top of page

Thế nào gọi là Hộ Giới Tâm trong pháp môn niệm Phật?

Q: Thế nào gọi là Hộ Giới Tâm trong pháp môn niệm Phật?

A: Trong Kinh Niệm Phật Ba-la-mật Đức Phật Thích Ca nói:

Nầy Diệu-Nguyệt, người Niệm Phật phải luôn luôn an trụ nơi giới luật, và hằng phát tâm hộ trì giới luật. Ấy là:

Giới chẳng bỏ Bồ-đề-tâm, chẳng quên Bồ-đề-nguyện.

Giới tự nhiên xa lìa các phép học của Thanh-văn, Duyên-giác không tham đắm Niết-bàn vắng lặng mà bỏ rơi chúng sanh.

Giới hân ngưỡng Đại-thừa, vui thích tu hành theo tất cả pháp học Bồ-tát-đạo.

Giới đem hết thảy thiện căn hồi hướng quả vị Chánh-Đẳng-Giác, mong cầu Phật-trí, Vô-sư-trí.

Giới nơi tất cả Phật pháp vô-sở-đắc.

Giới chẳng dính mắc tất cả thiện sự hữu vi.

Giới khiến cho diệu pháp được tồn tại lâu dài, làm cho hết thảy chúng sanh an trụ nơi Chánh Kiến.

Giới khéo léo tư duy tất cả hành nghiệp chúng sanh và khiến chúng sanh trưởng dưỡng ý hướng giải thoát.

Giới trang nghiêm tự tâm đồng thời trang nghiêm mười phương quốc độ của chư Phật.

Giới chư căn Luật nghi, như Tỳ-kheo giới, Bồ-Tát giới, Ngũ giới tại gia v.v...

Niệm Phật với tâm hộ trì các giới luật kể trên, mới được gọi là chân chánh niệm Phật.

Q: Thế nào gọi là Bình Đẳng Tâm trong pháp môn niệm Phật?

A: Trong Kinh Niệm Phật Ba-la-mật Đức Phật Thích Ca nói:

Nầy Diệu-Nguyệt, người niệm Phật phải luôn luôn thực hiện tâm thái bình đẳng, không phân biệt, không ngăn ngại. Nghĩa là:

Tự -tha Bình-đẳng, vì luôn mở rộng tuệ nhãn để nhận hiểu mình và người đều bình đẳng trước lực nhiếp thọ của chư Phật, chư Bồ-Tát.

Chủng loại Bình-đẳng, vì thường quán sát mười phương thế giới các loại chúng sanh từ sắc thân, hình trạng, tướng mạo, tộc tánh, thọ lượng, tri kiến, ý hành, sở ý ... mà không khởi tâm phân biệt, đối đãi, ái thủ hoặc yếm hoạn.

Chúng sanh giới Bình-đẳng, vì liên tục mở bày pháp giới trí trụ vô động tế, mà tự tại giữa những huyễn hóa biến dị của các loại hữu tình nơi ba cõi thế gian.

Pháp giới Bình-đẳng, vì thường xuyên an trụ nơi vô tướng khép vào pháp tướng, không móng khởi tâm sợ sệt trước thời gian vô cùng, không gian vô tận. Tự tại giữa một sát na như vô lượng vô biên đại kiếp. An nhiên giữa các cực vi đầu sợi lông, cũng như du hí mười phương trần sát hằng hà sa các quốc độ.

Không tánh Bình-đẳng, vì luôn luôn ức niệm mình được sản sanh từ nhà Như-Lai, được Tự Tánh Thanh Tịnh Tạng, thấy rõ nhất thiết pháp Không, đắc Hư Không Hạnh vô ngại, giải ngộ và cảm ứng Tánh Không Bình Đẳng nơi hết thảy tứ sanh cửu hữu.

Phật độ Bình-đẳng, vì hằng quán tưởng các cõi Thường-Tịch-Quang, Thật-Báo Trang-Nghiêm, hoặc Phương-Tiện Hữu-Dư v.v... đều không ngăn ngại nhau, không riêng khác, tuy an lập Hoa-Tạng Thế-Giới Hải mà chẳng rời Tự Tâm, Thật Tế Trụ Địa vô phương sở, vô trụ xứ ... tùy theo tâm lượng và sở nguyện của chúng sanh mà hiển hiện. Như hoa đốm, như tiếng vang, như bọt sóng, như bóng nước, như cầu vồng, như huyễn nhân kể chuyện mộng.

Tín tâm Bình-đẳng, vì tín tâm vốn khởi nguyên từ Bát-nhã đức, từ Trí-tạng quảng đại ,từ Phổ-nhãn thanh tịnh thông suốt cả ba đời, nên được thu nhiếp trong Bản-nguyện vô lượng đức, vô biên lực dụng của chư Phật.

Niệm Phật với những tâm bình đẳng nêu trên, mới được gọi là chân chánh niệm Phật.

Recent Posts
Archive
Search By Tags
No tags yet.
Follow Us
  • Facebook Basic Square
  • Twitter Basic Square
  • Google+ Basic Square
bottom of page