top of page

Sinh tử là gì

THIỀN SƯ PHẬT ẤN LIỄU NGUYÊN DẠY

Thế gian người học đạo, không ai chẳng nói sinh tử là việc lớn, đến khi bị hỏi cái gì là sinh tử thì mờ mịt không biết đường trả lời. Hoặc có người cho rằng tại người ấy chẳng biết mới hỏi, nên thông thả nói: “Ông đã chẳng biết sinh tử là cái gì, nay phát tâm vì sinh tử không phải là hư vọng sao?”

Luận về việc lớn sinh tử, nếu chẳng biết lý của sinh tử thì ra công học đạo vô ích. Ví như người tịch cốc bảo họ cấy cày, dù cho có miễn cưỡng nghe lời không bao lâu cũng lười biếng bỏ bê. Sao vậy? Vì người tịch cốc đã quên đói thì lúa thóc cũng đâu có chỗ dùng. Giống như người học đã không biết manh mối của sinh tử thì tham học để làm gì? Tâm chẳng mê chẳng đọa sinh tử; nghiệp chẳng buộc chẳng thọ hình hài. Ái chẳng nặng chẳng vào Sa Bà; niệm chẳng khởi chẳng sinh nghiệp lụy. Bởi nhân mê khởi vọng, do vọng sinh chấp. Thuận theo chấp ấy thì cái niệm yêu thích lăng xăng móng khởi. Nghịch với chỗ chấp ấy thì thói quen giận ghét bừng bừng nổi dậy. Tình yêu ghét phát khởi thì dấu vết sinh tử động chuyển trôi chảy đổi mới chẳng dừng, niệm niệm nối nhau. Cho đến một khoảng sát na đủ tám trăm sinh diệt. Há đợi trăm năm tắt thở sau đó mới gọi là sinh tử hay sao? Các ông nếu chẳng phải đủ hạt giống sâu dày này, đâu được đời này ở chỗ giàu sang trong nhà thập thiện cho đến phát tâm vào đạo, áo cà sa che thân làm người nối dòng giống Phật. Ngày nay, đến chỗ này, đã xuất gia rồi đã làm tăng rồi, đã gặp thiên tri thức rồi, đã nghe đạo rồi, điều mà các ông còn thiếu đó chỉ cần ra sức làm một phen, để đích thân đến chỗ cứu cánh mà thôi. Huống là tuổi chưa già, sức còn sung, nếu chẳng lợi dụng lúc thân này còn mạnh khỏe, đi một hơi thẳng đến nhà thì chớp mắt bèn là vô thường, già, bệnh đuổi gấp. Đến lúc ấy, tay chân rối loạn, lỗi sẽ về ai. Đem hết tất cả những cái tham, cái yêu, cái giận, cái si của cả một đời, kiểm điểm qua một lượt đều dùng chẳng được. Trái lại còn bị nó làm chướng ngại, trói buộc, che lấp, xoay chuyển cuốn trôi, cô phụ cái nhân duyên tốt đẹp. Làm người không biết hổ thẹn bị Phật quở trách. Phải biết luân hồi nơi tam giới, ra vào trong bốn loài noãn, thai, thấp, hoá lăn lóc, lênh đênh, chịu khổ liên tục như thế có gì đáng lưu luyến đâu, sao mà chẳng chịu siêu nhiên độc thoát! Người có chí lẽ nào lại làm như thế hay sao?

Nam Mô A Di Đà Phật.

Recent Posts
Archive
Search By Tags
No tags yet.
Follow Us
  • Facebook Basic Square
  • Twitter Basic Square
  • Google+ Basic Square
bottom of page