top of page

Đại Cương Tông Của Pháp Môn Tịnh Độ

TỔ LIÊN TÔNG THỨ MƯỜI HAI _ ĐẠI SƯ TRIỆT NGỘ DẠY

ĐẠI CƯƠNG TÔNG CỦA PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ


Thật vì sinh tử, phát tâm Bồ Ðề, dùng tín nguyện sâu_trì danh hiệu Phật. Mười sáu chữ ấy chính là một đại cương tông của pháp môn Niệm Phật. Nếu chẳng thể phát khởi tâm “thật sự vì sinh tử” thì hết thảy khai thị đều thành hý luận. Hết thảy sự khổ nặng nề trong thế gian không gì hơn được sinh tử. Không kết thúc được sinh tử thì sinh tử, tử sinh, sinh sinh, tử tử, ra khỏi bào thai này, vào trong bào thai khác, bỏ cái đãy da này để lấy cái đãy da khác, khổ chẳng thể kham nổi! Huống hồ, chưa ra khỏi luân hồi thì khó tránh khỏi đọa lạc; hễ một niệm sai lầm, ắt lại vào trong nẻo ác. Tam đồ dễ vào, khó ra. Thời gian trong địa ngục dài lâu, khổ sở nặng nề.

Mỗi phen nghĩ đến, ngũ tạng như nung. Vì thế, ta nay hãy nên xót đau nghĩ đến sinh tử như làm đám tang cho cha mẹ, như cứu lửa cháy đầu. Nhưng, ta có sinh tử, ta cầu xuất ly; hết thảy chúng sinh đều ở trong sinh tử, đều phải nên xuất ly. Bọn họ và ta vốn cùng một thể, đều là cha mẹ nhiều đời của ta, là chư Phật trong vị lai. Nếu chẳng nghĩ cách phổ độ họ, chỉ cầu tự lợi thì về lý đã khiếm khuyết, mà tâm cũng chưa an.

Huống hồ, đại tâm chẳng phát thì ngoài chẳng thể cảm thông chư Phật, trong chẳng thể khế hợp bổn tánh, trên chẳng thể viên thành Phật đạo, dưới chẳng thể lợi khắp quần sinh, thì ân ái từ vô thỉ làm sao giải thoát nổi, oan khiên từ vô thỉ làm sao cởi mở nổi? Tội nghiệp bao kiếp khó nỗi sám trừ, thiện căn bao kiếp khó bề thành thục. Tu hành điều gì cũng gặp nhiều chướng duyên, dù có thành được cái gì cũng biến thành lệch lạc, nhỏ nhặt. Vì thế, cần phải phát đại Bồ Ðề tâm tương xứng với tánh.

Ðại tâm đã phát, hãy nên tu đại hạnh; nhưng trong hết thảy các hạnh môn, tìm lấy một cách thực hành dễ nhất, dễ thành tựu nhất, ổn thỏa, thích đáng nhất, tối cực viên đốn, không gì bằng tín nguyện sâu xa trì danh hiệu Phật vậy.

Tín vừa nói đó nghĩa là: Lời nói phạm âm của Đức Thích Ca Như Lai quyết không dối trá, tâm đại từ bi của Đức Di Ðà Thế Tôn quyết chẳng nguyện suông. Hễ lấy niệm Phật cầu sinh làm nhân, ắt sẽ cảm quả gặp Phật vãng sinh, giống như trồng dưa được dưa, gieo đậu được đậu; tiếng vang phải ứng theo tiếng, bóng phải nương theo hình. Nhân chẳng bỏ luống, quả chẳng lỡ làng. Như vậy thì chẳng cần phải đợi hỏi Phật mới có thể tự tin. Huống hồ một niệm tâm tánh hiện tiền của chúng ta suốt ngày tùy duyên, suốt ngày bất biến, ngang thì trọn khắp, dọc thì tột cùng, không có gì ở ngoài Thể, Tịnh Ðộ Di Ðà đều ở trong ấy.

Dùng cái tâm sẵn có Phật của mình để niệm đức Phật sẵn có trong tâm ta, thì đức Phật sẵn có trong tâm ta lại chẳng tương ứng với cái tâm sẵn có Phật của ta hay sao? Vãng Sinh Truyện đã ghi đầy dẫy những tướng lành lúc lâm chung, há nào lừa dối ta ư? Tin như thế rồi, tự mong muốn, ưa thích thiết tha. Từ sự vui trong cõi ấy, ngoái nhìn nỗi khổ trong Sa Bà thì lòng chán nhàm càng sâu, như lìa hầm xí, như ra khỏi lao ngục. Từ nỗi khổ Sa Bà, ngóng trông niềm vui trong cõi kia, vui mừng, ưa thích càng thêm thiết tha như quay về cố hương, như rảo chân đến chỗ có của báu.

Nói tóm lại là như khát nghĩ đến uống, như đói mong ăn, như bệnh khổ ước ao thuốc hay, như trẻ thơ mong nhớ mẹ, như tránh kẻ oan gia vác dao bức bách, như ngã vào nơi nước lửa mong gấp được kéo lên. Nếu quả thật có thể khẩn thiết như thế thì hết thảy cảnh duyên chẳng thể dẫn dắt, xoay chuyển được!

Sau đấy, dùng cái tâm tín nguyện ấy chấp trì danh hiệu. Trì một tiếng là thành một hạt giống cho chín phẩm sen. Niệm một câu là chánh nhân để vãng sinh. Phải sao cho tâm tâm tiếp nối, niệm niệm chẳng sai, chỉ một mực chuyên cần, chẳng tạp, chẳng gián đoạn, càng lâu càng vững, càng trì càng thiết tha, lâu ngày tự thành một khối, nhập vào nhất tâm bất loạn. Nếu thật sự như thế mà chẳng được vãng sinh thì hóa ra Đức Thích Ca Như Lai nói dối, Đức Di Ðà Thế Tôn chỉ nguyện suông; có lẽ nào như thế ư?

Trích yếu trong Niệm Phật Pháp Yếu, quyển I Niệm Phật Kim Chỉ Nam, Bài số 14

Recent Posts
Archive
Search By Tags
No tags yet.
Follow Us
  • Facebook Basic Square
  • Twitter Basic Square
  • Google+ Basic Square
bottom of page