top of page

Tham đắm sắc dục

Người thế tục nếu ăn mặc đầy đủ rồi lại tham đắm sắc dục. Chữ sắc này đã hại không biết bao nhiêu người. Xưa kia, các vua chúa đế vương chỉ vì tham sắc mà mất nước không ít. Thuở xưa, vua nhà Thương, tức Hạ Kiệt mang quân đi chinh phạt, toàn thắng bắt được Muội Hỷ đem về làm vợ. Vì hoang dâm vô đạo, nên nhà Thương mới bị đoạn diệt. Vua Trụ nhà Thương luyến ái Đắc Kỷ, đam mê tửu sắc, bạo ngược vô đạo. Khi bị Châu Võ Vương chinh phạt, khiến quân binh tán loạn, nên Trụ Vương phải tự sát. Thời xưa chưa có điện thoại điện báo, cảnh sát biên phòng, nên khi giặc đến, chỉ đốt cỏ khô làm hiệu. Phương pháp là lập một đài cao. Trên đài có một cái gác. Trên gác có một cái giỏ. Trong giỏ có chứa cỏ khô. Nếu có giặc đến, liền đốt lửa làm hiệu, gọi là phong toại. Khi lửa hiệu được đốt lên, thì những đài bên cạnh lập tức báo cho quân phòng thủ. Vì Châu U Vương ân sủng chiều chuộng nàng Bao Tự, nhưng nàng ta chẳng bao giờ cười đùa. Châu U Vương đốt lửa để hiệu triệu các nước chư hầu. Quân chư hầu đến, nhưng không thấy giặc đâu cả, chỉ nghe tiếng nàng Bao Tự cười to. Sau này, quân Tây Di Khuyển Nhung theo giặc vây thành. Châu U Vương liền đốt lửa làm hiệu, nhưng quân chư hầu không màng đến. Giặc Khuyển Nhung xua quân chiếm thành, giết Châu U Vương dưới chân núi Li Sơn, cùng bắt đi Bao Tự. Vì vua đốt lửa hiệu, trêu ghẹo quân chư hầu, để cho Bao Tự được mỉm cười, nên nhà vua phải bị mất mạng. Cái họa tham sắc dục vô lượng vô biên kể không thể hết.

Lợi và danh đi liền với nhau. Danh có tốt có xấu, hoặc lưu tiếng thơm trăm đời, hay để vết nhơ muôn thuở. Điển hình là tam hoàng ngũ đế, thánh quân hiền vương. Vua Vũ nhà Hạ vâng lệnh lo việc dẫn thủy nhập điền; tám năm ra ngoài lao tâm cực khổ, ba lần đi ngang qua nhà mà không dám bước vào. Ông khai chín châu, thông chín đại lộ, đào chín sông, vạch chín núi. Làm xong nhiệm vụ đó, ông ta lại định lập thuế má, lệ cống, chế năm loại y phục, cùng khiến các nước lân bang thần phục.

Đời vua Thang, có gã thợ săn sau khi đặt lưới bẫy chim, liền cầu nguyện rằng: "Từ trên trời xuống, từ dưới đất vọt lên, bốn phương các loại chim chóc, hãy đều chui vào cái lưới này".

Nghe lời cầu nguyện của gả thợ săn, vua Thang than thở:

- Ôi hỡi! Như vậy hắn muốn bắt hết mọi loài chim chóc hay sao!

Nói xong, vua Thang ra lệnh cho gã thợ săn hãy mở lưới bẫy ra ba bên, chỉ còn chừa lại một bên, rồi dạy hắn ta, nên cầu nguyện như thế nầy:

- Nếu muốn bay bên trái thì bay. Nếu muốn bay bên phải thì bay. Nếu không còn muốn thân mạng nữa, thì hãy bay vào lưới võng này.

Đây là do đạo đức thấm nhuần, nên chư thánh lưu danh muôn thuở.

Vương Bổn, Tào Tháo, Tần Tăng, để lại vết nhơ muôn đời. Chư Phật chư Bồ Tát, chư đại tổ sư đạo đức chân thật. Tuy các ngài không cầu danh mà danh vẫn lưu thiên cổ. Tỳ kheo Thiện Tinh, Tỳ kheo ni Bảo Liên Hương, nghiệp tội thâm trọng nên bị đọa vào địa ngục, khiến lưu vết nhơ muôn năm.

Danh này cũng hại người. Nếu mình được khen là giỏi, có đạo đức, hoặc thường làm những việc khó làm, thì sanh tâm vui thích, đó là háo danh. Bị chửi mắng khiến không vui, cũng vì danh. Được khen hay chê dở, nói chung đều bị cái danh nó xoay chuyển. Trước mặt, ẩn náu súng đạn, sau lưng khó tránh hỏa tiển.

Xưa kia, nơi thiền đường, dùng ngọ xong lại có cháo điểm tâm, rồi lên chánh điện lễ Phật, đến giám liêu uống trà đàm luận. Được khen rằng mình dụng công rất hay, liền sanh tâm hoan hỷ. Bị chê là dụng công không giỏi, thì đôi má ửng hồng, xả không nổi. Các vị tiểu thượng tọa cũng như thế, được khen là hay thì sanh tâm vui vẻ, bị chê là dở thì sanh tâm bực tức, oán hận. Đó cũng là bị cái danh nó chuyển.

Ăn uống cũng rất lợi hại. Quân tử ăn không cầu no, ở không cầu an. Người xưa nhất tâm tại đạo, ăn rau dại để no lòng. Tâm định thì rau tươi cỏ dại đều có mùi vị. Hòa thượng Long Sơn tại Đàm Châu bảo:

"Một ao lá sen, y vô số

Hoa tùng ngập đất, ăn vẫn dư

Vừa bị người đời biết nơi trú

Lại dời am thất vào thâm u."

Người thế gian tham ăn, chấp trước mùi vị ngọt chua cay mặn nồng. Ai ai cũng thích mùi ngon vật lạ, nên sát sinh hại mạng, để thỏa thích miệng mồm bao tử. Người thích ăn chay, nhưng khi nấu nướng lại bỏ hành tỏi mỡ gà mỡ heo, để món ăn ngon hơn; chẳng bỏ được tập khí giết sinh hại mạng, vì tâm tánh giết hại vẫn còn. Tuy không ăn thịt, nhưng lại dùng dầu mỡ động vật cùng hành tỏi, thì vẫn phạm giới. Dẫu thức ăn ngon hay dở, một khi đã xuống bao tử rồi thì thành phẩn uế. Sao lại tham cầu cao lương mỹ vị, tranh nhau không ngừng! Ăn càng nhiều thì thải bỏ phẩn uế càng nhiều, có hay ho gì đâu!

Ngủ lại không thể bàn hết. Một năm có ba trăm sáu mươi ngày. Một ngày có hai mươi bốn tiếng. Ban ngày làm việc, tối đến mơ mộng. Bình thường, một năm ngủ khoảng một trăm tám mươi ngày. Việc ngủ nghỉ chiếm rất nhiều thì giờ, thật hại chết người. Người chân chánh tu hành, rất mến tiếc thời gian. Kinh Di Giáo bảo: "Ban ngày chuyên cần tu tập pháp lành, không để mất thời gian. Đầu hôm cuối hôm, cũng chớ bỏ phế công phu. Giữa đêm tụng kinh, lấy đó làm việc nghỉ ngơi. Nếu cứ mộng mị vô cớ, thì một đời trải qua vô ích, không đắc được gì cả." Do đó, tối đến nếu có mộng mị, phải đổi cách thức tu. Người háu ăn làm biếng, chỉ ưa tham ngủ, thường không thể phát đạo tâm, không biết sám hối. Vừa tỉnh giấc bên trái, lại xoay qua ngủ bên phải. Buổi khuya ngủ chưa đủ, ban ngày lại ngủ thêm để bù đắp. Xem kinh nghe pháp, ngồi thiền niệm Phật cũng ngủ gật, bỏ phí thời giờ rất nhiều, vậy thì mục đích cứu cánh xuất gia để làm gì?

Cổ đức bảo:

- Nghe chuông, nằm lăn không dậy, khiến hộ pháp thiện thần quở trách. Ngay hiện đời phúc đức giảm; chết rồi bị đọa làm thân rắn.

Ngài Quy Sơn bảo:

- Thường thấy những kẻ sơ phát tâm, giải đãi làm biếng, ham ăn ngủ nhiều, sống cuộc đời vô ích trên thế gian. Thật đáng thương thay, thật bi thiết tâm! Không đành ngậm miệng, nên phải nói lời răn nhắc này.

Hy vọng, người có tâm cầu đạo, nguyện vượt ra sanh tử, chớ để năm món dục lạc, cùng thất tình xoay chuyển. Hãy nỗ lực chuyên cần tu hành, chớ để thời gian trôi qua vô ích.

Nam Mô A Di Đà Phật.


Recent Posts
Archive
Search By Tags
No tags yet.
Follow Us
  • Facebook Basic Square
  • Twitter Basic Square
  • Google+ Basic Square
bottom of page