Đã chí thành và quyết tâm nhưng vọng niệm vẫn khởi
Q: Đã chí thành và quyết tâm nhưng vọng niệm vẫn khởi, kính xin chỉ dạy phương pháp đối trị nào?
A: Nếu như sóng vọng niệm vẫn còn trào dâng thì dùng cách mười niệm nhớ số, dốc toàn bộ tâm lực vào trong từng câu Phật hiệu, tuy vọng niệm có muốn khởi cũng chẳng có sức. Ðây chính là diệu pháp rốt ráo để nhiếp tâm, càng làm thử càng thấy hiệu nghiệm.
Lúc niệm Phật thì từ một câu đến mười câu sao cho niệm được phân minh, ghi nhớ phân minh. Niệm mười câu xong lại từ một câu niệm đến mười câu, chẳng được niệm đến câu thứ mười hai hay mười ba. Niệm đến đâu, nhớ đến đấy; chẳng được dùng chuỗi để nhớ mà phải dụng tâm nhớ.
Nếu thấy niệm suốt mười câu là khó thì chia thành hai hơi: từ câu một đến câu năm và từ câu thứ sáu đến câu thứ mười. Nếu vẫn chẳng đủ sức thì từ câu một niệm đến câu thứ ba, từ câu thứ tư niệm đến câu thứ sáu, từ câu thứ bảy niệm đến câu thứ mười, tức là ba hơi. Niệm đến mức rõ ràng, ghi nhớ phân minh, nghe cho rõ ràng, vọng niệm không còn chỗ để bén chân thì nhất tâm bất loạn lâu ngày sẽ tự đạt được. Nhưng lúc làm lụng nếu khó nhớ số thì cứ khẩn thiết mà niệm xuông. Làm xong việc, lại nhiếp tâm nhớ số thì cái tâm lông bông, lăng xăng sẽ tụ về chuyên chú nơi nhất cảnh Phật hiệu. Q: Niệm Phật lắng nghe nơi tiếng, nương theo hơi thở là pháp môn gì?
A: Nhiếp tâm niệm Phật chắc chắn chẳng phải là chuyện dễ dàng, nhưng trong các pháp nhiếp tâm thì chỉ có mỗi cách xoay trở lại nghe tiếng niệm thật là bậc nhất. Pháp môn Bảo Vương nương theo hơi thở bao gồm cả Ngũ Ðình Tâm Quán. Nếu có thể niệm Phật theo hơi thở thì là đã tu kèm cả hai pháp quán Sổ Tức và Niệm Phật. Nhiếp tâm niệm Phật thì nhiễm tâm dần dần đoạn tuyệt, lòng nóng giận ắt chẳng còn bừng bừng nữa. Một khi hôn trầm, tán loạn đã hết thì trí huệ hiển hiện, cũng phá được ngu si. Ðấy lại là pháp môn "nhiếp trọn sáu căn” của đức Ðại Thế Chí. Nay người niệm Phật lơ là thì có lẽ chẳng nên áp dụng cách này, sợ vì chẳng kể số nên sẽ trở thành lười nhác.
Còn người đã cam tâm niệm Phật, nếu chẳng tuân theo pháp này thì tam muội khó thành. Nếu là bậc lợi căn thì trong một thất hay hai thất, quyết sẽ đắc Nhất Tâm; còn như kẻ tối tăm, chậm lụt, tâm tưởng yếu kém, nông cạn thì phải tám năm, mười năm mới có thể chẳng loạn!