nghĩ đến việc trở thành một Tỳ kheo ni theo con đường mà Sư Bà đã chọn gần 50 năm trước.

Hôm nay tính ra Sư Bà đã từ bỏ huyễn thân được bốn tuần rồi. Tôi viết mấy dòng nầy để tưởng nhớ đến một số hành trạng cao đẹp của một Trưởng lão Tỳ kheo ni mà tôi có duyên may gặp gỡ và cộng sự. Tôi muốn mượn những lời nầy trong phẩm Phổ Môn của Kinh Pháp Hoa để tán thán Sư Bà:

Tâm Bi như sấm động

Lòng Từ như mây hiền

Pháp Cam Lồ mưa xuống

Dập trừ lửa não phiền.

Lúc còn sinh tiền, Sư Bà không thích ai nhắc những công hạnh của mình. Nay Sư Bà đã quy Tây, vì người sau nên tôi viết bài nầy. Nơi Tịnh Độ xin Sư Bà hoan hỷ cho tôi.

Thích Minh Đức hiệp chưởng tán thán

Recent Posts
Archive
Search By Tags
No tags yet.
Follow Us
  • Facebook Basic Square
  • Twitter Basic Square
  • Google+ Basic Square
bottom of page