top of page

Sanh tâm vô trú

Không phải hình Phật,không nên nhìn,

Không phải pháp Phật, không nên nghe,

Không phải lời Phật, không nên nói.

Thời khóa mỗi ngày,quyết tu trọn vẹn,

Lễ Phật thật nhiều , chí tâm sám hối.

Tâm thành cảm thông,

Phước hụê tròn đầy,

Tam học cụ túc,

Sen vàng thượng phẩm,

Nở rộ đón mời.

1. Trong xã hội ngày nay, với nhiều biến loạn và nhiễu nhương, những người phát tâm học Phật chân chính cần phải có một nhận thức sáng suốt. Trong nhà Phật thường nói: "Muôn việc bỏ lại đời, chỉ có nghiệp theo thân". Chúng ta cần phải hiểu câu nói này cho thấu đáo, rồi sau mới biết cách dụng công tu tập như thế nào. Phàm là những gì không đem đi được thì không nên để nó ở trong tâm. Còn những gì có thể mang đi được thì phải giành lấy từng phút từng giây, đừng để thời gian trôi qua một cách uổng phí. Thế thì, những gì có thể mang đi được? Chỉ có nghiệp! Nghiệp là kết quả của hành động, nói năng và suy nghĩ có chủ tâm. Nếu chủ tâm ác thì tạo nghiệp ác, chủ tâm thiện thì tạo nghiệp thiện. Nghiệp ác dẫn chúng ta vào địa ngục, ngạ quỹ, súc sanh; nghiệp thiện đưa chúng ta lên cõi trời, cõi người. Vậy chúng ta nên mang theo nghiệp nào? Nên bỏ ác, tu thiện, tích lũy công đức. Phước đức thì có thể mang đi được. Nhưng đây chỉ là cái phước thiện nhỏ ở trong thế gian. Trong khi đó, chư Phật luôn luôn hy vọng chúng ta thành tựu cái thiện lớn, đó là thành Phật, thành Bồ tát. Mà muốn thành Phật, thành Bồ tát thì phải có niềm tin sâu sắc vào pháp môn Tịnh độ, phải chí tâm niệm Phật cầu vãng sinh.


Thế nào gọi là thành thật? Nhất định phải buông bỏ mọi duyên ràng buộc. Trong mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh đều phải luôn luôn giữ tâm mình cho chân thật, thanh tịnh và từ bi. Luôn luôn lấy câu "Nam mô A Di Đà Phật" để ở trong tâm. Gặp người có duyên, chúng ta phải lấy chân tình, đem lòng cung kính và hoan hỷ giới thiệu pháp môn niệm Phật cho họ, khuyên họ cùng tu. Đó là sự cúng dường có ý nghĩa nhất. "


Trong tất cả các hình thức cúng dường, cúng dường pháp là hơn hết". Đó là bổn nguyện của đức Phật A Di Đà, mà mười phương chư Phật cũng giống như thế. Chúng ta cần phải tu tập như vậy thì thời gian trong một ngày không trôi qua uổng phí. Một ngày tu tập như vậy nhất định có được thân tâm thanh tịnh, có niềm vui, pháp lạc tràn đầy. Chư Phật, Bồ tát cũng cảm thông, tương ứng.

Khinh mạn là giặc cướp đi công đức.

Siêng năng là vua tạo bao điều thiện.

Phước đức là nước

Trí tuệ là thuyền

Nếu không có nước Thuyền làm sao bơi!


2. Trong kinh Kim Cương đức Phật dạy: "Ba tâm không thể nắm bắt"(1), vạn pháp đều do duyên sinh". YÙ tứ của câu này muốn nói, chúng sanh thường lấy cái tâm phân biệt, chấp trước, tham ái, bảo thủ, cho cái thân này là ta (ngã); trong khi đó, chính cái tâm ấy là hư vọng, không thật có, không thể nắm bắt được; vì vạn pháp đều do duyên sinh, cho nên bản chất của nó vốn không có tự tính, tức cũng là hư vọng, không thật, không thể nắm bắt.


Chủ thể là tâm, đối tượng là các pháp, còn gọi là năng và sơû, cả hai đều không thể nắm bắt, đó là lời dạy của đức Phật cho chúng ta biết chân tướng của sự thật. Không những tất cả các pháp đều không thật, không thể nắm bắt, mà ngay cả cái không phải pháp (phi pháp) cũng không thật, cũng không thể nắm bắt được.


Tại sao đức Phật lại nói cái không phải pháp (phi pháp)? Phi pháp là tướng không, pháp là tướng có. Trong ba cõi, thì chúng sanh ở cõi Dục và cõi Sắc chấp có, còn chúng sanh ở cõi Vô Sắc chấp không. Không và có gọi là nhị nguyên đối đãi, cả hai đều không thật, không thể nắm bắt được. Rời khỏi ý niệm có và không là vượt thoát được sinh tử luân hồi.


Tuy nhiên, vượt ra ngoài ba cõi, đạt đến Niết bàn thiên chơn, cũng là rơi vào tướng không, không thật. Các bậc A La Hán, Bích Chi Phật chứng nhập Niết bàn, là ở trong loại Niết bàn này. Trong kinh đức Phật nói: "A La Hán ở trong Niết bàn thiên chơn 2 vạn kiếp; Bích Chi Phật ở trong đó 1 vạn kiếp". Trong khoảng thời gian dài này họ không làm gì cả, công phu tu tập hoàn toàn bị đình trệ, không một chút tiến bộ. Cho nên gọi là "đọa vào chỗ vô vi". YÙ tứ của câu kinh này rất sâu sắc. Sở dĩ đức Phật nói như vậy là vì muốn giáo hóa cho hàng Bồ tát đừng bám trụ vào ý niệm có và không. Đó chính là ý nghĩa câu kinh "vô thượng thậm thâm vi diệu pháp", là "vô thượng bồ đề".


Con người sống trong thế gian này, từ đời này qua đời khác, bất luận là chịu khổ đau nhiều hay ít, sang hèn thế nào, đều do bốn yếu tố sau đây làm chủ: báo ân, báo oán, vay nợ, trả nợ. Chẳng hạn như những nhà tư bản phương Tây, họ có công ty, công sở và rất nhiều nhân công. Họ nuôi những người này cũng chỉ vì trong quá khứ, nhiều đời về trước đã mắc nợ lẫn nhau. Nếu mắc nợ nhiều thì phải nuôi cả đời. Còn nếu như mắc nợ ít, thì có thể nuôi một năm, hai năm. Khi một công nhân rời khỏi công ty, đó là họ đã trả xong nợ. Cho nên, hằng ngày phải siêng năng tính toán, lên kế hoạch kinh doanh… đều là nghĩ cách đòi nợ và trả nợ cho nhau mà thôi. Những người công nhân đối xử với họ rất cung kính, tôn trọng, toàn tâm toàn lực thay họ làm việc, đó là sự báo ân. Nhưng cũng có người mới bị khiển trách chút ít đã nghĩ cách trả thù, đó là sự báo oán. Chúng ta xem xét thấu đáo điểm này một chút thì đối với sự thật chân tướng của cuộc đời không có gì là khó hiểu. Tất cả đều diễn biến theo một chuỗi dài nhân – duyên – quả mà thôi! Nhận thức như vậy thì cái tâm tham luyến thế gian này tự nhiên phai nhạt dần. Chỉ khi nào thấu hiểu một cách rõ ràng chân tướng sự thật của cuộc đời thì khi ấy mới biết bỏ ác, tu thiện, mới biết tích lũy công đức, mới biết niệm Phật cầu thoát sinh tử, mới xem việc thoát khỏi ba cõi là vấn đề cần thiết, có tính chất cấp bách. Đó mới là người giác ngộ chân chính, mới là người có trí tuệ chân thật. Nếu như vẫn còn tham luyến cuộc đời này, tham muốn công danh, phú quý, thì nhất định không thể thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi. Mà một khi không thoát khỏi được vòng sinh tử luân hồi thì cơ hội sinh vào trong ba đường thiện rất ít, ngược lại, nguy cơ rơi vào trong ba đường ác lại rất lớn. Có người nói, học Phật nhất định phải hiểu rõ, mà muốn hiểu rõ thì phải nghe nhiều. Trong Tứ hoằng thệ nguyện có câu: "pháp môn không kể xiết, thệ nguyện đều tu học”. Câu nói này rất đúng. Nhưng cũng có người nói, học Phật không cần phải học nhiều, chỉ cần để trong tâm một danh hiệu Phật là đủ thành tựu. Câu nói này đúng hay không? Cũng đúng! Nhưng rốt cuộc chúng ta theo ai? Trong kinh Kim Cương có nói rất rõ, đức Phật không những không có pháp nhất định để thuyết, mà còn nói đức Phật chưa từng thuyết pháp nữa! Bởi vì không có pháp để thuyết, cho nên cả hai câu nói trên đều đúng cả. Để trả lời cho câu hỏi chúng ta phải theo ai, trước hết chúng ta phải tự xem lại căn tánh của bản thân mình, đồng thời phải xem lại hoàn cảnh sinh hoạt của mình. Chúng ta học Phật vì mục đích gì? Nếu như căn tánh mình lanh lợi, thông minh, hoàn cảnh ít bị chướng ngại, có thầy lành, bạn tốt, thì nên bắt đầu công việc học Phật bằng cách học rộng nghe nhiều. Ngược lại, nếu căn tánh mình chậm lụt, hoàn cảnh khó khăn, gặp nhiều chướng ngại, thì tốt nhất nên quyết định niệm Phật cầu sanh Tịnh độ. Sau khi vãng sanh sang thế giới Tây phương Cực lạc rồi học rộng nghe nhiều cũng chưa muộn; sau đó lại phát nguyện sanh trở lại cõi Ta bà, rộng độ chúng sanh, đầy đủ đại nguyện. Do đó, hai câu nói đã nêu trên, câu nào cũng có đạo lý của nó. Thành tựu chân thật của sự học Phật là được vãng sanh. Vãng sanh được kiến lập trên cơ sở tín – nguyện – hạnh. Mà niềm tin chân thật, chí nguyện thiết tha, siêng năng niệm Phật lại được kiến lập trên cơ sở "thâm hiểu nghĩa lý”. Do đó, mục đích của học rộng nghe nhiều là để thâm hiểu nghĩa lý, mà thọ trì sáu chữ hồng danh cũng là để thâm hiểu nghĩa lý. Chúng ta xem trong cuốn Niệm Phật luận, pháp sư Đàm Hư nói đến những người niệm Phật được vãng sanh thời cận đại, có thể chứng minh rằng, họ bắt đầu tu tập không phải bằng con đường học rộng nghe nhiều, mà từ chỗ thâm nhập một pháp môn – chỉ cần một bộ kinh A Di Đà là đã thành tựu rồi. Cho nên, học một bộ kinh hay học nhiều bộ kinh điều đó không quan trọng, điều quan trọng nhất là phải hiểu được nghĩa lý của kinh. Điều đó cũng có nghĩa là, trong quá trình tu tập đòi hỏi chúng ta phải thật lòng, phải chân thật: niềm tin chân thật, chí nguyện chân thật, việc làm chân thật, và thật lòng muốn vãng sanh. Do đó, tất cả đều quý nhất ở chỗ chân thành. Người có lòng chân thật thì không việc gì là không thành tựu. Học rộng nghe nhiều mà không chân thành, không hiểu được nghĩa lý, thì vẫn không thể nào thoát ra khỏi sanh tử trong tam giới. Đây là sự thật mà tất cả chúng ta không thể không biết, không thể không cảnh giác, ngàn vạn lần đừng để kiếp sống này trôi qua một cách vô ích. Trong kinh thường nói: "thân người khó được, Phật pháp khó nghe”, cho nên, niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh độ, là pháp môn mà cổ nhân thường nói nhân duyên kỳ diệu từ vô lượng kiếp khó gặp mà nay được gặp. Xin đại chúng đồng tu hãy nỗ lực tinh tấn và trân trọng!

Nguyên tác: Tịnh Không Pháp sư

Việt dịch: Thích Nguyên Hùng

Recent Posts
Archive
Search By Tags
No tags yet.
Follow Us
  • Facebook Basic Square
  • Twitter Basic Square
  • Google+ Basic Square
bottom of page